Một ông nông dân Phú Yên sở hữu thứ "tài sản" mà cả huyện không ai có

Thứ sáu, ngày 10/07/2020 17:40 PM (GMT+7)
Ông Võ Sô (60 tuổi) ở thôn Thạnh Đức, xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên). Ông thứ mười nên người trong xóm gọi là ông Mười. Gia sản của ông là gần 200 bụi tre hơn trăm tuổi, trải dài qua hai xã.
Bình luận 0

Dẫn chúng tôi đi một vòng các hàng tre, rồi ông Mười kể “tiểu sử” của các hàng tre này. Tre xanh ba đời, từ đời ông nội đến cha ông, rồi đến thế hệ ông đều ra sức “nuôi” tre.

Hàng tre trải dài qua hai xã

Hiện ông Mười làm chủ hai hàng tre. Hàng tre trên soi Bà Năm thuộc thôn Triêm Đức, xã Xuân Quang 2, với 150 bụi và hàng tre soi Hóc Ống thuộc thôn Thạnh Đức, xã Xuân Quang 3, với 50 bụi. Cả hai hàng tre nằm dọc theo dòng sông Cái (hay còn gọi là sông Kỳ Lộ) dài gần 2km, bộ rễ ngậm nước nên tre cái (tre to) vươn cao thẳng đứng. 

Một ông nông dân Phú Yên sở hữu thứ "tài sản" mà cả huyện không ai có - Ảnh 1.

Ông Mười rong gai hàng tre soi Hóc Ống. Ảnh: LÊ TRÂM.

Từng bụi tre đan xen nhau như “nối vòng tay”, tạo nên một thành lũy kiên cố. Còn những cây tre nằm bên trong đất soi thì có khóm tre 4 đến 5 bụi “bó” lại, ông dùng rựa rong gai sạch sẽ làm tre cảnh.

Ngồi nhâm nhi ly rượu gạo, ông Mười chia sẻ công dụng cây tre: Mưa bão vừa qua, nước chảy từ trên núi đổ xuống sau hè bứng móng chuồng heo, làm lệch mái gãy đòn tay, tôi ra chặt cây tre về lận vô thay thế ngay. Hay như chuồng bò bị bão xô xiêu vẹo thì chặt cây tre đực “chống gậy” xung quanh chuồng bò. 

Cây tre khắc phục tình huống khẩn cấp, có chỗ cho bò, heo đứng. Hay như gió bão làm ngã đổ đường dây điện băng qua đường thì chặt cây tre chống lên “cấp cứu” hệ thống điện trong nhà. Nếu không có tre, phải đi chặt cây thì mất một ngày mới có cây thay thế.

"Ông Võ Sô có “tài sản” 200 bụi tre, khó ai ở huyện Đồng Xuân có được. Hiện ngành Nông nghiệp khuyến khích người dân trồng tre chống sạt lở bờ sông, bảo vệ đất sản xuất. Cây tre còn là vật liệu để làm các vật dụng truyền thống như nong nia, giần sàng dùng trong gia đình…", ông Trần Quốc Huy, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đồng Xuân.

Bao năm gắn bó với cây tre, nhìn bụi tre ông “biết mặt” từng cây. Tre vừa đủ lá là tre một năm dùng làm tre lạt (dùng để buộc, cột). Thân tre từ màu xanh ngả sang màu vàng là tre 3 năm dùng đóng bè. Tre lên nước màu đỏ là tre 5 năm trở lên dùng làm đòn tay.

Đó là thân tre, còn gốc tre thì người xưa có câu: “Ông già ổng chết đã lâu/Cặp mắt trao tráo chòm râu vẫn còn”. Ý nói thân tre già chặt rồi, còn lại phần dưới gốc, mắt tre (ở dưới gốc tre), rễ tre (chòm râu) hàng chục năm chưa mục.

Trước đây, người dân cất nhà gần ruộng, dùng gốc tre đóng xung quanh rồi đổ đất nền lên, nhờ gốc tre đất không xệ xuống mà giữ chặt móng nền nhà. Còn những đám đất gò gần họng suối, mùa mưa nước chảy trôi đất đá vô ruộng thì dùng gốc tre đóng chặt xuống đất dựng thành bờ tre ngăn đất đá từ suối tràn vô.

Gốc tre già, tre mắt kiến (kiến đục mắt tre tạo u nần), ông đục đẽo, gọt giũa tạo hình con gà, con vịt… đầy đủ lông lá. Cháu ngoại ông đi học thì thôi về nhà là ôm các con vật làm bằng gốc tre để chơi.

Quyết tâm “nuôi” tre

Với “tài sản” 200 bụi tre, hàng năm ông Mười thu được ngàn mụt măng và bán gần 1.000 cây tre già. Theo ông Mười, chặt tre có cách, khi chặt tre bán hoặc đan các vật dụng thì chặt tỉa, chừa lại một số cây để khi măng mọc lên có thân tre già để măng dựa và đứng thẳng. 

