Nuôi cá chim vây vàng, nông dân Quảng Trị nhẹ nhàng thu 150 triệu sau 8 tháng

Ngọc Vũ Thứ tư, ngày 07/08/2024 12:29 PM (GMT+7)
Hai năm trở lại đây, nông dân vùng biển bãi ngang tỉnh Quảng Trị bắt đầu nhân rộng nuôi cá chim vây vàng. Đây là đối tượng nuôi đầy triển vọng, mở ra cơ hội làm giàu cho nông dân.
Bình luận 0

Những ngày đầu tháng 8, chúng tôi có mặt tại hồ nuôi cá chim vây vàng của gia đình ông Võ Chí Thắng (SN 1975, trú thôn Thuận Đầu, xã Hải An, huyện Hải Lăng, Quảng Trị) để chia sẻ niềm vui với gia đình.

Tiếp nối thành công ở vụ nuôi trước, năm nay ông Thắng tiếp tục nuôi cá chim vây vàng với nhiều triển vọng.

Nuôi cá chim vây vàng, nông dân Quảng Trị nhẹ nhàng thu 150 triệu sau 8 tháng- Ảnh 1.

Ông Võ Chí Thắng thành công khi nuôi cá chim vây vàng, từ đó tạo niềm tin cho nhiều nông dân vùng bãi ngang ở tỉnh Quảng Trị nhân rộng. Ảnh: Ngọc Vũ.

Ông Thắng cho biết, trước đây, cũng như bao gia đình ở vùng biển bãi ngang Hải An, gia đình ông nuôi tôm nước lợ. Những năm đầu, tôm phát triển tốt, bà con trong vùng thắng lợi "giòn giã".

Thế nhưng, càng về sau, khí hậu, môi trường thay đổi khiến việc nuôi tôm gặp nhiều rủi ro, dịch bệnh, có người phải bỏ hồ tôm vì bị lỗ nặng, không có khả năng vực dậy. Gia đình ông Thắng cũng không tránh khỏi tình cảnh khó khăn khi nhiều năm liền nuôi tôm thất bại, mỗi vụ lỗ cả trăm triệu đồng.

Đang loay hoay không biết làm sao thì ông nhận được lời đề nghị của chính quyền địa phương về việc hợp tác với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị để nuôi thâm canh cá chim vây vàng.

"Nói thật, xưa nay quen với con tôm nên khi nghe nói nuôi cá chim vây vàng, quá lạ lẫm nên tôi cảm thấy e ngại, sợ thất bại, tốn công, mất sức như nuôi tôm" – ông Thắng chia sẻ.

Thế nhưng, cảm nhận được sự nhiệt tình hỗ trợ của các cơ quan, ban ngành, chính quyền địa phương, ông Thắng quyết tâm nuôi thử.

Trên diện tích 2.000m2, ông Thắng thả nuôi 6.000 con cá giống chim vây vàng với kích cỡ 300 con/kg, mật độ thả 3 con/m2.

Nuôi cá chim vây vàng, nông dân Quảng Trị nhẹ nhàng thu 150 triệu sau 8 tháng- Ảnh 2.

Ông Võ Chí Thắng (thứ 2 từ phải sang) được lãnh đạo các cơ quan, ban ngành, địa phương động viên, khen ngợi và chia vui khi ông nuôi cá chim vây vàng thành cộng. Ảnh Ngọc Vũ.

Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật cùng với sự chăm chỉ, ham học hỏi của bản thân, sau 8 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng ông Thắng nuôi đạt từ 0,7 - 0,8 kg/con, tỷ lệ sống gần 80%. Sản lượng thu hoạch trên 3,2 tấn. Với giá bán từ 150.000 - 170.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí cho lợi nhuận 150 triệu đồng.

Từ thành công đó, năm nay, không chỉ ông Thắng mà đã có nhiều hộ nông dân nhân rộng, trong đó riêng thôn Thuận Đầu có thêm 3 hộ nuôi cá chim vây vàng. Những ai cần học hỏi kinh nghiệm, ông Thắng đều nhiệt tình chia sẻ.

Ông Thắng cho biết, so với nuôi tôm thì kỹ thuật nuôi cá chim vây vàng dễ hơn. Đối tượng nuôi này ít dịch bệnh, chống chịu tốt với các thay đổi của môi trường, chi phí thức ăn thấp, tốc độ phát triển nhanh. Vì vậy, nuôi cá chim vây vàng hạn chế được rủi ro, người nuôi cũng ít vất vả hơn nuôi tôm.

Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn dịch bệnh cho cá, khi thả nuôi cá chim vây vàng, người nuôi trồng cũng chú ý cải tạo ao nuôi, xử lý mầm bệnh, vi sinh vật có hại; bố trí máy quạt nước đầy đủ để đảm bảo oxy cho cá. Ao nuôi đảm bảo độ sâu từ 1,5 m trở lên. Ngoài ra, cần theo dõi kĩ mức tiêu thụ thức ăn để điều chỉnh cho phù hợp.

Nuôi cá chim vây vàng, nông dân Quảng Trị nhẹ nhàng thu 150 triệu sau 8 tháng- Ảnh 3.

Cơ quan chuyên môn của Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị vui mừng khi nông dân Quảng Trị nuôi cá chim vây vàng thành công và đã mở rộng quy mô. Ảnh: Ngọc Vũ.

Ông Phan Văn Phương – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị cho biết, việc đa dạng hóa đối tượng nuôi là rất cần thiết, nhằm đảm bảo tính bền vững trong nuôi trồng thủy sản, giảm áp lực khai thác biển cũng như cải thiện thu nhập cho nông dân.

Tuy nhiên, ông Phương cũng khuyến cáo người dân cần nuôi trồng thuỷ sản theo vùng quy hoạch, tránh nuôi ồ ạt dẫn đến khó tiêu thụ, "được mùa mất giá".

Theo ông Phương, hiện nay nguồn giống cá chim vây vàng khá khó khăn khi phải nhập từ tỉnh Khánh Hoà, và chỉ có vào khoảng tháng 2 đến tháng 6 hàng năm. Vì vậy, thời gian tới, nếu nông dân nuôi với diện tích khá lớn, cần số lượng con giống nhiều thì cơ quan chức năng sẽ hỗ trợ để có nguồn giống ổn định, chất lượng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem