Những tay thợ “vàng” ở làng nghề đóng tàu

Phan Phương Thứ tư, ngày 23/07/2014 06:48 AM (GMT+7)
Xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch không chỉ nổi tiếng là địa phương có đội tàu đánh bắt xa bờ hùng hậu nhất tỉnh Quảng Bình mà còn bởi có làng nghề đóng tàu biển đã tồn tại hàng trăm năm nay.
Bình luận 0

Ở xã Đức Trạch, ông Phạm Minh Hồng (54 tuổi) được ngư dân miền Trung xem như “vua” của nghề đóng tàu biển bởi tay nghề lão luyện cũng như niềm đam mê của ông đối với nghề.

Ông Hồng là thế hệ thứ tư cha truyền con nối theo nghề đóng tàu biển mà đều đóng vai trò thợ cả. Ông Hồng kể, khoảng những năm cuối thế kỷ XIX, ông cố và ông nội của ông đã chuyên đóng các loại ghe bầu chở hàng có tải trọng từ 40 - 50 tấn.

Đến năm 1950, HTX đóng tàu thuyền Đức Thuận (Đức Trạch) được thành lập thì ông Hồng đã đóng vai trò thợ cả. HTX đã có những năm tháng huy hoàng với nghề đóng tàu. Trong hơn 30 năm tồn tại với con số xã viên ổn định khoảng 50 người, HTX đã đóng hàng ngàn chiếc tàu lớn nhỏ cho ngư dân bám biển.

Và cũng từ chiếc nôi này đã cho ra đời những người thợ với đôi bàn tay "vàng" mà dù thời gian đã trôi qua rất lâu, ngư dân Đức Trạch vẫn luôn nhớ đến họ. Đó là những tay thợ cả nổi tiếng như Phạm Văn Hoàng, Phạm Văn Tụi, Phạm Văn Chiến... Bây giờ, họ đã bước qua tuổi "xưa nay hiếm" và từ giã nghề đã lâu.

"Họ là những kho kinh nghiệm mà những người như tôi và thế hệ đi sau vẫn tham khảo ý kiến để những con tàu của mình đóng ngày một hoàn thiện hơn!"- ông Hồng chia sẻ.

Đến năm 1988, HTX đóng tàu thuyền Đức Thuận giải thể. Ông Hồng đứng ra thành lập một nhóm thợ đóng tàu riêng. Trong hơn 2 thập kỷ qua, có những năm tổ hợp của ông Hồng làm ăn rất phát triển nhưng cũng có những năm ngư dân liên tiếp mất mùa đã đẩy tổ hợp của ông rơi vào khó khăn khi không thu được nợ…

Thế nhưng khó khăn đã không làm ông Hồng và những người thợ của ông chùn bước. Tính đến nay, ông Hồng và tổ hợp của ông đã đóng hàng trăm con tàu có công suất từ 45CV lên đến 800CV. Ông Hồng cho biết, mỗi con tàu có 3 công đoạn.

Công đoạn khó nhất chính là đóng thân và vỏ tàu, thường do thợ cả đảm nhận. Chỉ vận dụng những kinh nghiệm dân gian mà mình học được, họ tự thiết kế thân, vỏ tàu và điều chỉnh phù hợp theo yêu cầu của chủ tàu. Trên thực tế, trong số hàng trăm con tàu ông Hồng tham gia đóng, hầu hết đều hoạt động ổn định và phù hợp với các ngư trường truyền thống của ngư dân như Trường Sa, Hoàng Sa…

Nghề đóng tàu cá tồn tại đã hàng trăm năm nay ở Đức Trạch nhưng hiện tại nó vẫn hoạt động một cách “tự phát” mà chưa có một “quy chuẩn” phù hợp. Các tổ hợp đóng tàu ở đây thấy chỗ nào phù hợp cho quá trình đóng và hạ thủy tàu thì chọn chỗ đấy chứ chưa có một khu vực riêng được quy hoạch cho nghề đóng tàu.

Những người thợ ở đây cũng hiểu rằng, việc đóng tàu theo kinh nghiệm dân gian mà không có các bản vẽ kỹ thuật, thợ kỹ thuật là vi phạm các quy định của cơ quan chức năng.

"Nếu Nhà nước quan tâm hỗ trợ để xã tôi có một địa điểm vừa đóng và sửa chữa tàu thuyền, đồng thời tạo điều kiện cho con em thiếu việc làm học nghề, làm nghề thì tôi tin nghề này sẽ tiếp tục phát triển và đáp ứng nhu cầu của ngư dân địa phương và cả các vùng lân cận!" - ông Hồng trăn trở.

Ông Hồ Đăng Chiến - Chủ tịch UBND xã Đức Trạch cũng cho rằng, địa phương sẽ phát triển bền vững hơn khi vừa tham gia đánh bắt hải sản, vừa có thể cung ứng các dịch vụ hậu cần, sửa chữa và đóng mới tàu thuyền. Tuy nhiên đây là một vấn đề lớn, đòi hỏi phải có sự đầu tư, trợ giúp từ cấp trên chứ một mình Đức Trạch thì không kham nổi.

   Từ đầu năm đến nay, ngư dân Đức Trạch đã đóng mới 17 tàu công suất từ 400CV trở lên, bổ sung vào lực lượng tàu đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem