Phải chỉnh sửa sách giáo khoa theo khuyến nghị của hội đồng thẩm định

Hà My Thứ năm, ngày 12/11/2020 11:30 AM (GMT+7)
Được biết, dự kiến các nhóm biên soạn sách giáo khoa sẽ phải mời chuyên gia độc lập để thẩm định chất lượng.
Bình luận 0

Phải chỉnh sửa sách giáo khoa theo khuyến nghị của hội đồng thẩm định

Ngày 15/11 tới đây, các đơn vị biên soạn sách giáo khoa lớp 2 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ tiếp tục gửi bản thảo sách giáo khoa về Bộ GDĐT để tham gia thẩm định đợt 2. Bộ GDĐT sẽ nhận bản thảo tới ngày 30/11. Kết thúc đợt 1 thẩm định, Bộ đã nhận được hồ sơ đề nghị thẩm định của 4 nhà xuất bản gồm: Giáo dục VN, Đại học Sư phạm, Đại học Sư phạm TP.HCM và Đại học Quốc gia TP.HCM.

Ngày 15/11 tới đây Bộ GDĐT sẽ bắt đầu nhận hồ sơ đề nghị thẩm định sách giáo khoa lớp 2 đợt 2.

Ngày 15/11 tới đây Bộ GDĐT sẽ bắt đầu nhận hồ sơ đề nghị thẩm định SGK lớp 2 đợt 2.

Theo thông tin từ Bộ GDĐT có tổng số 33 bản mẫu sách giáo khoa/9 môn học và hoạt động giáo dục lớp 2 đã được gửi về đề nghị thẩm định. Riêng môn tiếng Việt nhận được sự quan tâm của dư luận có 3 bản mẫu. Được biết, kết thúc đợt 1 thẩm định sách giáo khoa lớp 2, không có bản thảo môn Tiếng Việt nào được xác nhận là "Đạt". Theo thông tư 23/2020/TT-BGDĐT thì các đơn vị biên soạn SGK "không đạt" hoặc "đạt nhưng cần chỉnh sửa" nếu vẫn có nhu cầu biên soạn cần phải chỉnh sửa thì gửi bản thảo về để thẩm định lại như đợt 1. Trong trường hợp không có bản mẫu SGK nào tham gia thẩm định hoặc kết quả thẩm định không đạt ở cả 2 đợt, Bộ sẽ chịu trách nhiệm biên soạn để đảm bảo học sinh không thiếu SGK nào.

Bên cạnh đó, để tránh tình trạng hội đồng thẩm định khuyến nghị nhưng tác giả biên soạn không chỉnh sửa diễn ra như SGK tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều, thông tư cũng nêu rõ tác giả cần chỉnh sửa trong thời gian 30 ngày kể từ khi hội đồng thông báo SGK "đạt nhưng cần chỉnh sửa". Rút kinh nghiệm từ vấn đề bộ SGK của nhóm Cánh Diều, Bộ GDĐT hội đồng thẩm định và tác giả biên soạn phải tăng cường việc thảo luận, tranh luận để có hướng giải quyết thấu đáo vấn đề.

Đối với SGK lớp 6, theo ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) kết thúc vòng 1 thẩm định SGK lớp 6 biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, có 4 cuốn SGK của môn Tin học không đạt. Có 40 cuốn sách lớp 6 được tiếp tục thẩm định ở vòng 2. 

Sẽ có hướng dẫn thực nghiệm sách giáo khoa

Một chuyên gia giáo dục tham dự biên soạn SGK lớp 6 đang được Hội đồng thẩm định góp ý cho biết các bản thảo mẫu SGK đang được xem xét, rà soát rất kỹ. Từng nội dung trong SGK đều được phân tích, góp ý. Bản thân nhóm tác giả cũng cởi mở tiếp thu để sửa chữa sao cho chất lượng SGK đạt chuẩn cao nhất cả về mặt kiến thức và ngữ liệu sử dụng phù hợp.

Ông Nguyễn Xuân Thành cho biết theo hồ sơ các nhà xuất bản gửi bản mẫu lớp 6 mới về Bộ GDĐT để thẩm định, các bản mẫu ít nhất phải có 10% nội dung được thực nghiệm trước khi trình hội đồng thẩm định. 

"Thực tế có những bản mẫu tỉ lệ thực nghiệm lên tới 20% nội dung bài học. Về nguyên tắc, hội đồng thẩm định trước khi tiến hành phải nhìn vào kết quả thực nghiệm rồi mới tiến hành thẩm định. Nếu bản mẫu không đảm bảo yêu cầu thực nghiệm sẽ không thẩm định" - ông Thành nhấn mạnh. Trong hướng dẫn tới đây Bộ GDĐT có thể sẽ quy định cụ thể hơn về cách thức triển khai thực nghiệm, phạm vi, nội dung và thời lượng tối thiểu phải thực hiện.

Việc đánh giá nội dung, cấu trúc, ngữ liệu trong SGK các môn học trước hết cần thực nghiệm bằng phương pháp chuyên gia. Tức là các đơn vị biên soạn SGK cần mời chuyên gia độc lập để thẩm định ở góc độ chuyên môn, đảm bảo nội dung sách giáo khoa phù hợp với độ tuổi học sinh, đảm bảo tính giáo dục.

Kết quả thẩm định sách giáo khoa:

- Trường hợp bản mẫu SGK được Hội đồng thẩm định đánh giá "Đạt", đơn vị tổ chức thẩm định hoàn thiện hồ sơ, lập báo cáo thẩm định, dự thảo quyết định trình Bộ trưởng Bộ GDĐT xem xét, quyết định việc phê duyệt, cho phép sử dụng.

- Trường hợp bản mẫu SGK được Hội đồng đánh giá "Đạt nhưng cần sửa chữa" thì đơn vị tổ chức thẩm định trình Bộ trưởng Bộ GDĐT văn bản thông báo cho đơn vị đề nghị thẩm định SGK thực hiện việc chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ gửi Bộ GDĐT đề nghị thẩm định lại theo quy định.

- Trường hợp bản mẫu SGK được Hội đồng đánh giá "Không đạt" thì đơn vị tổ chức thẩm định thông báo kết quả thẩm định cho đơn vị đề nghị thẩm định SGK. Nếu tổ chức, cá nhân có nguyện vọng tiếp tục biên soạn SGK thì bản mẫu phải được xây dựng lại để tổ chức thẩm định, như thẩm định lần đầu.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem