Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 đến từ Thái Nguyên thôi nghề "gõ đầu trẻ" về trồng chè ngon

Hà Thanh - Kiều Hải Thứ năm, ngày 22/08/2024 18:51 PM (GMT+7)
Đang gắn bó với nghề giáo viên, bà Vũ Thị Thanh Hảo (thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) đã từ bỏ công việc giáo viên mầm non về thành lập HTX sản xuất và chế biến chè với khát vọng xây dựng thương hiệu cho cây chè quê hương. Bà Vũ Thị Thanh Hảo được bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024.
Bình luận 0

CLIP: Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 đến từ Thái Nguyên-bà Vũ Thị Thanh Hảo (thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) chia sẻ về cơ duyên gắn bó với cây chè. Clip: Hà Thanh

Tình yêu với cây chè là lớn nhất

Sinh ra và lớn lên ở vùng chè Sông Cầu, nơi có nhà máy sản xuất chè nổi tiếng từ nhiều năm. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên từ khi còn bé bà Vũ Thị Thanh Hảo đã cùng bố mẹ lên đồi hái chè rồi về nhà sao sấy. Chính nhờ đó đã hun đúc trong con người bà Hảo tình yêu với cây chè.

Sau này, khi lập gia đình, trải qua nhiều công việc khác nhau, nhưng niềm khao khát được gắn bó với cây chè của bà vẫn luôn thường trực. 

Năm 2016 khi đang làm công việc giảng dạy tại một trường mầm non trên địa bàn, vừa là cơ hội để bà Hảo tiếp xúc với nhiều người, nâng cao kỹ năng giao tiếp, vừa là dịp giúp bà nhận ra tầm quan trọng và giá trị của cây chè tại địa phương. Cũng chính từ đây, niềm đam mê với cây chè trong bà Hảo lại trỗi dậy.

Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 đến từ Thái Nguyên: Bỏ nghề giáo về xây dựng thương hiệu cho cây chè - Ảnh 1.

Sinh ra và lớn lên ở vùng chè nổi tiếng của huyện Đồng Hỷ nên bà Vũ Thị Thanh Hảo - Giám đốc HTX Chè Thịnh An (ngoài cùng bên trái) luôn đau đáu và tâm huyết với cây chè. Ảnh: Hà Thanh

Chia sẻ với PV Dân Việt, bà Vũ Thị Thanh Hảo cho biết: "Bản thân tôi sinh ra và lớn lên gắn bó với cây chè nên tôi luôn đau đáu và tâm huyết với cây chè mặc dù khởi nghiệp với cây chè khá muộn khi tuổi không còn trẻ. 

Trong suốt những năm tháng trước đó, tôi vẫn đi buôn chè để duy trì cuộc sống. Trải qua nhiều công việc khác nhau, năm 2016 khi đang công tác trong lĩnh vực giáo dục mầm non, tôi đã quyết định nghỉ dạy và về nhà tập trung xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chè của địa phương".

Khi mới thành lập, HTX Chè Thịnh An chỉ có 7 thành viên nên gặp rất nhiều khó khăn. Từ kỹ thuật chăm sóc cây chè đến kỹ thuật sao sấy để cho ra một sản phẩm chè hoàn chỉnh. Bởi vậy bà Hảo đã phải đi học hỏi kinh nghiệm rất nhiều nơi để tích lũy dần cho bản thân. 

Đến năm 2017, HTX đã nhận chuyển giao 50ha chè an toàn của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên, từ đó đã nâng tổng số hộ liên kết lên 155 hộ. Dự án đã giúp cho HTX có những bước đi và nhìn nhận đúng đắn về giá trị của sản phẩm chè bền vững.

Trong quá trình phát triển, ngoài 50ha chè được chứng nhận VietGAP, HTX đã mở rộng thêm vùng sản xuất nguyên liệu 20ha chè hữu cơ và 9ha chè được gắn mã vùng trồng. 

Từ khi nhận chuyển giao công nghệ, các thành viên HTX vừa liên kết, vừa học hỏi kinh nghiệm từ trồng chè, chăm sóc đến thu hoạch và tìm đầu ra với mong muốn sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn chất lượng cao mới có thể cạnh tranh với thị trường trong và ngoài nước.

Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 đến từ Thái Nguyên: Bỏ nghề giáo về xây dựng thương hiệu cho cây chè - Ảnh 2.

Vùng sản xuất chè hữu cơ của HTX Chè Thịnh An tại thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên với diện tích 20ha. Ảnh: Hà Thanh

Từ 7 hộ thành viên ban đầu, đến nay HTX Chè Thịnh An đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho khoảng 70% trong tổng số 155 hộ dân với diện tích 50ha chè an toàn. Ngoài ra, đối với những diện tích chè chưa thể bao tiêu cho bà con, HTX cũng chịu trách nhiệm gọi thương lái đến tiêu thụ.

Nếu như trước đây sản lượng chè khô của HTX xuất bán ra thị trường mỗi năm chỉ đạt khoảng 1 tấn, thì nay trung bình mỗi năm HTX xuất bán ra thị trường trên 140 tấn chè búp khô các loại. Khi đưa ra thị trường, các sản phẩm của HTX luôn đảm bảo các tiêu chí về an toàn.

Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 đến từ Thái Nguyên: Bỏ nghề giáo về xây dựng thương hiệu cho cây chè - Ảnh 3.

Đến nay, HTX Chè Thịnh An đã liên kết với 155 hộ để sản xuất, chế biến chè. Ảnh: Hà Thanh

"Điều mà tôi tâm huyết nhất đó là trong vùng chè nguyên liệu ở thị trấn Sông Cầu hiện nay, chúng tôi đang bảo tồn và phát triển giống chè trung du thuần chủng. Cây chè trung du thuần chủng đang được HTX chăm sóc theo quy trình VietGAP hướng hữu cơ, kết hợp với quy trình sản xuất, chế biến bằng công nghệ tiên tiến nên mỗi sản phẩm của HTX làm ra đều đảm bảo chất lượng, giữ nguyên được mùi hương, vị dịu ngọt của hương vị truyền thống", bà Hảo bộc bạch.

Với dòng chè trung du thuần chủng này, HTX đang đưa ra thị trường 5 sản phẩm được nhiều khách hàng ưa chuộng. Ưu điểm của các sản phẩm được chế biến từ giống chè trung du thuần chủng đó là khi pha chè có màu nước vàng nhạt, trong, sáng, vị đậm, hương thơm. Trung bình sản lượng chè trung du thuần chủng xuất bán ra thị trường mỗi năm chiếm 50% sản lượng chè của cả HTX.

Đến nay, HTX đã có 6 sản phẩm đạt OCOP từ 3 sao đến 4 sao. Các sản phẩm của HTX được phân khúc theo từng đối tượng khách hàng, trong đó dòng chè đinh thượng hạng có giá dao động từ 3 – 5 triệu đồng/kg, chè tôm nõn có giá từ 500.000 - 1 triệu đồng/kg và chè bình dân có giá từ 150.000 – 200.000đ/kg.

Đến thời điểm này, các sản phẩm của HTX Chè Thịnh An đã có mặt ở 50 tỉnh, thành trên cả nước, trong đó đã có mặt tại một số siêu thị lớn như GO, Aeon Mall Hải Phòng. Ngoài ra, sản phẩm của HTX còn xuất khẩu sang thị trường Malaysia, Trung Quốc. Ngoài ra, HTX đã ký kết tiêu thụ với một đơn vị để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Nhờ đó mà sản lượng tiêu thụ chè của HTX không ngừng được nâng lên.

Năm 2023, HTX Chè Thịnh An đã có một sản phẩm từ dòng chè trung du thuần chủng được chứng nhận là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh Thái Nguyên và đã đạt chứng nhận OCOP 4 sao. Đây chính là cơ hội để HTX quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm giúp nhiều khách hàng không chỉ trong nước và quốc tế biết đến sản phẩm của HTX với nhiều nét đặc trưng riêng.

Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 đến từ Thái Nguyên: Bỏ nghề giáo về xây dựng thương hiệu cho cây chè - Ảnh 4.

Sản phẩm Chè Thịnh An trung du thuần chuẩn là sản phẩm đặc trưng của HTX đã đạt chứng nhận OCOP 4 sao. Ảnh: Hà Thanh

Bên cạnh việc quan tâm đầu tư chất lượng sản phẩm, HTX Chè Thịnh An còn chú trọng đến mẫu mã, bao bì sản phẩm. Tất cả các sản phẩm của HTX đều được đóng gói với bao bì mắt mắt, có tem nhãn truy xuất nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Năm 2023, HTX xuất bán ra thị trường 150 tấn chè búp khô, mang về lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng.

Tích cực chuyển đổi số bắt kịp công nghệ

Không chỉ bán hàng theo cách truyền thống, HTX Chè Thịnh An còn tích cực áp dụng chuyển đổi số trong bán hàng, đưa sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử mang lại hiệu ứng cao.

Hiện, HTX đang tạo công ăn việc làm thường xuyên cho trên 20 lao động tại địa phương với mức thu nhập trung bình từ 7 – 8 triệu đồng/người/tháng và khoảng 80 lao động thời vụ.

Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 đến từ Thái Nguyên: Bỏ nghề giáo về xây dựng thương hiệu cho cây chè - Ảnh 5.

HTX Chè Thịnh An đang tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động với thu nhập trung bình từ 7 - 8 triệu đồng/người/tháng. Ảnh: Hà Thanh

Trong thời gian tới, HTX mong muốn sẽ mở rộng quy mô nhà xưởng đảm bảo tiêu chuẩn với công nghệ tiên tiến để cho ra đời nhiều sản phẩm chất lượng, có không gian trưng bày sản phẩm đẹp, thu hút nhiều khách đến tham quan, du lịch, đồng thời có thể bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con trong vùng.

Năm 2019, HTX Chè Thịnh An đã đạt danh hiệu doanh nghiệp vĩ mô xuất sắc CITI – VN 2019.

Ngoài sản xuất, chế biến chè, bà Hảo còn có 2 sáng kiến giá trị như sản xuất dầu trà đã được bảo hộ Thương hiệu từ Cục sở hữu trí tuệ và sáng kiến sản xuất xanh, an toàn, bền vững, thân thiện với môi trường kết hợp du lịch sinh thái trải nghiệm vùng chè nhằm bảo tồn và thay đổi diện mạo mới cho cây chè để đưa ra thị trường đã được ghi nhận của tổ chức VCCI và CSIP ÉN XANH năm 2019.

Bên cạnh việc quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX, nữ Giám đốc HTX Chè Thịnh An còn thường xuyên tham gia các hoạt động tài trợ, ủng hộ bằng tiền và hiện vật trong quá trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương cũng như tham gia nhiều hoạt động từ thiện, nhân đạo giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 đến từ Thái Nguyên: Bỏ nghề giáo về xây dựng thương hiệu cho cây chè - Ảnh 6.

Năm 2024, bà Hảo vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn là 1 trong 63 Nông dân Việt Nam xuất sắc. Ảnh: Hà Thanh

Với những bước đi vững chắc, sự tận tâm với nghề, tháng 11/2022, bà Vũ Thị Thanh Hảo vinh dự được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phong danh hiệu Nghệ nhân làng nghề và Nghệ nhân văn hóa ẩm thực làng nghề. Đây là một trong những vinh dự, tự hào không chỉ của bà Hảo mà còn là niềm tự hào của gia đình, bà con lối xóm, quê hương nơi bà sinh sống. Bên cạnh đó, bà Hảo còn nhận được nhiều Bằng khen, giấy khen của các cấp ngành địa phương.

Năm 2024, bà Vũ Thị Thanh Hảo vinh dự được bình chọn là 1 trong 63 nông dân Việt Nam xuất sắc để vinh danh.

Bình chọn và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc là một trong những hoạt động nổi bật, trọng điểm của Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam.

Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương chỉ đạo.

Báo Nông thôn ngày nay/Điện tử Dân Việt là đơn vị được giao tổ chức thực hiện Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam.

Cao điểm của Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam là Lễ tôn vinh và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc, dự kiến sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 10/2024 nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày Thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2024).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem