Nỗi niềm giáo viên ngày 20/11: Tưởng trầm cảm khi dạy online, vợ chồng căng thẳng

Tào Nga Thứ sáu, ngày 19/11/2021 13:25 PM (GMT+7)
Cả ngày "ôm" điện thoại, máy tính, gặp phải phụ huynh phàn nàn là buồn chỉ muốn nhịn cơm, thậm chí, vợ chồng cãi nhau, sinh hoạt đảo lộn.. vì dạy học online, đó là câu chuyện của cô giáo chia sẻ với Dân Việt nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Bình luận 0

"Gia đình nghĩ mình bị trầm cảm"

Tính đến thời điểm hiện tại, năm học 2021-2022 đã trôi qua được 2,5 tháng và đây là thời gian giáo viên, học sinh ở một số nơi phải gặp nhau qua... điện thoại, máy tính. Người thầy, người cô bao năm gắn liền với bảng lớp, bụi phấn, tiếng trống trường thì bây giờ, trong tình hình dịch bệnh Covid-19 chỉ ngồi  giảng bài trước máy tính. 

Nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, chia sẻ với PV báo Dân Việt về những vất vả khi dạy học online, cô Trần Thị Thiên Lý, giáo viên lớp 1 Trường Tiểu học Hành Đức, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi kể: "Những ngày đầu năm học, nhiều lúc mình áp lực quá, gia đình nghĩ mình bị trầm cảm. Cả ngày ôm điện thoại, máy tính, tối thì dạy online. Cứ gần tới giờ dạy là mình bắt đầu run và khó thở. Trong lúc dạy, đầu óc mình luôn căng thẳng hết mức có thể vì sợ lỡ lời, vì sợ mạng yếu... 

Từ ngày dạy trực tuyến đến giờ lúc nào mình cũng đợi dạy xong, êm xuôi hết rồi mới dám ăn cơm. Có hôm phụ huynh phàn nàn là hôm đó mình nhịn luôn. Mình sút 3kg từ ngày đi dạy. Ai hỏi thì mình đều bảo đang giảm cân nhưng thực sự là không có thời gian để ăn một bữa cho ngon lành. Rồi tới lúc dạy là phải gửi con lên ngoại, vợ chồng cãi nhau mỗi ngày".

Giáo viên vất vả dạy online mùa dịch: Đầu óc căng thẳng, vợ chồng cãi nhau, sút 3kg từ đầu năm học - Ảnh 1.

Cô Trần Thị Thiên Lý, giáo viên lớp 1 ở Quảng Ngãi. Ảnh: NVCC

Theo cô Lý, do dịch Covid-19 ở địa phương bùng phát từ trước khai giảng nên bây giờ dù học xong nửa học kỳ nhưng thầy cô chỉ nhìn học sinh qua điện thoại, máy tính. Trường cô Lý thuộc vùng nông thôn, đa phần hoàn cảnh gia đình học sinh đều khó khăn. Bố mẹ các em làm nông hoặc đi làm ăn xa và các em ở với ông bà.

Lớp cô Lý có 31 học sinh nhưng chỉ có 2 em có máy tính, còn lại học qua điện thoại. Học sinh trước khi vào lớp 1 đa phần đều không học chữ trước, khi vào học online khá vất vả. Ông bà không rành công nghệ nên giai đoạn đầu cô và trò rất chông gai. Đặc biệt vào mùa mưa, nhà nhiều em thấp và lợp mái tôn nên hôm nào mưa gió là không học được vì tiếng quá ồn và mạng yếu.

Việc dạy học cũng phải lưu ý làm sao trong một buổi phải gọi tất cả các em trả lời, sót em nào là các em sẽ tủi thân và phụ huynh phản ánh ngay. 

Cô Lý thú thật, giáo viên còn gặp khó khăn khi học sinh không thể sử dụng được nhiều phần mềm hỗ trợ học và chấm bài online, nhất là lớp 1 phải xem kỹ từng nét từng chữ cho các em, rồi việc soạn giáo án điện tử làm sao để các em dễ hiểu hơn đã chiếm hết thời gian trong ngày của các cô.


Giáo viên vất vả dạy online mùa dịch: Đầu óc căng thẳng, vợ chồng cãi nhau, sút 3kg từ đầu năm học - Ảnh 2.

Học sinh lớp học online của cô Lý. Ảnh: NVCC

"Mình cố gắng sắm sửa những thiết bị hỗ trợ như webcam tốt, tai nghe để có thể chỉ cho các em chi tiết từng chữ. Thế nhưng lúc vào học, các em không trả lời được là phụ huynh ngồi gần nói những câu rất khó nghe. Giáo viên phải đi đến tận nhà vận động phụ huynh tạo điều kiện cho con học. Bây giờ việc học đã quen, phụ huynh đã lo lắng cho con và chịu phối hợp với cô nên tình trạng này đã cải thiện nhiều", cô Lý cho hay.

Hiện tại 98% học sinh lớp cô Lý viết chữ khá tốt. Phụ huynh đã yên tâm, cảm ơn và đây như là động lực của cô Lý tiếp tục nhiệt huyết với nghề. 

Giờ giấc sinh hoạt đảo lộn, nửa đêm "tự kỷ" trên sân thượng

Cô Nguyễn Ngọc Thúy, giáo viên lớp 2, Trường Tiểu học Thủ Lệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội bày tỏ, từ ngày dạy học online, giờ giấc sinh hoạt của cô bị đảo lộn cả.

Cô Thúy tâm sự: "Mình là người hơi cầu toàn nên mỗi ngày đều làm 2-3 clip nội dung bài học để phát trong buổi dạy, rồi gửi cho học sinh sau buổi học vì có bạn chưa hiểu bài, mạng internet trục trặc vào chậm hoặc nghỉ học. Nếu ghi lại tiết học đó sẽ hơi lan man, làm slide trình chiếu thì đơn điệu, học sinh dễ nhàm chán".

Do ghi âm cần không gian yên tĩnh nên đêm nào cũng 11-12h, thậm chí 1h sáng, cô Thúy cũng viết lời rồi lên trên sân thượng đọc ghi âm bài giảng. 

Giáo viên vất vả dạy online mùa dịch: Đầu óc căng thẳng, vợ chồng cãi nhau, sút 3kg từ đầu năm học - Ảnh 3.

Cô Nguyễn Ngọc Thúy trong buổi dạy online. Ảnh: NVCC

Từ ngày dạy online, giờ giấc sinh hoạt của cô Thúy bị đảo lộn. "Do lịch học trùng với giờ cơm nên các ngày trong tuần không tối nào mình ăn cơm cùng gia đình, chỉ ăn một chút lót dạ trước lúc dạy. Mẹ ở nhà nhưng con chỉ gặp mẹ được ít buổi sáng, còn lại cả ngày mẹ biệt tăm vì phải chuẩn bị nhiều thứ cho buổi dạy", cô Thúy nói. 

Đó là việc chuẩn bị bài giảng, còn khi giáo viên dạy online cũng khá vất vả. Trong quá trình dạy phải bao quát hơn, mắt nhìn bài giảng nhưng vẫn nhìn học sinh có học không hay đang nghịch ngợm. "Nhiều khi đang dạy thấy học sinh lè lưỡi trêu cô, vẽ bậy lên màn hình, đổi hình mặt cướp biển, quái vật hoặc bỗng dưng mất tích không thấy đâu... mình phải kiềm chế, nhưng mất thời gian vừa dạy vừa nhắc các con", cô Thúy kể.

Tế nhị nhất vẫn là sự cố của phụ huynh trước camera. Ví dụ có phụ huynh vô tư cởi trần chỉnh camera cho con. Mặc dù ngại ngùng nhưng cô Thúy vẫn phải tế nhị nhắc nhở: "Mong phụ huynh đứng trước camera có trang phục lịch sự"... Thế nhưng, điều vui mừng nhất đối với cô giáo trẻ là  lớp học của cô  buổi học nào cũng có mặt đông đủ.

Chị Hoàng Thị Thủy, có con học lớp 1 ở quận Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ: "Có con đi học mình mới thấy thông cảm và hiểu nỗi vất vả của giáo viên khi phải dạy online trong tình hình dịch bệnh. Bình thường ở trên lớp cô dạy, trò nghe, mặt đối mặt trao đổi. Bây giờ cả giáo viên và học sinh chỉ ngồi trước màn hình máy tính với bao sự cố có thể xảy ra làm ảnh hưởng đến chất lượng bài giảng.

Để có buổi dạy thu hút học sinh, các cô phải nghĩ cách chuẩn bị thật hấp dẫn, phải am hiểu công nghệ mà có khi mày mò mất thời gian cả buổi. Chưa kể giao bài tập cho học sinh, giải đáp thắc mắc của phụ huynh cũng đủ kéo dài cả ngày".

>> Mời đọc giả đón đọc bài sau: Nỗi niềm giáo viên ngày 20/11: Nhớ trường lớp, nửa học kỳ trôi qua chưa 1 lần gặp học sinh

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem