"Loay hoay" xác thực sinh trắc học, khách hàng gặp khó vì tóc "đổi màu"

Linh Anh Thứ hai, ngày 01/07/2024 12:29 PM (GMT+7)
Ghi nhận của PV Dân Việt, sáng nay (1/7), nhiều chủ tài khoản đem theo căn cước công dân gắn chip đến các phòng giao dịch, hoặc các chi nhánh ngân hàng để được hỗ trợ xác thực sinh trắc học bằng khuôn mặt. Cá biệt, có khách hàng gặp khó vì tóc "đổi màu".
Bình luận 0

Thay đổi màu tóc so với CCCD gắn chip, người dân "loay hoay" xác thực sinh trắc học

Ghi nhận của PV tại Ngân hàng Agribank chi nhánh Láng Hạ (Hà Nội) cho thấy, sáng nay (1/7), một số chủ tài khoản đem theo căn cước công dân gắn chip, để được hỗ trợ định danh bằng máy đọc NFC tại quầy.

Anh Bùi Quang Mạnh (Yên Phụ, Hà Nội) cho hay, anh không thể xác thực sinh trắc học do thiết bị của anh không thể đọc thẻ chip tại căn cước công dân.

"Do thường xuyên phải chuyển khoản với giao dịch có giá trị lớn, nên ngay khi không thể xác thực được, tôi phải ra ngân hàng nhờ sự hỗ trợ của nhân viên, nhằm không bị gián đoạn giao dịch", anh Mạnh nói.

"Loay hoay" xác thực sinh trắc học, khách hàng gặp khó vì tóc "đổi màu"- Ảnh 1.

Nhiều chủ tài khoản đến trực tiếp chi nhánh ngân hàng để được hỗ trợ định danh bằng máy đọc NFC tại quầy. Ảnh: KL.

Tương tự, chị T. T. Thảo (Kim Mã, Hà Nội) chia sẻ, chị đã thử xác thực sinh trắc học một vài lần ở nhà nhưng không thành công. "Có lúc thì quá tải, có lúc nhập thông tin nhưng không gửi được nên tôi quyết định ra chi nhánh để nhờ sự hỗ trợ của các bạn nhân viên", chị Thảo nói.

"Loay hoay" xác thực sinh trắc học, khách hàng gặp khó vì tóc "đổi màu"- Ảnh 2.

Nhân viên ngân hàng hỗ trợ khách hàng xác thực sinh trắc học. Ảnh: KL.

Đáng chú ý, ông Ngọc Hiệp (75 tuổi, Hà Nội) cho biết, ông gặp 2 vấn đề lớn khi thực hiện xác thực sinh trắc học.

Thứ nhất, tài khoản ngân hàng của ông Hiệp đang được đăng ký bằng số chứng minh thư nhân dân cũ. Do đó, khi xác thực sinh trắc học bằng căn cước công dân gắn chip, ông phải mất nhiều thời gian để xác thực, đồng bộ thông tin.

Thứ hai, đối với một người lớn tuổi như ông, những thao tác khi thực hiện xác thực khuôn mặt có phần khó khăn hơn so với những khách hàng trẻ.

"Các thao tác chụp, quét QR tôi thực hiện bình thường. Nhưng đến bước đọc chip, tôi không thực hiện được vì không biết để căn cước ở vị trí nào cho phù hợp. Qua đó, khiến tôi không thể xác thực sinh trắc học ở bước cuối cùng", ông Hiệp nói.

Ngoài ra, ông Hiệp còn chỉ ra một vấn đề khác: Trước đây, khi làm CCCD gắn chip, ông nhuộm tóc màu đen. Tuy nhiên, hiện tại, tóc ông đã chuyển sang màu trắng (bạc), nên khi xác thực sinh trắc học khuôn mặt, ông cũng không thể nhận dạng được khuôn mặt. Do đó, ông Hiệp đã đến ngân hàng để được tư vấn hỗ trợ.

Dù gặp khó khăn trong xác thực khuôn mặt, song ông Hiệp đánh giá, xác thực sinh trắc học sẽ là bước tiến mới, giúp người dùng bảo mật thông tin cho người dùng. Đồng thời, việc xác thực sinh trắc học có thể giúp ngăn chặn các hành vi gian lận tài chính.

"Loay hoay" xác thực sinh trắc học, khách hàng gặp khó vì tóc "đổi màu"- Ảnh 3.

Khách hàng tại Vietcombank.

Tại Vietcombank (198 Trần Quang Khải), ông Dương Văn Hồi (68 tuổi) cũng thừa nhận, tuy còn một số khó khăn khi mới sử dụng, nhưng việc cập nhật sinh trắc học để thực hiện các giao dịch chuyển tiền là "vô cùng tốt". Bởi việc này, giúp khách hàng bảo mật thông tin và chống việc bị ăn trộm tiền qua mạng.

"Vì tôi cũng có lúc phải thực hiện những giao dịch lớn nên việc xác thực qua sinh trắc học là cần thiết, thậm chí nó giúp mình cần thận hơn tránh việc chuyển tiền nhầm lẫn", ông này nói.

Đáng chú ý, chị Lê Thủy (Thanh Hóa) cho biết, sáng nay (1/7), chị thực hiện thành công việc chuyển khoản 10 triệu đồng trên app của một ngân hàng thương mại cổ phần, dù ngân hàng không yêu cầu quét khuôn mặt.

Chưa xác thực sinh trắc học, khách hàng có thể chuyển tiền từ 1/7?

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước - NHNN), không phải tất cả các giao dịch chuyển tiền, khách hàng đều phải xác thực sinh trắc học, mà chỉ những khoản tiền có từ 10 triệu đồng trở lên hoặc tổng giá trị giao dịch trong ngày trên 20 triệu đồng mới phải xác thực sinh trắc học.

Ngoài ra, ông Tuấn thông tin, đối với những khách hàng chưa có CCCD gắn chip và những khách hàng chưa thể cập nhật sinh trắc học trên app ngân hàng và được xác thực đã hoàn thành do lỗi kỹ thuật từ hệ thống, khi thực hiện giao dịch chuyển tiền từ 10 triệu trở lên phải ra quầy thực hiện giao dịch và xác thực tại quầy.

Những khách hàng đã xác thực thành công dữ liệu sinh trắc học trên app ngân hàng, song khi thực hiện giao dịch, dữ liệu sinh trắc học khuôn mặt của khách hàng nếu không khớp với dữ liệu trong CCCD gắn chip (do thay đổi một số nét trên khuôn mặt dẫn tới dữ liệu không trùng khớp) tại thời điểm thực hiện giao dịch chuyển tiền, nạp tiền vào ví điện tử hay chuyển tiền liên ngân hàng hoặc thanh toán các giao dịch khác với giá trị lớn, khách hàng buộc phải ra quầy giao dịch nếu có nhu cầu.

Như vậy, đối với các giao dịch có giá trị trên 10 triệu một lần hoặc hạn mức trong một ngày đã chạm mốc 20 triệu thì chắc chắn chủ tài khoản cần phải xác thực sinh trắc học thì mới có thể thực hiện được giao dịch.

"Loay hoay" xác thực sinh trắc học, khách hàng gặp khó vì tóc "đổi màu"- Ảnh 4.

Khách hàng đến xác thực sinh trắc học tại quầy giao dịch Ngân hàng TPBank.

Ngoài ra, đối với giao dịch nạp, rút tiền từ Ví điện tử thông qua tài khoản thanh toán/ thẻ ghi nợ liên kết chính chủ, nếu khách hàng đã thực hiện xác thực chính chủ với ngân hàng khi thực hiện liên kết bằng biện pháp xác thực đối với giao dịch loại B hoặc cao hơn (trừ biện pháp xác thực bằng dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học gắn liền với thiết bị cầm tay thông minh) thì không bắt buộc áp dụng biện pháp xác thực đối với các giao dịch nạp, rút tiền từ Ví điện tử có hạn mức: G ≤ 10 triệu VND và G + Tksth ≤ 20 triệu VND. Các giao dịch khác, thực hiện theo quy định tại Quyết định 2345.

Đối với giao dịch thực hiện chuyển liên ngân hàng ra các tài khoản nước ngoài, chủ tài khoản buộc phải tiến hành thực hiện cập nhật xác thực thông tin sinh trắc học vân tay trong ứng dụng ngân hàng nếu không muốn giao dịch sẽ bị gián đoạn.

Tại các phòng giao dịch của một số ngân hàng thương mại cổ phần theo khảo sát của Dân Việt sáng nay, không có tình trạng người dân xếp hàng để xác thực khuôn mặt hay chuyển tiền trên 10 triệu - 20 triệu tại quầy. Bởi, nhiều ngân hàng đã mở cửa phục vụ khách hàng trong cả 2 ngày cuối tuần vừa qua.

"Trong 2 ngày cuối tuần (29 - 30/6 vừa qua), nhân viên ngân hàng hoạt động hết công suất, từ 7h30' - 21h30' hàng ngày. Chúng tôi mong muốn hỗ trợ để khách hàng không bị gián đoạn giao dịch", nhân viên tại Techcombank (Cầu Giấy) cho hay.

Tương tự, đại diện Ngân hàng Techcombank - Chi nhánh Trần Thái Tông chia sẻ, những ngày gần đây, chi nhánh đón lượng khách gấp 2 lần bình thường. Trong số đó, nhiều khách hàng tới quầy thực hiện xác thực sinh trắc học bằng khuôn mặt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem