Gia Tưởng
Thứ ba, ngày 03/01/2023 08:34 AM (GMT+7)
Ở Hà Nội đến gần 30 năm rồi, tôi cũng hay lê la khắp phố phường nhưng thời gian gần đây mới biết phố phường có một nghề rất tiện, đó là nghề sửa đồ gỗ rong. Hằng ngày, các bác thợ mộc ngồi chống cưa đợi khách rất trật tự và quy củ.
Hôm rồi, tôi có hẹn với anh bạn ở một quán cà phê trước của chợ Hàng Da, góc Đường Thành. Ngồi trong quán trông ra ngoài vỉa hè, thấy gần 10 bác trung niên, ngồi trên ghế gỗ xếp hàng ngay ngắn, tay mỗi bác cầm một chiếc cưa.
Tò mò hỏi thì mới biết, đó là mấy bác thợ gỗ chuyên sửa chữa, lắp đặt tất cả các công việc về đồ gỗ ở phố. Cứ tưởng cái thời nhà chung cư, gỗ công nghiệp lên ngôi, mấy bác thợ mộc dần dần sẽ hết nghiệp, thế mà cái nghề rất khó kiếm việc này vẫn có người theo đuổi. Đúng là ở phố, nghề gì cũng có và nghề gì cũng sống được.
Ông Bình, năm nay 58 tuổi kể: "Trước kia bố tôi làm nghề là chính, ông cụ là thợ mộc ở Nam Định, lên Hà Nội, không có điều kiện dựng một xưởng riêng nên đã làm nghề sửa chữa đồ gỗ vặt từ những năm 1970 rồi."
Ông cụ giờ ngót 80 tuổi, đã về quê Nam Định, truyền cho ông Bình bộ đục, tràng và cái cưa làm cần câu cơm. Ông Bình theo bố mình đi làm với nhau từ năm 1991 đến giờ, nên việc gì liên quan đến đồ gỗ, ông Bình cũng cân hết.
"Ở phố thì từ tháo lắp cánh cửa, đồ thờ, đến thay bản lề, dồn mộng... Nhất là đến Tết, bà con hàng phố thường đánh vecni đồ gỗ cho đẹp, chả bao giờ thợ mộc dạo đói việc được nếu chăm chỉ và có tay nghề khéo" - ông Bình kể.
Ông Bình kể: "Nghề làm thợ mộc dạo ở phố cũng thượng vàng hạ cám, có những người thì mặc cả từng xu, nhưng cũng có khi mình làm tốt thì được thưởng những món quà cũng ngỡ ngàng ngoài sức tưởng tượng."
Ông Bình nhớ lại, trong tệp khách hàng của ông có cụ Phát ở phố Phùng Hưng năm nay khoảng 90 tuổi. Năm nào độ đầu tháng Chạp, cụ Phát lại nhắn ông Bình đến vệ sinh bộ bàn ghế 9 món gỗ trắc có tuổi thọ đến hơn 200 năm. Bộ bàn ghế đó không hoành tráng, rất khiêm nhường nhưng đường nét thì vô cùng tinh xảo, hài hòa, dân chơi đồ gỗ gọi là bộ Đao. Ở thời điểm nào thì bộ đồ gỗ 9 món đó cũng có giá 15 cây vàng, không xuống hơn được.
Để vệ sinh bộ bàn ghế 9 món đó, phải dùng khăn mặt bông lau tỉ mỉ từng góc, từng khe nhỏ, cho đến khi thớ gỗ sáng bóng, nổi lên những lớp vân như mây thì mới thôi. Chỉ là lau dọn vệ sinh bộ bàn ghế thôi mà cũng mất cả ngày của ông Bình. Nhưng bao giờ cũng thế, cuối buổi, cụ già trả công những 3 triệu đồng cho một ngày tỉ mỉ lau chùi.
"Cả năm cũng chỉ có một lần như thế cũng thấy ấm bụng" - ông Bình nói.
Tâm sự về nghề sửa đồ gỗ rong này, ông Bình cho biết: "Nghề nào cũng cần cái duyên và cái tâm, nếu ở phố mà anh có tay nghề tốt, phục vụ chu đáo, lấy tiền công phải chăng, thì bà con hàng phố có việc hay mách nhau gọi mình lắm.
Vì ở phố người ta thường biết nhau hết, ở với nhau đời này qua đời khác cũng như là làng xóm ở quê rồi. Không như công dân ở những khu đô thị, nhà nào biết nhà đó, mình có làm tốt mà cũng ít khi được gọi lại bao giờ."
Nghề sửa đồ gỗ rong của ông Bình cũng hay đáo để, vì có những khi kiếm được tiền từ những thứ bỏ đi của nhà này, nhưng lại hữu ích với nhà khác.
Ông Bình bảo, có những nhà người ta đập đi xây mới, các loại cửa gỗ còn tốt nhưng không dùng tới, nhiều nhà hay bán với giá làm củi. Mình mua lại, rồi tìm mối bán cho những ông cai thầu xây dựng chuyên làm nhà để bán.
Khi đó họ yêu cầu mình sơn sửa, "mông má" lại rồi lắp vào những ngôi nhà mới xây. Nhiều khách không tinh cũng khó mà đoán được đây là đồ gỗ cũ. Cứ thấy nhà xây chắc, bắt mắt, cửa gỗ thịt bền đẹp là ưng cái bụng mua rồi.
Cuộc sống ở Hà Thành có những nghề tưởng như không bao giờ tồn tại như nghề sửa đồ gỗ rong, nhưng nhiều người vẫn dựa vào đó để kiếm sống một cách bình thường. Khi chúng ta có một vốn sống đủ dày ở Hà Nội, sẽ hiểu được nơi đây cái gì cũng có và nghề gì cũng có đất sống, miễn là chúng ta biết làm và người hàng phố vẫn có nhu cầu làm đẹp, làm gọn hơn mỗi ngày.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.