Nếu chặt triệt lứa tre già thì măng mọc lên gió sẽ quật gãy, cây tre bị cụt đọt làm bụi tre lùn xuống. Khi tre bị cụt đọt nếu có để lâu năm (trên 10 năm) thân tre ngả màu vàng óng, dùng đan nong, thúng sẽ mau mục, không bền như cây tre nguyên đọt.

Bẻ măng cũng có bí quyết, bẻ mụt măng từ dưới đất cao đến đầu gối người lớn, khi bẻ sát gốc, tre ra mụt măng khác. Còn măng cao đến ngang bụng mà thò tay bẻ là không nên, vì khi bẻ phần non ở trên khoảng 2 gang tay người lớn, còn chừa lại phía dưới gốc, tre tiếp tục ra lá, cây tre đó sẽ không phát triển. 

Không những thế, bẻ măng riết như vậy dẫn đến làm hư bụi tre, vì cây không đủ sức ra măng. Còn nữa, để măng lên thẳng, người trồng phải thường xuyên dùng rựa rong, chặt dọn gai quanh bụi tre. Nhờ cách chặt tre và bí quyết bẻ măng này mà ông Mười “nuôi” được hàng trăm bụi tre xanh tươi bên bờ sông Kỳ Lộ.

Sông Kỳ Lộ mùa mưa nước hung dữ, đợt lũ lịch sử năm 2009, phía bên soi xóm Trường, xã Xuân Quang 2 (nơi có 18 người chết do lũ cuốn trôi, 41 ngôi nhà đổ sập hoàn toàn), nước lũ chảy xiết đến nỗi bứng những bụi tre mồ côi (tre đứng một mình), trôi cả chục cây số xuống đồng Bé thuộc thôn Thạnh Đức, phơi thành “cánh đồng gốc tre”; còn tre trồng thành hàng của gia đình ông thì rễ tre níu nhau, đứng vững trong lũ dữ.

Cũng trong đợt lũ lịch sử 2009, dọc sông Kỳ Lộ hàng ngàn héc ta đất canh tác bị lũ lụt nạo hết lớp đất mặt, bồi lấp cát, nhiều người sau lũ mất trắng đất sản xuất. Riêng đất soi nhà ông có tre che chắn, không mất tấc đất nào.

Ông Mười cho hay, chỗ soi Hóc Ống có bến sông Hóc Ống là nhà cũ của ông. Những năm tháng sống ở nhà cũ, bụi tre xung quanh nhà cất giữ nhiều kỷ niệm. Có năm vào mùa mưa, nước lụt lớn bất ngờ, cả gia đình chạy thoát thân không kịp dọn đồ. 

Sau lũ lụt nước rút, mọi người trở về thì vật dụng trôi sạch, tìm quanh một hồi mới phát hiện cái nồi to bị nước lụt cuốn trôi mắc kẹt trong bụi tre, rảo tìm tiếp thấy mấy cái chảo, nong nia, giần sàng trôi tấp vào hàng tre, nhờ hàng tre giữ của...

Sau ngày đất nước giải phóng, một tuyến đường mới mở cách xa bến sông, người dân chuyển vào sống hai bên đường gần trường học, trụ sở thôn nên nhà ông cũng dời vào xóm Thạnh Hạ.

“Thời đại công nghiệp hóa, trong các vật dụng gia đình, đồ nhựa ra đời thay thế đồ tre nhưng gần đây hầu như người dân từ miền quê đến thành phố bắt đầu chuộng sử dụng vật liệu tre trở lại. Chẳng hạn như đôi đũa. 

Đũa nhựa đủ màu đẹp mắt nhưng trơn, gắp miếng thịt rớt lên rớt xuống, có khi gần đến miệng còn rớt. Còn đũa tre gắp đâu chắc đó. Đũa nhựa nhìn sang nhưng chịu lửa không bằng đũa tre nên người ta dùng đũa tre nướng thịt cá là vì vậy”, ông Mười nói.

Hiện nay, tuy đã dọn nhà vào trong xóm Thạnh Hạ nhưng ông Mười không rời khỏi hàng tre, hàng ngày ông ra soi dọn gai dưỡng măng tre, vừa “nuôi” tre, vừa cắt cỏ nuôi bò (đất soi nền nhà cũ phía trong hàng tre ông trồng cỏ và dựng trang trại bò). 

Thỉnh thoảng, trưa chiều ông lên soi Bà Năm thăm chừng hàng tre, sợ có người bẻ măng. Ông lo những người không biết nghĩ, thò tay bẻ mụt măng cao sẽ để lại cây tre bị tật nguyền, không phát triển.

Ông Mười mong muốn, Nhà nước hỗ trợ khôi phục lại nghề truyền thống đan đát các vật dụng bằng tre. Bởi nếu được như vậy, người dân ở đây sẽ trồng thêm nhiều hàng tre như ông và có thêm công ăn, việc làm lúc nông nhàn, tăng thu nhập cho gia đình…

Mạnh Lê Trâm (Báo Phú Yên)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem