Nhạc sĩ Nguyễn Cường: Tiếc vì nhạc sĩ Phó Đức Phương chưa làm được hết những ấp ủ, mong muốn

Huy Hoàng Thứ bảy, ngày 19/09/2020 18:00 PM (GMT+7)
Nhạc sĩ Nguyễn Cường, Cát Vận cùng nhiều bạn bè thân thiết, đồng nghiệp và khán giả bàng hoàng, chết lặng khi nghe tin nhạc sĩ Phó Đức Phương qua đời vào trưa nay 19/9 sau thời gian lâm bệnh nặng.
Bình luận 0
Nhạc sĩ Nguyễn Cường, ca sĩ Tùng Dương chết lặng khi hay tin nhạc sĩ Phó Đức Phương qua đời  - Ảnh 1.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương

Theo thông tin từ gia đình, nhạc sĩ Phó Đức Phương đã trút hơi thở cuối cùng vào trưa 19/9/2020, hưởng thọ 76 tuổi. Trước sự ra đi quá nhanh của nhạc sĩ "Trên đỉnh phù Vân", nhiều nhạc sĩ, ca sĩ, đồng nghiệp bàng hoàng.

Nhạc sĩ Nguyễn Cường chia sẻ với Dân Việt: "Tôi biết nhạc sĩ Phó Đức Phương bị bạo bệnh khi được mời tham dự làm người dẫn chuyện trong đêm nhạc của nhạc sĩ với tựa đề "Khúc hát phiêu ly". Lúc đó tôi cảm thấy chết lặng. Tôi cảm thấy rất tiếc bởi âm nhạc của Phó Đức Phương rất đồ sộ, rất cá tính. Trong đó các tác phẩm của Phó Đức Phương là những chất liệu dân gian vùng văn hoá Bắc Bộ được nhạc sĩ nâng tầm âm nhạc, tạo nên cái mới khi đưa đời sống đương đại, hiện tại vào trong những chất liệu âm nhạc đó.

Chính vì thế Phó Đức Phương đã trở thành hiện tượng trong âm nhạc. Tôi rất tiếc là nhạc sĩ Phó Đức Phương chưa đi hết, chưa làm được hết những ấp ủ, mong muốn của mình. Tôi vừa biết tin Phó Đức Phương đã trút hơi thở cuối cùng qua facebook của Tùng Dương và cảm thấy bàng hoàng". 

Nói đến đây nhạc sĩ Nguyễn Cường nghẹn ngào và từ chối trả lời thêm, mặc dù trước đó chưa lâu nhạc sĩ Nguyễn Cường đã có buổi trò chuyện với nhạc sĩ Phó Đức Phương khi vào viện thăm ông.

Nhạc sĩ Nguyễn Cường, ca sĩ Tùng Dương chết lặng khi hay tin nhạc sĩ Phó Đức Phương qua đời  - Ảnh 2.

Nhạc sĩ Nguyễn Cường và nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến đảm nhận vai trò dẫn chuyện trong đêm nhạc của nhạc sĩ Phó Đức Phương

Còn nhạc sĩ Cát Vận thì cho biết: "Tôi học cùng khoá với nhạc sĩ Phó Đức Phương. Phó Đức Phương là một nhạc sĩ sáng tác âm nhạc hướng tới dòng chảy dân gian, dân gian đương đại. Vì vậy Phó Đức Phương đã gặt hái được rất nhiều thành công. Khi ca khúc "Những cô gái quan họ" được ra đời thì ngay lập tức Phó Đức Phương đã trở nên nổi tiếng. Phó Đức Phương là 1 trong 4 nhạc sĩ được đồng nghiệp, khán giả đặt tên là Bộ tứ Sông Hồng, bao gồm: Phó Đức Phương, Trần Tiến, Dương Thụ, Nguyễn Cường.

Những ca khúc của Phó Đức Phương trong Bộ tứ Sông Hồng được đánh giá là những tác phẩm riêng biệt nhất. Thế nhưng đấy chưa phải là công việc duy nhất mà ông làm cho âm nhạc, mà sau đó, ông đã xả thân, dừng sáng tác nhạc để làm Giám đốc Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC). Thời kỳ ông làm giám đốc bản quyền âm nhạc đã rất thành công để các nhạc sĩ đã được hưởng tiền bản quyền ca khúc. Tôi rất xúc động và trân trọng những điều Phó Đức Phương đã hy sinh cho âm nhạc, đã làm được cho các nhạc sĩ. Biết tin Phó Đức Phương đã mất, tôi cảm thấy tiếc và rất buồn, nền âm nhạc Việt Nam lại mất đi một người nhạc sĩ tài hoa".

Nhạc sĩ Phó Đức Phương bị ung thư tuỵ ở giai đoạn cuối và được điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô từ tháng 5/2020. Sau thời gian chữa trị tại Bệnh viện Hữu nghị, ông đã được đưa về nhà điều trị thuốc. Nhưng gần đây, gia đình thấy sức khỏe của ông không ổn nên lại đưa vào Bệnh viện Vinmec và ông mất tại đây.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương sinh năm 1944. Năm 18 tuổi, ông thi đỗ vào khoa Toán ĐH Sư phạm. Tuy nhiên, năm 1965, giữa lúc gần tốt nghiệp ĐH Sư phạm, Phó Đức Phương xin thôi học với lý do hoàn cảnh gia đình khó khăn và trở thành nông trường viên thuộc nông trường Cửu Long (tỉnh Hòa Bình). Giữa năm 1966, ông trở về Hà Nội thi vào trường Âm nhạc Việt Nam. 

Các tác phẩm của ông được nhiều thế hệ, lứa tuổi yêu thích vì mang giai điệu đẹp, lời ca hay, ý nghĩa, gắn liền với thời cuộc của đất nước, của cuộc sống người dân Việt Nam, như: Những cô gái quan họ, Hồ trên núi, Không thể và có thể, Một thoáng Tây hồ, Huyền thoại hồ núi Cốc, Về quê, Vũ khúc con cò...

Nhạc sĩ Phó Đức Phương còn viết nhạc cho hàng chục bộ phim như: Những đứa con, Trăng rằm, Lưu lạc, Giông tố... và viết nhạc cho nhiều vở sân khấu như: Hồn Trương Ba da hàng thịt, Nguồn sáng trong đời, Tôi và chúng ta, Nghêu sò ốc hến, Thầy khoá làng tôi, Rừng trúc... 

Năm 2001, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật cho các tác phẩm: Những cô gái quan họ, Hồ trên núi, Một thoáng Tây Hồ, Nha Trang thu, Trên đỉnh Phù Vân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem