Hàng năm, tại Tây Nguyên các vụ vỡ nợ nông sản liên tục xảy ra. Hậu quả cuối cùng đều đổ lên đầu những nông dân. Dân biết nguy cơ nhưng không có đường tránh, chính quyền thấy rõ nhưng chưa có giải pháp nào hiệu quả để ngăn chặn.
Hàng mất, nợ mang
Ngày 14/1, nhiều người dân thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M'Gar (Đăk Lăk) cho biết, họ đang đứng trước nguy cơ trắng tay vì không thể lấy được tiền từ Công ty TNHH Nông sản Xuân Anh (Công ty Xuân Anh-thôn Tiến Phú, xã Quảng Tiến, huyện Cư M'Gar). Theo trình bày của những người dân này, nhiều năm qua, họ thu mua cà phê, tiêu trong nông dân rồi bán lại cho Công ty Xuân Anh. Việc mua bán luôn được suôn sẻ, Công ty Xuân Anh luôn trả nợ đúng hẹn.
Thế nhưng vừa qua, bà Nguyễn Thị Kim Anh - chủ doanh nghiệp này thất hứa, hẹn rất nhiều người để trả tiền vào ngày 30/12/2020 nhưng khi người dân đến lấy tiền thì không có. Từ đó đến nay, nhiều người đã liên tiếp yêu cầu bà Nguyễn Thị Kim Anh trả nợ nhưng không được.
Tại Đăk Nông trước đó cũng xảy ra hàng loạt vụ vỡ nợ tại xã Thuận An (huyện Đăk Mil), các đại lý như Thu Điền, Lan Diệu…(huyện Đăk Mil) đồng loạt tuyên bố vỡ nợ. Những năm sau đó, những vụ vỡ nợ tương tự lại tiếp tục xảy ra tại các tỉnh Tây Nguyên.
Đứng trước nguy cơ trắng tay, hàng chục người dân đã đồng loạt làm đơn gửi đến cơ quan chức năng. Một trong số những người dân này cho chúng tôi biết, gia đình bà đã bỏ ra gần 5 tỷ đồng để mua tiêu của Công ty Xuân Anh sau đó ký gửi lại cho công ty này chờ giá bán lại. Thế nhưng vừa qua, bà Kim Anh cho biết không có tiền để trả. Trước tình cảnh này, gia đình bà hết sức lo lắng vì các khoản nợ đã đến thời hạn phải thanh toán mà không biết phải lấy tiền từ đâu. Những người dân thu mua nông sản của người dân cũng vô cùng hoang mang khi bị Công ty Xuân Anh nợ hàng tỷ đồng. "Nếu không lấy được tiền, chúng tôi không thể có tiền để trả nợ cho người dân. Đại lý chúng tôi chủ yếu nhận ký gửi cà phê cho người dân. Thường vào dịp tết, người dân sẽ đến chốt giá lấy tiền về vừa để sắm tết vừa để mua phân bón, vật tư đầu tư cho vụ cà phê mới. Nếu không lấy được tiền từ Công ty Xuân Anh, chúng tôi không biết phải xoay sở thế nào khi người dân ồ ạt kéo đến lấy tiền". Cũng theo người dân, hiện số tiền mà Công ty Xuân Anh nợ các chủ đại lý thu mua nông sản và người dân ước khoảng hàng chục tỷ đồng.
Trả lời phóng viên Báo NTNN/Dân Việt, thượng tá Trần Bình Hưng - Trưởng Công an huyện Cư M'Gar xác nhận đã nhận được hàng chục đơn người dân tố cáo Công ty Xuân Anh lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đề nghị công an vào cuộc ngăn chặn việc tẩu tán tài sản của công ty này. Hiện đơn vị đang vào cuộc xác minh vụ việc.
Tháng 3/2020, tại xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) cũng xảy ra vụ vỡ nợ cà phê với số tiền ước tính hơn 85 tỷ đồng. Hàng chục hộ dân tại xã này sau khi gửi hơn 2.500 tấn cà phê vào một đại lý thu mua nông sản thì bất ngờ đại lý này tuyên bố phá sản. Khi nông dân đến đòi nợ thì kho hàng của đại lý này đã trống rỗng.
Ở Tây Nguyên, các vụ vỡ nợ nông sản (chủ yếu là cà phê) dường như đã trở thành "cơm bữa". Đỉnh điểm vào năm 2010, chỉ riêng ở Đăk Lăk trong vòng chỉ hơn 1 tháng đã có đến hơn 40 vụ vỡ nợ. Hàng loạt doanh nghiệp, đại lý thu mua nông sản bất ngờ tuyên bố phá sản khiến hàng ngàn nông dân lâm vào cảnh điêu đứng. Thống kê của cơ quan chức năng, trong năm 2010, Đăk Lăk có 43 doanh nghiệp, đại lý thu mua nông sản vỡ nợ với tổng số tiền khoảng 300 tỷ đồng và 3.000 tấn cà phê nhân. Thời điểm này, chỉ riêng tại Cư M'Gar, "cơn bão" vỡ nợ tại các đại lý ký gửi nông sản đã làm hơn 300 hộ dân lâm vào cảnh trắng tay.
Sau đó, tại Đăk Nông, hàng loạt vụ vỡ nợ cũng liên tiếp xảy ra ở xã Thuận An (huyện Đăk Mil), các đại lý như Thu Điền, Lan Diệu… (huyện Đăk Mil) đồng loạt tuyên bố vỡ nợ.
Bài toán khó giải…
Ký gửi nông sản thực chất là việc mua bán giữa nông dân với các đại lý (cùng thoả thuận theo hình thức chốt giá, trả tiền ngay hoặc trả chậm). Hình thức mua bán này đã xuất hiện hàng chục năm nay và được xem là tiến bộ hơn hẳn so với phương thức mua bán cũ "tiền trao, cháo múc", được nhiều nông dân trồng cà phê lựa chọn.
Các đại lý kinh doanh cà phê có vốn lớn, đầu tư kho bãi, uy tín đã trở thành "điểm tựa" cho hàng trăm hộ dân. Còn nông dân, thay vì thu hoạch xong bán ngay cho đại lý như trước đây, thì họ đưa nông sản tới kho của đại lý để ký gửi. Như thế vừa được mượn kho để tạm trữ, đồng thời được tạm ứng một khoản tiền để người nông dân trang trải nợ nần. Nông dân theo dõi diễn biến giá cả trên thị trường, bất kể lúc nào thấy giá bán có lợi, thì họ sẽ đến gặp thương lái chốt giá bán và lấy tiền.
Ông Trần Văn Bính (xã Ea Tân, huyện Krông Năng, Đăk Lăk) cho biết, nông dân hầu hết đều không có đủ kho bãi để bảo quản nông sản sau khi thu hoạch. Trong khi đó, theo quy luật, trước vụ, giá cà phê, tiêu tăng; vào vụ giá các nông sản này hạ xuống sau đó tăng dần trở lại. Nếu nông dân muốn bán được giá tốt thì nông dân phải ký gửi cho các đại lý để chờ giá. Ngoài việc có thể bán được giá cao, thì việc ký gửi tránh được các rủi ro như mất cắp, hao hụt… Ngoài ra, khi hết tiền, người dân có thể đến đại lý tạm ứng và trả bằng nông sản sau khi thu hoạch.
Do đó, gần như toàn bộ nông dân xem việc ký gửi nông sản là giải pháp tối ưu nhất. Hơn nữa, tâm lý người dân không ai muốn bán cùng lúc hàng tấn cà phê rồi giữ tiền trong nhà mà chỉ bán từng ít để trang trải. Không chỉ ông Bính, mà hàng ngàn nông dân Tây Nguyên, hàng chục năm qua vẫn chọn việc ký gửi nông sản sau khi thu hoạch cho các đại lý mặc dù tình trạng vỡ nợ họ không phải không biết.
Vợ nỡ hay chiêu trò?
Những năm qua, hầu hết các đại lý, doanh nghiệp tuyên bố vỡ nợ đều có cái mác rất giàu có, uy tín với nhà đẹp, xe sang. Thế nhưng sau khi tuyên bố vỡ nợ, người dân mới tá hỏa phát hiện toàn bộ tài sản đó là "ảo" hoặc đã chuyển giao cho người khác từ trước. Nhiều doanh nghiệp, đại lý thậm chí mất rất nhiều năm để tạo dựng uy tín.
Vụ việc vừa xảy ra tại Công ty Xuân Anh, chủ doanh nghiệp này trước đó, theo người dân đánh giá là làm ăn rất uy tín. Cuối năm 2020, chủ doanh nghiệp này đồng loạt viết giấy hẹn hàng chục người đến để trả nợ vào cùng ngày 30/12/2020. Khi người dân đến lấy tiền thì người này thông báo không có tiền trả.
Làm việc với chúng tôi, bà Kim Anh cho biết, do "đùng một cái" xuất hiện tin xấu là bà vỡ nợ nên nhiều người dồn dập đến đòi tiền khiến bà trở tay không kịp. Còn thực tế bà không có ý định lừa đảo. Lý giải việc đồng loạt hẹn người dân để trả nợ vào ngày 30/12/2020, bà Kim Anh cho biết: "Nếu chuyện không đổ bể, ồn ào thì người dân tháng nào cũng lấy lãi hết, để cái giấy nợ lại và in tiếp giấy khác. Chứ nửa chừng, đùng một cái đồn người khác (bà Kim Anh- PV) bị bể nợ thì những giấy 30/12 làm sao tôi trở tay kịp". Tuy nhiên, theo nhiều người dân, việc cố tình hẹn trả nợ đồng loạt của bà Kim Anh chính là có vấn đề. Bởi khi họ đến đòi nợ, toàn bộ kho nông sản của công ty này đã trống rỗng.
Tháng 6/2020, một chủ đại lý thu mua nông sản tại huyện Đăk Song (Đăk Nông) bất ngờ được phát hiện chết trong tư thế treo cổ. Thời điểm người này chết, số nông sản người dân ký gửi tại đại lý của bà ước tính có trị giá khoảng 100 tỷ đồng. Đứng trước nguy cơ mất tài sản, hàng chục người dân đã tụ tập đến yêu cầu người nhà phải trả tiền nếu muốn đưa thi thể người thân về an táng. Một luật sư tại Đăk Lăk cho biết, thân chủ của ông bị chủ đại lý này nợ khoảng 9 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền này rất khó để lấy lại do không đủ chứng cứ pháp lý để khởi kiện…???
Vui lòng nhập nội dung bình luận.