Nhà văn Vũ Tú Nam luôn nhân từ, sâu sắc cả trong tư duy và tình cảm

Hà Thúy Phương Thứ năm, ngày 10/09/2020 18:00 PM (GMT+7)
Trước sự ra đi của nhà văn Vũ Tú Nam ngày 9/9/2020, một trong số những học trò văn chương đã dành cho cố nhà văn những tình cảm rất chân thành và sâu sắc.
Bình luận 0
Nhà văn Vũ Tú Nam luôn toát lên sự nhân từ, sâu sắc cả trong tư duy và tình cảm - Ảnh 1.

Lần cuối cùng biên kịch Vũ Thu Phong gặp nhà văn Vũ Tú Nam tháng 5/2020.

Biên kịch Vũ Thu Phong công tác ở Tổng cục chính trị, là một học trò của nhà văn Vũ Tú Nam từ khi còn là một thiếu nhi. Thời gian trôi qua, chị được nhà văn Vũ Tú Nam coi như cháu, chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống và những câu chuyện trong nghề viết. Đối với chị và nhiều thế hệ đọc văn tiếp xúc với ông, với thơ văn, ông mãi là người ông, người thầy. Con người ông luôn toát lên sự nhân từ, sâu sắc cả trong tư duy và tình cảm.

Biên kịch Vũ Thu Phong chia sẻ: "Lần gặp đầu tiên mình chỉ là một cô bé học lớp 9 hồn nhiên vui sướng khi được gặp nhà văn - tác giả của những tác phẩm mà mình yêu thích từ ngày nhỏ, không nghĩ là có được mối quan hệ lâu dài với ông như vậy. Lần gặp trực tiếp cuối cùng là tháng 5/2020, mình đến thăm ông bà. Hôm đó với những câu chuyện đời thường, ông đã bắt đầu hay quên nên cứ hỏi đi hỏi lại mấy câu, nhưng phong cách hài hước dí dỏm của ông thì vẫn vậy. Niềm vui, sự phấn khích của ông khi nhìn thấy mình mặc quân phục, ông bắt tay mình mãi như bắt tay đồng đội nhỏ khiến mình rất vui và không nghĩ đó là lần cuối cùng được gặp ông. Ông rất quý mình nên mình đến ông rất vui. Mỗi năm mình đến với ông bà vài lần. Bây giờ có gia đình rồi bận hơn nên ít đến hơn. Nghĩ lại mình rất tiếc vì đã không tới thăm ông nhiều hơn".

Nhà văn Vũ Tú Nam luôn toát lên sự nhân từ, sâu sắc cả trong tư duy và tình cảm - Ảnh 2.

"Con người nhà văn Vũ Tú Nam luôn toát lên sự nhân từ, sâu sắc cả trong tư duy và tình cảm" - biên kịch Vũ Thu Phong.

Biên kịch Vũ Thu Phong gửi những lời tiễn biệt đến nhà văn Vũ Tú Nam:

"Sáng nay biết tin ông mất, cháu bần thần cả buổi. Thế là cháu không kịp đến thăm ông nữa rồi!

Mới ngày nào cháu đi học rồi đến thăm ông bà, ông trầm trồ phấn khởi khi thấy cháu mặc quân phục. Ông hỏi chuyện cháu, dù ông hỏi đi hỏi lại nhưng cháu thật vui vì được ông quan tâm. Mùa hè năm 1994, cháu còn là một cô bé học lớp 9 tham gia trại sáng tác văn học thiếu nhi. Cháu là trại viên nhỏ tuổi nhất, được phân công cho ông là nhà văn góp ý những sáng tác của cháu. Lúc đó ông là Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, dù bận rộn, nhưng ông lại là người về muộn nhất sau buổi làm việc với trại viên. 

Ngoài những góp ý về truyện ngắn của cháu, ông còn nói chuyện với cháu, cho cháu những lời khuyên về cuộc sống, về sáng tác... Sau đó, ông còn viết thư gửi về trường cháu. Có lẽ vì cháu vừa là đồng hương, vừa cùng họ Vũ với ông nên được đón nhận sự quan tâm đặc biệt của ông. 

Khi cháu học đại học, thi thoảng cháu đến thăm ông bà, cháu trở thành một đứa cháu của ông bà. Trong mắt của cháu, ông bà là những người tinh hoa của thế hệ trước, là những tấm gương mẫu mực về sự sống và viết, sự hiểu biết, về tầm nhìn, và đặc biệt, về tình yêu thương dành cho nhau, dành cho gia đình, cùng với cách mà ông bà yêu thương và giáo dục con cháu. 

Mỗi lần đến thăm ông bà, được trò chuyện với ông bà, cháu luôn cảm nhận được sự ấm áp, tình cảm và dường như không có khoảng cách thế hệ vì sự hiểu biết của ông bà, những lời khuyên của ông bà dành cho cháu luôn luôn đúng dù có lúc, có điều cháu không thực hiện được.

Nay ông đi rồi, mãi còn tình yêu ở lại nơi bà và các con cháu, cùng những tác phẩm còn mãi với thời gian... Cháu nhớ ông, cháu cầu nguyện linh hồn ông được thanh thản, siêu thoát cõi Tây phương cực lạc! Ông đã sống một cuộc đời thật trọn vẹn, ý nghĩa! Vĩnh biệt ông của cháu!".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem