Nóng với “sóng ngầm” M&A quỹ đất mùa dịch Covid-19

Quốc Hải Thứ năm, ngày 21/05/2020 12:00 PM (GMT+7)
Trái ngược với diễn biến ảm đạm của thị trường, hoạt động mở rộng quỹ đất của các doanh nghiệp (DN) bất động sản, thông qua nhiều hình thức, vẫn đang diễn ra âm thầm suốt thời gian dịch bệnh Covid-19. Đây cũng là cơ hội để các DN chuyển mình sau dịch, nhờ con đường chọn mua quỹ đất sạch, rút ngắn thời gian đưa vào khai thác…
Bình luận 0

Nhìn lại giai đoạn thị trường khủng hoảng 2009 - 2012, không ít DN như Novaland, Hưng Thịnh, Đất Xanh… đã nắm bắt cơ hội thâu tóm dự án "đắp chiếu" nên ngày càng lớn mạnh nhờ sở hữu quỹ đất lớn. Và, theo các chuyên gia kinh tế, cơ hội này cũng đang lần nữa mở ra cho các DN bất động sản (ĐĐS) sau khi dịch Covid-19 qua đi.

Nóng với “sóng ngầm” M&A quỹ đất mùa dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Dù trong bối cảnh dịch Covid-19, làn sóng M&A quỹ đất của các DN bất động sản vẫn diễn ra sôi động (Ảnh: IT)

Náo nhiệt "cuộc đua" săn quỹ đất

Trong quý I vừa qua, dù bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp nhưng trên thị trường, các thương vụ thâu tóm quỹ đất, dự án diễn ra khá sôi động.

Trong đó, đang chú ý là thương vụ Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (HoSE: CII) đã mua lại toàn bộ 79,98% vốn tại Công ty Đầu tư Bất động sản Thủ Thiêm Riverpark - chủ đầu tư dự án Thủ Thiêm River Park, từ đối tác Shining Armor Limited Company, đơn vị thành viên của Hongkong Land. Tuy ngay sau đó, CII đã chuyển nhượng 80% vốn tại dự án này cho Công ty CP City Garden, nhưng thương vụ này cũng giúp CII ghi nhận khoản doanh thu từ hoạt động đầu tư tài chính lên tới 386,5 tỷ đồng.

Cũng gây chú ý trong quý I là cuộc chơi "gom" quỹ đất của Tập đoàn An Gia (HoSE: AGG). Theo đó, DN này đã chi hơn 2.000 tỷ đồng thâu tóm 3 dự án gồm: The Sóng tại Bà Rịa - Vũng Tàu với giá 725 tỷ đồng; dự án Westgate ở huyện Bình Chánh, TP.HCM với giá 720 tỷ đồng và dự án The Standard tại Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, với giá 600 tỷ đồng.

Ngoài ra, DN này cũng đặt mục tiêu mỗi năm sẽ dùng khoảng 5.000 - 10.000 tỷ đồng để tạo quỹ đất, đảm bảo đầu vào phát triển trong 10 năm tới.

Không nằm ngoài cuộc chơi, đầu năm nay, Tập đoàn Hưng Thịnh đã chi một khoản tiền lớn để thực hiện nhiều thương vụ M&A quỹ đất, trong đó có khu đất quy mô diện tích hơn 1.000 ha tại Lâm Đồng. Trước đó, Tập đoàn Hưng Thịnh cũng đã chi hàng ngàn tỷ đồng mua lại nhiều dự án tại Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), trong đó đáng chú ý có dự án tại Nhơn Hội có quy mô diện tích lên đến hơn 1.000 ha, được dự kiến sẽ biến thành một khu phức hợp nhà ở, biệt thự, khách sạn du lịch và nghỉ dưỡng đẳng cấp.

"Ông lớn" Novaland (HoSE: NVL) cũng khá tích cực trong hoạt động M&A trong quý I vừa qua, được ghi nhận tại khoản mục các khoản phải thu ngắn hạn đạt 9.349 tỷ đồng, tăng 59% so với thời điểm 31/12/2019. Trong đó, phải thu ngắn hạn khác chiếm 5.981 tỷ đồng, tăng 86% so với thời điểm 31/12/2019, chủ yếu do tăng khoản phải thu từ đặt cọc cho các giao dịch mua bán, sáp nhập sẽ được thực hiện trong thời gian tới.

"Novaland cũng luôn ưu tiên tập trung nguồn lực ở mức cao nhất để huy động vốn cho công tác M&A. Trong quý I, tập đoàn tiếp tục nhận khoản giải ngân lần hai trị giá 101 triệu USD từ khoản vay hợp vốn quốc tế có tổng trị giá 250 triệu USD từ các định chế tài chính quốc tế thông qua sự tư vấn, thu xếp của Credit Suisses. Ngoài ra, Tập đoàn cũng nhận giải ngân hơn 1.500 tỷ từ các NHTM trong nước và được phê duyệt hạn mức tín dụng cho hoạt động M&A một số dự án dự kiến triển khai trong năm 2020", đại diện Tập đoàn Novaland, cho hay.

Còn với Nhà Thủ Đức (Thủ Đức House; HoSE: TDH), DN này đang đặt mục tiêu tiếp tục tìm kiếm quỹ đất, mở rộng hoạt động sang các tỉnh thành lân cận đang có tiềm lực phát triển như Cần Thơ, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Đồng thời, Nhà Thủ Đức sẽ chú trọng phát triển quỹ đất bằng cách nhận chuyển nhượng từ tư nhân với những khu đất có quy mô vừa và nhỏ 1 đến 10 ha tại các khu đô thị lớn để xây dựng nhà ở giá rẻ cho công nhân, người lao động; hạn chế đầu tư vào các khu vực/dự án có liên quan đến đất công để tránh những vướng mắc về thủ tục pháp lý…

Cơ hội chia đều, nhưng…

Theo các chuyên gia kinh tế và bất động sản, đối với dự án đất xây dựng, quá trình xin giấy phép từ giai đoạn xin phê duyệt tổng mặt bằng và quy hoạch kiến trúc, cho đến cấp giấy phép xây dựng là rất gian nan. Nếu không kịp thời đẩy nhanh quy trình và tiến độ trong việc triển khai các bước trên sẽ kéo dài thời gian đọng vốn của chủ đầu tư, khiến DN rơi vào tình trạng cạn kiệt về tài chính, lại không thể bán chuyển nhượng giao dịch khi giấy phép chưa hoàn tất. Vì vậy, thay vì tự phát triển quỹ đất thì M&A các dự án giúp doanh nghiệp tiết kiệm được rất nhiều thời gian thủ tục pháp lý cũng như giải tỏa mặt bằng.

"Phát triển dự án mới có khi mất cả năm trời và nhiều khi mất luôn cơ hội thị trường, trong khi đó M&A lại giúp DN dễ lựa chọn các dự án tại các vị trí đẹp, quỹ đất lớn, có hạ tầng dân sinh phát triển…", lãnh đạo một DN địa ốc bày tỏ.

Tất nhiên, M&A là một giải pháp tốt nhưng không phải bất cứ DN nào cũng có thể tận dụng tốt giải pháp này nếu tiềm lực tài chính không đủ. Ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh, Phó Tổng Giám đốc Thuduc House, cho hay: "M&A là giải pháp đi tắt đón đầu khá tốt, khi DN triển khai M&A dự án thì có thể mua chi phối hoặc tham gia cổ phần, khi đó dự án không bị thay đổi quy hoạch, không bị đổi tên vì thủ tục đổi tên hiện nay rất lâu. Tất nhiên, muốn M&A thì phải có tiềm lực tài chính mạnh. Cơ hội nói chung là chia đều cho các DN nhưng quan trọng nhất vẫn là phải quản trị dòng tiền tốt".

"Năm nay, Thuduc House dự kiến cũng tiến hành M&A một loạt dự án với tổng vốn lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Nguồn vốn để triển khai M&A là từ dòng tiền từ các dự án mà Thuduc House bán được", ông Chinh nói thêm.

Trong khi đó, báo cáo mới nhất của JLL cho biết, là một thị trường mới nổi, việc thực hiện giao dịch bất động sản tại Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức. Để thúc đẩy nhiều hoạt động M&A hơn, đất nước cần phải cải thiện mức độ minh bạch cũng như đẩy nhanh quá trinh phê duyệt pháp lý nhằm thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Khi quá trình phê duyệt pháp lý hoàn thành, kỳ vọng tăng trưởng nguồn cung có thể đáp ứng nhu cầu, thị trường sẽ minh bạch và hiệu quả hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem