Phí SMS Banking "đắt đỏ", khách hàng quyết “tẩy chay”: Ngân hàng “phân trần” thế nào?
Phí SMS Banking "đắt đỏ", khách hàng quyết “tẩy chay”: Ngân hàng “phân trần” thế nào?
Huyền Anh
Thứ hai, ngày 21/02/2022 06:15 AM (GMT+7)
Mặc dù đã được ngân hàng gửi thông báo về thay đổi biểu phí dịch vụ tin nhắn SMS Banking, song nhiều khách hàng vẫn “sốc” khi nhận được tin nhắn trừ phí dịch vụ lên tới 55.000 -77.000 đồng thay vì 11.000 đồng như những tháng trước đó.
Khách hàng "than trời" vì phí SMS Banking, quyết định "tẩy chay" dịch vụ
Chị Trang- chủ shop bán hàng online (Hoài Đức – Hà Nội) cho biết, chiều 19/2 chị nhận được tin nhắn trừ phí dịch vụ SMS Banking tháng 1/2022 từ ngân hàng mà chị đang sử dụng, với mức phí 77.000 đồng. Mặc dù đã được ngân hàng thông báo từ trước về việc tăng phí SMS Banking, nhưng mức phí 77.000 đồng vẫn khiến chị Trang "sốc".
"Thực sự không nghĩ rằng một ngày phải trả đến gần 80.000 tiền phí SMS Banking. Như trước đây, mức phí này chỉ 11.000 đồng, tức là tăng gấp 7 lần. Như vậy cả năm tiền phí mà tôi phải bỏ ra cho dịch vụ này lên tới hơn 900.000 đồng. Mức phí này cao quá", chị Trang nói.
Câu chuyện của chị Trang không phải cá biệt. Trong 2 ngày vừa qua hàng loạt khách hàng khác đang sử dụng dịch vụ SMS Banking "than trời" khi nhận được tin nhắn trừ phí "đắt đỏ" so với trước đây. Thậm chí, nhiều khách hàng quyết định "tẩy chay" dịch vụ này.
Một cư dân mạng chia sẻ: "Khoảng 5, 6 năm rồi, phí hằng tháng của mình chỉ vào khoảng 11.000 đồng hoặc 22.000 đồng thôi. Nhưng hôm nay mình thấy có tin nhắn thu phí dịch vụ tận 55.000 đồng. Mình đã báo hủy dịch vụ SMS luôn".
Trên thực tế, từ cuối năm 2021, một số ngân hàng như Vietcombank, BIDV,... đã gửi thông báo cho khách hàng, tuyên bố giảm toàn bộ phí dịch vụ trên ứng dụng ngân hàng số như phí duy trì tài khoản, phí chuyển tiền,… Tuy nhiên, những nhà băng này cũng đồng thời tăng phí SMS Banking từ 11.000 đồng/tháng lên 11.000 - 77.000 đồng/tháng tùy số lượng tin nhắn.
"Chúng tôi đã gửi tin nhắn SMS thông báo về việc thay đổi chính sách phí tới từng khách hàng có khả năng bị ảnh hưởng để khách hàng nắm thông tin và chủ động lựa chọn dịch vụ thông báo số dư phù hợp với nhu cầu", đại diện Vietcombank cho hay.
Ngân hàng "phân trần" thế nào?
Theo chia sẻ từ một ngân hàng lớn, hiện nay khách hàng vẫn sử dụng phổ biến hình thức nhận thông báo thay đổi số dư và nhận OTP (one time password – mật khẩu giao dịch một lần) qua tin nhắn SMS. Ngân hàng thường chỉ thu phí đối với dịch vụ thông báo thay đổi số dư và không thu phí đối với tin nhắn gửi OTP.
Để gửi tin nhắn đến cho khách hàng, ngân hàng phải mua dịch vụ gửi SMS và trả phí cho các nhà mạng viễn thông. Mặc dù là các khách hàng lớn nhất, nhưng có một nghịch lý, đó là mức phí gửi tin nhắn SMS đối với các dịch vụ tài chính ngân hàng cao hơn nhiều so với mức phí tin nhắn thông thường của khách hàng cá nhân hoặc tin nhắn áp dụng cho các lĩnh vực khác.
Khi lượng giao dịch online tăng trưởng, các ngân hàng cũng phải gửi tin nhắn OTP và tin nhắn thay đổi số dư nhiều hơn, đồng nghĩa với mức chi phí tin nhắn cũng tăng theo. Mặc dù đã có nhiều kiến nghị từ Hiệp hội Ngân hàng, các doanh nghiệp viễn thông vẫn chưa có phản hồi về đề xuất giảm phí SMS cho nhóm khách hàng này.
Theo tính toán của vị này, ngân hàng phải chi trả gần 1.000 tỷ đồng chi phí gửi SMS, khoảng hơn 70% là chi phí cho các tin nhắn thông báo số dư, còn lại là chi phí gửi mã OTP. Chỉ tính riêng với dịch vụ thông báo thay đổi số dư, ngân hàng này phải bù lỗ hàng trăm tỷ đồng.
Trao đổi với PV Dân Việt, Giám đốc Trung tâm Ngân hàng số tại một ngân hàng quốc doanh thông tin, một giao dịch 2 tin nhắn, bình quân khoảng 1.500 đồng chi phí tin nhắn cho một giao dịch. Mỗi tháng, ngân hàng phát sinh khoảng 40 triệu giao dịch, phí SMS ngân hàng phải trả cho nhà mạng khoảng 60 tỷ đồng/tháng. Đó là ngân hàng phải bù lỗ cho khách hàng.
Liên quan đến việc điều chỉnh phí SMS, vị này cho hay: Theo tính toán của ngân hàng, một khách hàng bình thường bình quân không dùng quá 10 tin nhắn 1 tháng. Vì vậy, sự thay đổi này không ảnh hưởng nhiều đến đa số khách hàng hiện nay.
Tuy nhiên, có những khách hàng mỗi ngày sử dụng đến 50 tin nhắn để làm lợi cho họ trong hoạt động kinh doanh. Nếu những đối tượng này không phải chi trả chi phí cho phần hưởng lợi đó, như thế chưa hợp lý. Họ phải có trách nhiệm san sẻ gánh nặng với ngân hàng.
Cũng theo vị Giám đốc này, các đối tượng hưởng lợi rất cao có thể kể đến như thương mại điện tử, đội kinh doanh Shiper, kinh doanh bán lẻ (nói chung), kinh doanh đại lý,... Theo tính toán, những đối tượng này mỗi tháng có thể phải đóng tới 100 triệu tiền phí. Tuy nhiên, số lượng khách hàng này rất nhỏ.
Đề cập tới việc ngân hàng chịu ảnh hưởng thế nào nếu khách hàng hủy dịch vụ SMS, lãnh đạo ngân hàng này cho biết: Khi sản lượng giảm, có khả năng nhà mạng sẽ tăng giá cước tin nhắn đối với các ngân hàng vì hiện nay, bởi mức giá hiện nay đang tính theo bậc thang. Dù vậy, các ngân hàng vẫn đang đẩy mạnh khuyến khích khách hàng chuyển sang các hình thức khác thay thế như nhận thông báo số dư qua ứng dụng ngân hàng (APP) và xác thực giao dịch thông qua Smart OTP. Đặc điểm chung của các hình thức này là có độ bảo mật cao và đều miễn phí.
Hơn nữa, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, nếu xác thực giao dịch bằng OTP gửi qua tin nhắn SMS truyền thống, hạn mức giao dịch tối đa chỉ là 100 triệu đồng/giao dịch, nhưng nếu xác thực bằng Smart OTP, khách hàng có thể giao dịch với hạn mức lên tới cả tỷ đồng/giao dịch.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.