Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính về việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8% với hàng loạt lĩnh vực, ngành hàng, đồng thời đề nghị Quốc hội xem xét thông qua.
Theo đó, Chính phủ nhấn mạnh việc về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% về 8% để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Về trình tự thủ tục, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn thiện dự thảo nghị quyết của Quốc hội.
Bộ trưởng Tư pháp được thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự án Nghị quyết về giảm thuế VAT vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Chính phủ cũng đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho phép xây dựng dự thảo nghị quyết này theo trình tự, thủ tục rút gọn và trình Quốc hội thông qua theo quy trình một kỳ họp vào tháng 5 tới.
"Tờ trình báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cần nêu nội dung đề nghị Đảng đoàn Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị về chủ trương giảm thuế VAT để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn hiện nay", Chính phủ lưu ý với Bộ Tư pháp.
Trước đó, như Dân Việt đưa tin, Bộ Tài chính đã đề xuất Chính phủ giảm thuế VAT từ 10% xuống 8%, giảm đồng loạt 2% đối với nhiều loại hàng hoá, dịch vụ.
Chính sách này được đề xuất áp dụng từ thời điểm ký ban hành đến hết năm 2023, tức là khoảng 6 tháng.
Bộ Tài chính cho biết, năm 2020, tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ khoảng 129 nghìn tỷ đồng (trong đó số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 97,5 nghìn tỷ đồng; số tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được miễn, giảm hơn 31,5 nghìn tỷ đồng).
Trong năm 2021, trước diễn biến rất phức tạp của dịch Covid-19, các giải pháp hỗ trợ đã được tiếp tục triển khai ở mức cao hơn cả về nội dung và giá trị hỗ trợ với tổng quy mô khoảng 145 nghìn tỷ đồng (trong đó số tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được miễn, giảm khoảng 25 nghìn tỷ đồng; số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 120 nghìn tỷ đồng).
Năm 2022, để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sau dịch Covid-19, Bộ Tài chính cũng đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đề xuất, tham mưu với Chính phủ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (trong đó có quy định giảm mức thuế suất thuế GTGT đối với hầu hết các mặt hàng đang chịu thuế suất 10% xuống còn 8%; tiếp tục tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với các khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho hoạt động phòng, chống dịch Covid-19), đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp về gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất.
Năm 2023 Bộ Tài chính đề xuất giảm 2% mức thuế suất thuế GTGT đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% (còn 8%); giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT đối với cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) khi thực hiện xuất hóa đơn đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 10%.
Thực hiện theo phương án này nhằm đảm bảo đúng mục tiêu kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho NSNN cũng như nền kinh tế. Về thời gian áp dụng: Kể từ khi chính sách được ban hành đến hết ngày 31/12/2023.
Về tác động, Bộ Tài chính cho biết, phương án giảm 2% thuế VAT, dự kiến số thu ngân sách nhà nước ước giảm khoảng 5.800 tỷ đồng/tháng, nếu áp dụng trong 6 tháng cuối năm thì tương đương khoảng 35.000 tỷ đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.