Cơ cấu lại nợ "chưa thỏa đáng", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trả lời thế nào với cử tri TP.HCM?
Mốc thời gian cơ cấu lại nợ "chưa thỏa đáng", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trả lời thế nào với cử tri TP.HCM?
Huyền Anh
Thứ ba, ngày 28/12/2021 07:24 AM (GMT+7)
Cử tri TP.HCM đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép cơ cấu lại các khoản nợ phát sinh sau ngày 01/8/2021. Tuy nhiên, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, điều này là không phù hợp.
Cử tri TP.HCM: Các mốc thời gian gia hạn thêm về cơ cấu lại nợ chưa thỏa đáng
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, cơ quan này nhận được 05 kiến nghị của cử tri TP.HCM gửi tới trước kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV do Ban Dân nguyện và Văn phòng Chính phủ chuyển đến theo văn bản số 418/BDN ngày 02/11/2021 và văn bản số 8243/VPCP-QHĐP ngày 10/11/2021.
Một trong những kiến nghị được cử tri TP.HCM gửi tới NHNN là, đề nghị NHNN mở rộng phạm vi khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí phát sinh đến trước ngày 31/12/2021 (thay vì trước ngày 01/8/2021), cần cụ thể mức lãi suất giảm để các ngân hàng thương mại áp dụng.
Cùng với đó, mốc thực hiện cơ cấu lại nợ nên được gia hạn trước 30/12/2022 để tạo động lực mạnh mẽ cho các doanh nghiệp phục hồi sản xuất.
Theo lý giải của cử tri TP.HCM, các mốc thời gian mà Thông tư 14/2021/TT-NHNN gia hạn thêm vẫn chưa thỏa đáng, nhất là đến thời điểm này, doanh nghiệp vẫn đang đối diện với những khó khăn về tài chính tương tự, nên việc NHNN chọn mốc các khoản vay phát sinh trước ngày 01/8/2021 sẽ vô tình bỏ sót đối tượng thụ hưởng.
Về đề nghị cho phép cơ cấu lại các khoản nợ phát sinh sau ngày 01/8/2021, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng là không phù hợp. Bởi từ thời điểm sau ngày 01/8/2021, tổ chức tín dụng (TCTD) và khách hàng đã nắm được tình hình dịch bệnh lần thứ 4 nên các khoản nợ mới phát sinh đã phải cân nhắc thời hạn vay cho phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng.
"Nếu cho phép cơ cấu lại đối với khoản nợ mới phát sinh này đồng nghĩa với việc cho phép cơ cấu lại đối với các khoản nợ sẽ phát sinh trong tương lai, việc này có thể dẫn đến tình trạng các TCTD không thận trọng trong quá trình cấp tín dụng mới vì các khoản này đã được cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ (làm giảm tiêu chuẩn an toàn trong quá trình xem xét, phê duyệt cấp tín dụng). Đồng thời, có thể dẫn đến tình trạng TCTD và khách hàng lợi dụng chính sách để trục lợi, gây rủi ro cho hệ thống các TCTD", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.
Liên quan đến việc quy định thời hạn ngày 30/6/2022 thay vì tháng 12/2022 như đề nghị của cử tri TP.HCM, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thông tin: Tại điểm 2 Mục II, điểm 1 Mục III Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 năm 2021-2022 ban hành kèm theo Quyết định 3355/QĐ-BYT ngày 08/7/2021 của Bộ Y tế đã đặt mục tiêu: Đến hết quý I/2022 trên 70% dân số được tiêm vaccine phòng Covid-19 và đảm bảo nguyên tắc tỷ lệ bao phủ và tỷ lệ sử dụng vaccine cao cho người trong độ tuổi tiêm chủng được tiêm vaccine phòng Covid-19 (đạt trên 90%). Theo đó, Việt Nam cần một khoảng thời gian (từ nay đến quý I/2022) để giảm thiểu tác động của dịch bệnh Covid-19 đến nền kinh tế.
Căn cứ vào kế hoạch tiêm chủng, kế hoạch kiểm soát dịch bệnh nêu trên, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ được áp dụng đối với nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi phát sinh trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 30/6/2022 là phù hợp, giúp các doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 có thêm khoảng thời gian 03 tháng (so với mục tiêu tiêm chủng nêu trên) để phục hồi sản xuất, kinh doanh và sẽ có được các nguồn vốn, dòng tiền để trả nợ TCTD.
"NHNN sẽ tiếp tục theo dõi để đề xuất các giải pháp phù hợp với tình hình diễn biến của dịch bệnh, tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua dịch Covid-19, đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng, không để lợi dụng chính sách trục lợi, gây rủi ro cho hệ thống các TCTD", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay.
Đến 22/11/2021, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khoảng 600.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ trên 283.000 tỷ đồng; lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu từ 23/1/2020 khoảng 580.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,94 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ hơn 3,81 triệu tỷ đồng; tổng số tiền lãi lũy kế TCTD đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 32.600 tỷ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế đạt trên 7,1 triệu tỷ đồng cho khoảng 1,2 triệu khách hàng.
Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp đã và đang triển khai có hiệu quả; chỉ đạo các TCTD cố gắng tiết giảm chi phí hoạt động để tiếp tục giảm lãi suất; tiếp tục rà soát cơ chế, thủ tục cho vay phù hợp hơn với thực tiễn thị trường và tình hình mới, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng tín dụng, an toàn hệ thống để hỗ trợ các doanh nghiệp được vay vốn ngân hàng thuận lợi, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.