“Cơn lốc” ly hương ở Miền Tây (Bài cuối): Nỗi lòng người đi

Bùi Phụ Thứ sáu, ngày 15/01/2021 06:10 AM (GMT+7)
Khoảng 10 năm trở lại đây, các quận 2, 9 và Thủ Đức (nay là TP.Thủ Đức) của TP.HCM có nhiều công trình, cao ốc đang được xây dựng xung quanh khu công nghệ cao, đã thu hút hàng trăm nghìn lao động phổ thông. Nhu cầu này khiến TP.Thủ Đức thành "vùng đất hứa" của người miền Tây lên mưu sinh.
Bình luận 0

Tương lai buồn cho những đứa trẻ

Một buổi sáng cuối tuần đầu năm 2021, chúng tôi đến thăm người quen trong một khu trọ ở phường Trường Thạnh, TP.Thủ Đức (TP.HCM). Phòng trọ khoảng 20m2 là nơi trú ngụ của 8 người, gồm 3 thế hệ con cháu của bà Phạm Thị B. Nhìn 5 đứa cháu bà B ôm nhau ngủ dưới nền nhà trong tiết trời se lạnh sáng mùa đông, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Càng xót xa hơn khi chúng tôi nhìn thấy bàn thờ, di ảnh cụ ông được kê trong một góc nhỏ của căn phòng trọ.

“Cơn lốc” ly hương ở Miền Tây (bài 4): Nỗi lòng người đi - Ảnh 1.

Đa số người miền Tây lên làm nghề phụ hồ cho các công trình xây dựng. Ảnh: B.P

Thế là cả 3 thế hệ cùng nhau kiếp sống trọ ở "xứ lạ quê người". Mẹ vợ anh có nhiệm vụ đưa đón 2 con đi học, cơm nước. Còn cha vợ cùng đi làm phụ hồ với anh để kiếm thêm tiền…

Bà B cho biết căn phòng này có giá thuê hiện tại là 1,8 triệu đồng/tháng. Gia đình bà sống ở đây đã hơn 5 năm. Chồng bà mất gần 1 năm qua tại căn phòng trọ này vì căn bệnh tim. Sau đó, linh cữu ông được hỏa táng, tro cốt đem về đây thờ cho đến nay. "Trước lúc qua đời, ông mong muốn về an nghỉ ở quê nhà, nhưng gia đình tôi nghèo, không thực hiện được theo ý nguyện của ông…", bà B chia sẻ với giọng buồn bã.

Bà B tâm sự năm nay, bà đã hơn 70 tuổi, giấy Chứng minh nhân dân (CMND) hết hạn nhiều năm qua vẫn chưa đổi được, vì không có nơi ở ổn định, muốn đổi phải về quê. Tương tự, vợ chồng con trai bà cũng không có giấy tờ tùy thân do bị thất lạc, chưa làm lại được. Cái khó nối tiếp cái khó, từ khi 5 đứa cháu nội ra đời đến nay, vẫn chưa có đứa nào làm được giấy khai sinh, hộ khẩu.

Theo ghi nhận của chúng tôi, phòng trọ của bà B không có vật dụng gì quý ngoài chiếc xe gắn máy, máy giặt và tivi cũ. Gia đình bà B có nguồn gốc từ một tỉnh miền Tây (bà B đề nghị không nêu). Cũng vì làm nông nghiệp khó khăn và thương vợ chồng người con trai, ông bà bán đất đai, nhà cửa từ hàng chục năm trước để lên TP.HCM ở trọ, trông cháu nội.

"Không có giấy tờ, nên từ thằng cháu lớn gần 14 tuổi đến đứa nhỏ nhất hơn 7 tuổi, chưa một lần được cặp sách đến trường", bà B ngậm ngùi.

Cũng theo bà B, tổng thu nhập của vợ chồng con trai bà khoảng 12 triệu đồng/tháng, nhưng phải đi làm từ sáng sớm đến tối mới về. Nhưng tối, cả hai còn phải làm thêm nhiều việc khác mới đủ tiền trang trải cho 8 miệng ăn, trả tiền phòng trọ. Riêng cậu cháu trai 14 tuổi mấy năm nay cũng đã tập tành theo cha đi làm những việc nhẹ, kiếm thêm thu nhập.

Sống vật vã trong những khu nhà trọ

Phòng trọ của vợ chồng anh Nguyễn Văn Ch nằm sâu ở một con hẻm nhỏ của phường Long Trường, TP.Thủ Đức. Đây là căn nhà xưởng, cũ kỹ, được chủ sửa lại, ngăn thành khoảng 20 phòng trọ. Giá thuê mỗi phòng khoảng 1,6 triệu đồng/tháng (chưa tính tiền điện, nước).

Mỗi phòng khoảng 16m2 nhưng nhà vệ sinh, bếp đã chiếm gần phân nửa căn phòng. Chỗ ngủ cho 2 vợ chồng và 2 đứa con của anh Ch là gác lửng phía trên khoảng 8m2. Tuy nhiên, gác lửng này chỉ ngồi, đứng là đầu đụng mái tôn. Gia đình anh Ch ở trong phòng trọ này đã hơn 5 năm qua.

Anh Ch tâm sự cách đây khoảng chục năm, do ở quê đất bị nhiễm mặn, trồng mía giá thấp, trồng những cây khác liên tục lỗ vốn, vợ chồng anh gửi 2 đứa con cho bên ngoại rồi lên TP.HCM làm phụ hồ. Để tiết kiệm tiền gửi về quê, vợ chồng anh xin chủ thầu cho che tấm bạt nhỏ, mượn giàn giáo làm giường sống tạm tại những công trình xây dựng, nay chỗ này, mai chỗ nọ… Nhưng quá vất vả, gian nan, vợ chồng anh tìm thuê nhà trọ rẻ tiền để đón 2 đứa con lên ở cùng. Vì thương cháu còn nhỏ, bà ngoại phải đi theo giữ cháu để vợ chồng anh yên tâm đi làm. Vài tháng sau, cha vợ anh không yên tâm ở quê một mình nên cũng "khăn gói" theo. Thế là cả 3 thế hệ cùng nhau kiếp sống, ở trọ nơi "xứ lạ quê người".

Thời điểm vài ba năm trước, công phụ hồ của 2 vợ chồng anh Ch trung bình mỗi tuần được 4 triệu đồng. Nếu có làm thêm giờ, có tháng lên đến 18 triệu. Số tiền này hấp dẫn những cặp vợ chồng nông dân khác ở quê, khi mà việc làm nông thất bát. Nhiều anh em, họ hàng anh Ch vì thế cũng theo bước anh lên TP.HCM mưu sinh, ở trọ.

Nhưng mức thu nhập trên là của những năm trước, khi việc làm ổn định. Năm 2020 vừa qua, tình hình Covid-19 đã khiến nhiều anh em của anh Ch thất nghiệp. "Cả khu trọ này, ai cũng hy vọng 2 tháng cuối năm có việc làm ổn định để kiếm tiền về quê ăn tết…", chị A vợ anh Ch nói.

Nghe chúng tôi hỏi: "Anh chị đi xa có nhớ nơi "chôn nhau cắt rốn" không?", anh Ch buồn giọng: "Nhớ lắm chứ! Nhất là những lúc trời mưa buồn, nhớ quê nhà lắm. Nhưng đành dằn xuống bởi mình chưa kiếm được đủ tiền xây căn nhà tường cho cha mẹ ruột ở quê. Ngày ra đi, anh em tôi hứa xây nhà, nhưng chưa có, giờ "mắc cỡ" chưa dám về…".

Tôi hỏi thêm: "Anh chị định cứ sống mãi trong khu trọ nhỏ bé này?". Im lặng hồi lâu, cả mấy anh em anh Ch buột miệng: "Khi nào có tiền, anh em chúng tôi sẽ rủ nhau về, chuộc lại đất đã cầm, cùng hùn vốn làm nông nghiệp chất lượng cao…".

Trong dòng người từ miền Tây lên TP.HCM "tha phương cầu thực", có người thất bại, cũng có người vi phạm hình sự, thời gian qua, báo chí thông tin nhiều. Tuy nhiên, cũng có những người thành công, đưa cả anh em ruột thịt mình từ vùng quê lên làm giàu ngay trên đất Sài Gòn.

Cách đây hơn 15 năm, anh Nguyễn Hồng (ở xã Thuận An, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) ở quê chỉ biết đi chăn vịt thuê. Chị đầu của anh Hồng có chồng ở TP.HCM đã tìm cách đưa em lên TP.HCM và xin vào làm thuê cho một doanh nghiệp chế biến thực phẩm ở Thủ Đức với nhiệm vụ giữ xe cho anh chị em công nhân. Trong số này có một chị kế toán phải lòng anh Hồng nên tìm hiểu. Biết anh Hồng mới học xong lớp 8, chị này "buộc" anh phải đi học thêm bổ túc, phải học thêm lái xe mới được cưới nhau. 5 năm sau, anh Hồng đã hoàn thành nhiệm vụ và đám cưới diễn ra.

Hàng ngày, tan ca, cả hai chở nhau từ Thủ Đức lên quận Tân Bình mua quần áo may sẵn về bán cho công nhân. "Đồng vợ, đồng chồng, tát biển Đông cũng cạn", cách đây 5 năm, vợ chồng anh Hồng đã mua được căn nhà hơn 100m2 ở phường Hiệp Phú. Có nhà riêng, anh Hồng trở về quê đón mẹ già lên ở cùng với mình. Nhìn gia đình anh Hồng sống hạnh phúc gồm 5 thành viên mẹ già, con gái lớn học lớp 8, con trai học lớp 2, mà nhiều người ngưỡng mộ, mơ ước.

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem