Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu: Kỳ họp cuối năm sẽ vẫn lấy phiếu tín nhiệm

Lương Kết (ghi) Thứ ba, ngày 24/06/2014 07:26 AM (GMT+7)
Mặc dù Nghị quyết 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm (LPTN), bỏ phiếu tín nhiệm (BPTN)  đang được sửa đổi, bổ sung và chưa được Quốc hội kỳ họp thứ 7 thông qua, nhưng cuối năm 2014 việc LPTN theo nghị quyết này vẫn diễn ra.
Bình luận 0

Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu (ảnh) với báo chí chiều 23.6.

Thưa Phó Chủ tịch Quốc hội, dự thảo sửa đổi Nghị quyết 35 (về việc LPTN, BPTN đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn) tại kỳ họp này sẽ không được Quốc hội thông qua, ông có thể giải thích vấn đề này được không?

- Sáng 23.6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có báo cáo gửi cho các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) có nêu Quốc hội đã thảo luận rất kỹ về dự thảo Nghị quyết 35, đây là một nghị quyết rất quan trọng, lần đầu tiên chúng ta tổ chức LPTN đã nhận được sự đồng tình và hoan nghênh của cử tri.

Cử tri coi đây là một hình thức giám sát rất quan trọng của Quốc hội và cơ quan dân cử đối với những người do Quốc hội và HĐND bầu và phê chuẩn.

Tuy nhiên đây là lần đầu thực hiện nên còn những bất cập và hạn chế vướng mắc nên Quốc hội quyết định cần sơ kết để sửa đổi, bổ sung. Lần này ĐBQH thấy cần có thêm thời gian để nghiên cứu kỹ hơn để sửa đổi đảm bảo chất lượng tốt hơn, tạo ra sự đồng thuận cao hơn trong cử tri và cả ĐBQH. Chính vì thế Quốc hội quyết định lùi chưa thông qua dự thảo sửa đổi Nghị quyết 35 tại kỳ họp thứ 7 lần này, để sang kỳ họp sau.

Ông có thể nói rõ hơn những ý kiến khác nhau của ĐB về sửa đổi Nghị quyết 35?

- Ví dụ như về đối tượng LPTN, nhiều ĐB và cử tri đề nghị mở rộng thêm đối tượng là giám đốc sở và các trưởng phòng của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, chức danh đầu ngành khác, đấy cũng là vấn đề khác biệt. Hay vấn đề về hình thức lấy phiếu, thời điểm, thời gian lấy phiếu cũng như quy trình xử lý hệ quả của việc LPTN cũng có những ý kiến khác nhau.

Chính vì thế ĐBQH đồng ý với Ủy ban Thường vụ Quốc hội là lùi thời hạn việc thông qua dự thảo sửa đổi Nghị quyết 35 để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện đảm bảo chất lượng tạo ra sự đồng thuận cao hơn. Quốc hội cũng giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan lấy ý kiến của cử tri, lấy thêm ý kiến của ĐBQH, HĐND để hoàn thiện dự thảo sửa đổi Nghị quyết 35.

Như vậy định hướng sửa đổi Nghị quyết 35 sẽ ra sao?

- Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ĐBQH đều nhất trí 3 nội dung quan trọng: Thứ nhất là phải xác định tiếp tục chủ trương LPTN và BPTN ở Quốc hội và HĐND; thứ hai cuối năm nay vẫn tiếp tục LPTN với các chức danh do Quốc hội và HĐND bầu và phê chuẩn; thứ ba là đồng ý chuyển sang kỳ họp sau để làm cho tốt hơn.

Dự thảo Nghị quyết 35 sửa đổi chưa được Quốc hội thông qua thì việc LPTN cuối năm 2014 sẽ theo quy định nào?


Về việc một số ĐB kiến nghị Quốc hội nên ra Nghị quyết riêng về vấn đề Biển Đông, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu cho biết: Tại phiên bế mạc, Chủ tịch Quốc hội một lần nữa sẽ nói rõ lập trường của Quốc hội Việt Nam để cử tri và đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài cũng như bạn bè quốc tế biết về thái độ của Việt Nam trước vấn đề Biển Đông.

- Lấy theo Nghị quyết 35 hiện nay, bởi nếu có sửa đổi Nghị quyết 35 và thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII thì cũng chưa kịp. Theo quy định của luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, mọi văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực từ ngày công bố nhưng phải đăng công báo rồi có hiệu lực 45 ngày từ ngày Quốc hội thông qua, chính vì thế việc LPTN vẫn phải làm theo Nghị quyết 35.

Làm theo nghị quyết cũ đã đưa ra sửa đổi, bổ sung liệu có bất cập gì không, thưa ông?

- Không có bất cập gì cả, cái này đã được Quốc hội biểu quyết thông qua từ đầu kỳ họp.

Xin cảm ơn Phó Chủ tịch

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem