Mưa lũ, mất trắng vườn cây, ao tôm, chưa biết sẽ sống sao...

Ngọc Vũ Thứ tư, ngày 18/11/2020 06:00 AM (GMT+7)
Ngày 17/11, phóng viên Báo NTNN/Dân Việt có mặt tại vườn cao su của ông Lê Văn Hạnh (46 tuổi, trú thôn Bến Hải, xã Trung Sơn, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị). Tan hoang - đó là những gì phóng viên ghi nhận được khi nhìn thấy đất sản xuất, cây cao su, tràm keo của ông Hạnh bị sạt lở xuống sông.
Bình luận 0


Mất trắng vườn cây, ao tôm, chưa biết sẽ sống sao... - Ảnh 1.

Người nuôi cá lồng ở xã Triệu Phước (huyện Triệu Phong, Quảng Trị) mất trắng vì bị lũ cuốn trôi. Ảnh: N.V

Ông Hạnh cho biết, 8 năm trước, bằng nguồn vốn tích lũy, mượn người thân và vay ngân hàng 100 triệu đồng, ông đã trồng 550 cây cao su trên diện tích 1ha. Mỗi năm, bão bẻ gãy một ít cao su của gia đình ông Hạnh. Riêng năm 2020, 4 trận lũ lớn liên tiếp đã cuốn trôi 150 cây cao su của ông Hạnh xuống sông Bến Hải. 0,5ha đất trồng tràm kèo đã 3 năm tuổi cũng bị lũ cuốn, đất sạt lở xuống sông.

Cố gắng kìm nước mắt, ông Hạnh cho biết: "Gia đình tôi trông chờ vào vườn cao su và tràm keo nhưng lũ, sạt lở đất đã gây thiệt hại quá nặng nề. Bây giờ, nợ ngân hàng chưa trả xong, mỗi tháng còn phải nộp tiền lãi, gia đình tôi không biết xoay xở thế nào trong tình cảnh khốn đốn này".

Dọc đôi bờ sông Bến Hải, không riêng ông Hạnh mà có hàng trăm hộ dân bị thiệt hại, đất sản xuất, cây trồng bị sạt lở, lũ cuốn trôi.

Xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh, là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề trong các đợt mưa lũ vừa qua, đặc biệt là nuôi thủy sản. Toàn bộ diện tích nuôi tôm của xã hơn 182ha bị nước lũ cuốn trôi hoàn toàn, trong đó nhiều diện tích đang chuẩn bị thu hoạch, ước thiệt hại hơn 70 tỷ đồng.

Nhìn đống đổ nát giữa hồ tôm của mình, ông Trần Hữu Thu (trú thôn Phan Hiền, xã Vĩnh Sơn) nghẹn ngào cho hay, dịch Covid-19 đã khiến giá tôm chính vụ xuống thấp, gây thiệt hại lớn. Giá tôm vụ trái cao hơn, đồng thời muốn vực dậy kinh tế sau thiệt hại của dịch Covid-19 nên ông Thu đầu tư lớn. Thế nhưng, tháng 10 vừa qua, nước lũ quá lớn, dâng nhanh, ông Thu không kịp trở tay nên hơn 5ha nuôi tôm thẻ chân trắng từ 2 – 4 tháng bị nước cuốn trôi, các loại máy móc phục vụ cho nuôi tôm như máy phát điện, môtơ điện… cũng bị ngập nước hư hỏng. Ước thiệt hại hơn 600 triệu đồng.

Cũng như bao nhiêu người dân thôn Bắc Phước, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong, ông Trần Văn Dương sống chủ yếu vào 0,5ha nuôi tôm. Nếu được mùa, mỗi năm ông Dương có doanh thu 150 triệu đồng, lãi 70 triệu đồng. Năm nay, ông Dương đầu tư nhiều hơn, tôm phát triển tốt hơn, chỉ còn ít ngày nữa là thu hoạch với ước tính lãi khoảng 100 triệu đồng. Thế nhưng, trận lũ lịch sử tháng 10 vừa qua đã cuốn trôi tất cả, chỉ để lại đống ngổn ngang, hoang tàn trước mắt ông.

Theo thống kê của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, trong đợt lũ vừa qua, ngành nông nghiệp tỉnh này thiệt hại rất nghiêm trọng. 360ha diện tích đất nông nghiệp bị vùi lấp, sạt lở, cuốn trôi kéo theo hàng trăm ha rừng, cây công nghiệp, nông nghiệp bị thiệt hại. Hàng chục ngàn tấn lương thực và hàng trăm ngàn vật nuôi bị nước lũ cuốn trôi. Gần 1.400ha nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng.

Chỉ riêng cơn bão số 13, dù chỉ gây ảnh hưởng nhẹ cũng khiến 58ha cao su của người dân hai huyện Gio Linh và Vĩnh Linh bị gãy đổ.

Những thiệt hại về cơ sở vật chất, cây, con giống… trong đợt bão, lũ này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến vụ sản xuất đông xuân 2020 - 2021 đang cận kề.

Trao đổi với phóng viên, ông Thân Trọng Dũng - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh cho biết, nước lũ về quá nhanh, hầu hết các ao nuôi tôm đều bị ngập nước từ 0,5 - 1m. "Lúc ấy người dân vớt tôm bán với mong muốn bòn mót được chút nào hay chút đó nhưng chẳng thấm vào đâu so với thiệt hại quá lớn, mỗi nhà mất trắng vài trăm triệu đồng, xót xa, cay đắng lắm" – ông Dũng tâm sự.

Ông Dũng cho biết, để hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất, ngay sau khi nước rút, cùng với việc thống kê thiệt hại, UBND xã đã huy động các tổ chức đoàn thể ra quân tổng vệ sinh môi trường; hướng dẫn người dân tổ chức thu gom tôm, cá còn sót lại; đồng thời tiến hành xử lý môi trường bằng vôi bột, hóa chất diệt khuẩn; cải tạo, tu sửa lại ao hồ kỹ càng trước khi thả nuôi lại.

Tuy nhiên, vì lũ ngập lâu ngày nên ao hồ bị hư hỏng, bồi lấp rất sâu khiến việc cải tạo, tái thiết sản xuất gặp khó khăn. Hơn nữa, nhân dân đã thiệt hại quá lớn, khó có nguồn vốn tái sản xuất. Do vậy, rất cần sự hỗ trợ của các cấp, các ngành trong việc sửa chữa lại ao hồ, con giống, các giải pháp khoanh nợ, giãn nợ để người dân có điều kiện tiếp tục sản xuất.

Ông Hà Sỹ Đồng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, tỉnh đã đề nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí khắc phục thiệt hại do bão lũ. Bên cạnh đó, Chính phủ, bộ, ngành liên quan cần có chính sách hỗ trợ khoanh, giãn nợ, giảm lãi suất cho những hộ dân bị thiệt hại nặng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem