Lừa đảo đưa người Việt sang Campuchia bóc lột sức lao động là hành vi mua bán người

Thùy Anh Thứ năm, ngày 14/07/2022 15:02 PM (GMT+7)
Mới đây, thông tin nhiều người Việt Nam bị lừa đảo dụ dỗ sang Campuchia làm việc, bị bóc lột sức lao động đang khiến dư luận phẫn nộ. Đại diện cơ quan chức năng đã chỉ ra những lỗ hổng đang tồn tại.
Bình luận 0

Đẩy mạnh truyền thông, giảm thiểu tình trạng đưa lao động sang Campuchia làm việc

Trao đổi với PV Báo Dân Việt, bà Nguyễn Thùy Dương - Phó cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTBXH) cho biết, thời gian qua Việt Nam cũng ghi nhận một số vụ việc lao động di cư bất hợp pháp sang làm việc tại CampuchiaMột số có dấu hiệu mua bán người. 

Hiện các cơ quan chức năng, bao gồm cả Cục Phòng chống tệ nạn cũng đã thông tin cho các Sở LĐTBXH để phối hợp với công an các tỉnh thành và các cơ quan ngoại giao ở Campuchia thực hiện hỗ trợ, giải cứu lao động bị bóc lột (nếu có) tại Campuchia. Trước đó, chúng tôi đã tổ chức một Hội thảo về Phòng chống mua bán người, bóc lột lao động tại Quảng Ninh để bàn bạc về việc xử lý vấn đề này.

Lừa đảo đưa lao động sang Campuchia bóc lột lao động cũng là mua bán người - Ảnh 1.

Em Tao Văn D., xã Quang Kim, huyện Bát Xát (Lào Cai) kể lại sự việc bị lừa bán sang Campuchia làm việc. Ảnh: T.A.

Về phía Bộ LĐTBXH, chúng tôi được giao trách nhiệm hỗ trợ nạn nhân mua bán người. Trong trường hợp các nạn nhân bị mua bán trở về qua cửa khẩu hoặc trình báo với đồn biên phòng thì chúng tôi sẽ ngay lập tức thực hiện hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân. Khi những người này đã được xác nhận là nạn nhân, cơ quan chức năng sẽ thực hiện các hỗ trợ trực tiếp bằng tiền và cả các dịch vụ kèm theo từ nguồn Chính phủ và cả các tổ chức phi chính phủ.

Về công tác truyền thông, hiện nay nhiều Bộ ngành, địa phương cũng tập trung nhiều giải pháp truyền thông nâng cao nhận thức của người dân trong việc phòng chống mua bán người và di cư bất hợp pháp của lao động. Việc truyền thông cũng đã tập trung cảnh báo hành vi có dấu hiệu mua bán người, bóc lột lao động... từ đó đề cập hậu quả của tình trạng này. Tuy nhiên, một bộ phận lao động vẫn chưa tiếp cận được thông tin, hiểu biết hạn chế nên vẫn đi làm việc theo những kênh không chính thống, vướng vào đường dây lừa đảo việc làm. Nhiều lao động có thể đã nghe thấy lời cảnh báo nhưng nghe thấy "việc nhẹ lương cao" thì vẫn muốn thử.

"Từ đầu năm 2022 đến nay, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia đã phối hợp với các cơ quan chức năng hai nước, xác minh, hỗ trợ và đưa về nước an toàn khoảng 400 công dân Việt Nam"

Số liệu từ Bộ Ngoại giao

Về giải pháp chúng tôi cho rằng vẫn là đẩy mạnh tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của người dân, từ đó giảm thiểu việc lao động di cư tự do, ngăn chặn hành vi mua bán người".

Khó ngăn chặn được người dân di cư tự do sang Campuchia làm việc

 Trao đổi thêm với PV Báo Dân Việt, ông Nguyễn Gia Liêm - Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cho biết, hiện nay cục cũng tiếp nhận một số thông tin lao động di cư bất hợp pháp, đi làm việc ở nước ngoài. Nhiều nhất là lao động ở các tỉnh biên giới sang Trung Quốc làm việc, hoặc lao động sang Lào, Campuchia, Malaysia...

"Hiện nay, Việt Nam chưa có hợp tác việc làm với Chính phủ Campuchia, tuy nhiên chúng ta đã và đang đưa lao động đi làm việc ở 40 quốc gia vùng lãnh thổ. Lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài thay vì tin lời dụ dỗ của những kẻ lạ mặt, những người không có thông tin, những kẻ môi giới cò mồi thì nên tìm tới các đơn vị công như: Phòng LĐTBXH, Sở LĐTBXH hay Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thành phố, các công ty xuất khẩu lao động được cấp giấy phép để được tư vấn đi làm việc", ông Liêm nói.

Ông Liêm cũng cảnh báo, lao động không nên tự ý đi làm việc ở nước ngoài qua các đường dây môi giới không đáng tin cậy. Hoàn toàn không có công việc nào được gọi là 'việc nhẹ lương cao'. Nên tìm hiểu qua các trung tâm việc làm công thuộc Sở LĐTBXH các tỉnh thành quản lý.

sang campuchia lam viec

Một số lao động Việt Nam được giải cứu sau khi bị lừa bán sang Campuchia làm việc. Ảnh: ANTV

Theo Luật Phòng chống mua bán người thì việc mua bán người có thể được hiểu là việc chuyển giao, đưa người đến nơi khác trong nước hoặc nước ngoài thông qua việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực hay những hình thức ép buộc khác bằng thủ đoạn dụ dỗ, lôi kéo, lừa gạt, đe dọa ép buộc, lợi dụng quyền hành, bắt cóc, xin con nuôi, môi giới hôn nhân trá hình… với mục đích bóc lột sức lao động, lợi dụng tình dục của nạn nhân, trục lợi...

Chiếu theo khái niệm này thì hành vi dụ dỗ lao động dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài theo kiểu 'việc nhẹ lương cao" là hành vi bất hợp pháp bị nghiêm cấm, có dấu hiệu của lừa đảo, mua bán người.

Những vụ việc tương tự thường xảy ra ở khu vực nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa giáp biên giới. Đây cũng là khu vực trình độ dân trí của người dân còn thấp, kinh tế khó khăn. Chính bởi vậy, khi đưa ra lời hứa hẹn tìm việc làm có thu nhập cao thì lao động tin làm theo, sa bẫy. 

Luật Phòng chống mua bán người quy định cụ thể hành vi bị cấm, trong số đó có các hành vi chuyển giao, tiếp nhận, tuyển mộ lao động để cưỡng bức lao động.  

Nhiều lao động di cư tự do, đi làm việc ở Campuchia cũng bị lừa đảo, ép buộc cưỡng bức lao động. Khi lao động kháng cự, không làm việc thì bị đánh đập, mua bán.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem