Giải mã vỡ nợ nông sản ở Tây Nguyên: Vì sao cứ phải ký gửi cà phê?

Đặng Trung Kiên Thứ năm, ngày 15/03/2018 11:28 AM (GMT+7)
Thời gian qua, vỡ nợ nông sản xảy ra dồn dập khắp Tây Nguyên, đẩy biết bao gia đình vào cảnh trắng tay, không thiếu những bài học nhãn tiền, nhưng vì sao nông dân vẫn ký gửi hết nông sản (chủ yếu là cà phê) cho đại lý, DN sau mỗi vụ thu hoạch? Trên thực tế, phương thức giao dịch này tiềm ẩn rủi ro, song cũng có không ít hứa hẹn hấp dẫn.
Bình luận 0

Theo phương thức này, sau khi thu hoạch cà phê, nông dân sẽ chở hết vào kho của đại lý hoặc DN rồi lấy… phiếu cân về. Nếu không có điều kiện phơi sấy, chỉ cần đưa quả tươi đến, đại lý sẽ lo các phần việc còn lại. Rồi khi cần tiền, nông dân sẽ đến ứng một khoản nhất định.

Giao dịch ký gửi chỉ kết thúc khi nông dân thông báo chốt giá bán và hai bên cùng nhau tất toán công nợ. Như vậy, cái được của nông dân là sản phẩm vẫn còn mà không lo cất trữ, bảo quản, không cần đi vay mượn nơi khác mà nếu cần vẫn có tiền.

Đặc biệt là nông dân được chọn thời điểm chốt bán, khi nào họ thấy giá cà phê có lợi cho mình nhất. Sự phức tạp còn ở chỗ, nếu không ứng tiền mặt, nông dân có thể lấy trước phân bón, vật tư sản xuất... Thậm chí nhiều người không phải nông dân cũng có thể ký gửi cà phê, thông qua hình thức cho vay tiền rồi quy đổi thành cà phê.

img

Trong tay người dân ký gửi thường chỉ có hóa đơn nhập kho.  Ảnh: Lê Kiến

Với đại lý hoặc DN, số lượng cà phê họ nhận vào có giá trị lớn gấp hàng trăm lần số tiền bỏ ra ứng trước, chưa kể nhiều nông dân không cần ứng trước. Với kinh nghiệm thương trường, DN sẽ bán hết cà phê của nông dân nếu nhận thấy giá đã chạm đỉnh, không thể lên cao hơn nữa. Sau đó (nếu giá hạ xuống như dự đoán) thì cuối vụ nông dân buộc phải chốt bán, DN lãi to. Nhưng cà phê của nông dân không đơn thuần là hàng hóa, mà còn là nguồn thanh khoản lớn và ngay lập tức cho DN. Các DN, đại lý cũng có thể bán cà phê ký gửi để lấy tiền trả nợ đối tác, đáo hạn các khoản vay, đầu tư việc khác. Lúc này, ký gửi cà phê đã biến tướng thành hình thức huy động vốn của DN.

Song như đã nói, ký gửi cà phê là hoạt động tiềm ẩn rủi ro. Thứ nhất là DN nhận ký gửi cà phê để bán, chứ không phải để cất cho nông dân. Nếu họ bán giá thấp (do nhận định thị trường sai, do cần tiền trả nợ…), đến khi giá lên nông dân ồ ạt chốt bán, họ không còn khả năng thanh toán (một phần do lỗ nặng, phần khác đã dùng tiền bán cà phê cho việc khác) thì dẫn đến vỡ nợ.

Thứ hai là không ít DN, đại lý làm ăn thua lỗ, đã vỡ nợ từ trước nhưng giấu giếm thông tin. Họ che đậy bằng nhà lớn, xe sang, bằng những bao vỏ trấu (giả cà phê) chất đầy trong kho nên không ai biết… Nông dân gửi cà phê đến đâu, họ bán hết đến đó rồi tuyên bố… vỡ nợ. Trong trường hợp này, thực chất là DN lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, nhưng chứng minh được là chuyện rất khó.

Chính sự hấp dẫn, tiện và lợi, cùng với bề ngoài “làm ăn lớn” của các DN, đại lý nông sản mà không ít nông dân vẫn "giao trứng cho ác".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem