Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động tranh luận với đại biểu Lê Thanh Vân về trường ĐH Tôn Đức Thắng

Hoàng Thành Thứ hai, ngày 09/11/2020 17:21 PM (GMT+7)
ĐBQH Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam vừa tranh luận về vụ việc ở Trường Đại học Tôn Đức Thắng (ĐH Tôn Đức Thắng) liên quan đến nhận định của đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng việc xử lý là sai thẩm quyền.
Bình luận 0

Chiều 9/11, tranh luận về vụ việc ở Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TP.HCM) liên quan đến nhận định của đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) cho rằng việc xử lý là sai thẩm quyền, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Đoàn Hà Nội), Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, cho hay trong hệ thống pháp luật Việt Nam chỉ có luật viên chức và nghị định hướng dẫn thi hành luật; các luật chuyên ngành như luật giáo dục đại học không có quy định về điều này.

Đối với vụ việc ông Lê Vinh Danh, Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam là cơ quan bổ nhiệm lại năm 2014, đến nay ĐH Tôn Đức Thắng chưa thành lập được hội đồng trường theo luật mới.

Tổng LĐLĐ Việt Nam không bãi nhiệm, miễn nhiệm mà chỉ thực hiện thi hành kỷ luật theo quy định của pháp luật; ông Lê Vinh Danh bị cách chức.

"Việc xử lý vi phạm ở trường ĐH Tôn Đức Thắng thì các lãnh đạo Tổng Liên đoàn đã thực hiện công bằng, khác quan, chặt chẽ, thận trọng đánh giá công và tội nhằm phát triển và duy trì sự phát triển mạnh mẽ bền vững của trường trên cơ sở xin ý kiến các cơ quan chức năng", đại biểu Ngọ Duy Hiểu nêu rõ.

ĐBQH Ngọ Duy Hiểu tranh luận với đại biểu Lê Thanh Vân về trường ĐH Tôn Đức Thắng - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh, những năm qua Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tạo điều kiện tối đa để trường tự chủ nên đã đạt được những kết quả nổi bật, tuy nhiên tự chủ phải trên cơ sở tuân thủ pháp luật và trách nhiệm giải trình.

Trước đó (ngày 6/11), tranh luận lại với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và ghi nhận phần trả lời đầu tiên của Phó Thủ tướng về việc Tổng LĐLĐ Việt Nam cách chức hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng không dựa vào đề nghị của Hội đồng trường là sai, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, với việc Phó Thủ tướng giải thích do Hội đồng trường giải thể là "chưa đúng", "vì Liên đoàn Lao động có quyền kỷ luật viên chức do mình quản lý, còn chức danh hiệu trưởng trường ĐH Tôn Đức Thắng phải theo luật".

"Việc làm đúng của Tổng Liên đoàn Lao động chỉ có thể can thiệp vào viên chức thuộc quyền quản lý của mình. Còn chức danh hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng chưa có Hội đồng trường quyết định thì hiệu trưởng đó chưa bị bãi nhiệm, cách chức. Luật định là như vậy", đại biểu Lê Thanh Vân nói và đề nghị các cơ quan có đơn vị đại học trực thuộc tôn trọng, thi hành triệt để Luật Giáo dục Đại học với chủ trương tự chủ Đại học rất tiến bộ, vừa được Quốc hội thông qua.

Trong khuôn khổ phiên chất vấn, đại biểu Lê Thanh Vân đã xin có ý kiến, tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân – điều hành phiên chất vấn cho rằng đây là lần thứ ba đại biểu Lê Thanh Vân có ý kiến tranh luận, theo quy định chỉ có hai lần nên "dành quyền" chất vấn, tranh luận cho các đại biểu khác.

ĐBQH Ngọ Duy Hiểu tranh luận với đại biểu Lê Thanh Vân về trường ĐH Tôn Đức Thắng - Ảnh 3.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân.

Cũng liên quan đến câu chuyện của ĐH Tôn Đức Thắng, sáng 9/11, trong phiên chất vấn, đại biểu Dương Minh Ánh (Đoàn Hà Nội) đặt câu hỏi về quan điểm của Phó Thủ tướng Chính phủ thông qua qua câu chuyện của trường ĐH Tôn Đức Thắng. Cụ thể, nhiều ý kiến cử tri cho rằng nên bỏ Bộ chủ quản thì tự chủ ĐH mới có thể tiến tới thành công được như mong muốn.

Trả lời ĐB Dương Minh Ánh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, trong tự chủ đại học có 5 nguyên tắc chung trên toàn thế giới và 1 nguyên tắc riêng đối với Việt Nam cũng như một số nước có hoàn cảnh đặc thù.

5 nguyên tắc mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề cập đến là phải xây dựng mô hình quản trị tiên tiến để lan tỏa ra toàn xã hội, đảm bảo tính dân chủ, sáng tạo, khoa học; tự chủ gắn liền với trách nhiệm giải trình, mọi hoạt động của trường phải thực hiện pháp luật và quy chế công khai để xã hội giám sát chi tiết; nhà nước vẫn có đầu tư để đặt hàng lao động và xây dựng cơ sở vật chất; quản lý theo luật giáo dục và các luật khác; đảm bảo các đối tượng người nghèo, người khuyết tật... không hạn chế tiếp cận với đại học...

Điểm thứ 6, đối với Việt Nam và các nước có nền kinh tế chuyển đổi, khái niệm chủ sở hữu của các trường đại học cũng thay đổi. Vì đóng góp vào trường đại học không chỉ là tiền, nhà cửa, máy móc mà còn là của trí tuệ, học phí của người dân, và vì thế về lâu dài, khái niệm chủ sở hữu ở đây không đơn thuần là của một cơ quan nào mà là của toàn xã hội.

Từ 6 nguyên tắc này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, phải hiểu rõ để có áp dụng vào thực tế.

Trực tiếp liên quan tới câu hỏi "có nên bỏ cơ quan chủ quản không?", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho nêu rõ, thực tế trong luật pháp hiện không còn bộ cơ quan chủ quản mà chỉ có khái niệm cơ quan quản lý và chủ sở hữu.

Tuy nhiên, để tự chủ đại học đáp ứng được 6 nguyên tắc trên, theo Phó Thủ tướng cần phải sửa luật. Thực tế hiện còn các vấn đề tồn tại như vướng mắc trong thu và chi học phí; câu chuyện tuổi giữ chức của cán bộ, việc mở ngành đào tạo mới còn ràng buộc tỷ lệ giảng viên là tiến sĩ, giáo sư...

"Có hai điểm cần thực hiện để tự chủ đại học. Thứ nhất, tất cả các trường cần kiện toàn hội đồng trường với tư cách là cơ quan thực quyền, không phải mang tính hình thức.

Thứ hai, các trường phải xây dựng quy chế điều hành, tổ chức hoạt động tài chính nội bộ tỉ mỉ, chi tiết theo quy định của pháp luật và công khai toàn dân biết và giám sát", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý: "Trong quá trình chuyển đổi, có nhiều điểm chưa được quy định rõ, chưa có trong tiền lệ thì khi xử lý hết sức bình tĩnh và xu hướng phải ủng hộ theo tự chủ".

Quay trở lại câu chuyện của ĐH Tôn Đức Thắng,Phó Thủ tướng cho biết thêm, trưa nay, Chủ tịch Quốc hội có nói với ông, các ĐBQH có nói về trường ĐH Tôn Đức Thắng, khi phát biểu Phó thủ tướng nói thêm cho rõ.

"Tôi nghĩ không phải nói thêm nhiều. Trong phát biểu của tôi hôm trước đã rất cụ thể. Đây là việc không chỉ đơn giản liên quan đến một câu, một chữ, một từ, một điều mà là là quyết định có ý kiến khác nhau. Chúng tôi trao đổi với Bộ Tư pháp nhiều lần. Khi vấn đề chưa rõ ràng thì Chính phủ hết sức trách nhiệm, không hề lơ là nhưng phải rất cẩn trọng, đúng quy định.

Chính phủ, Thủ tướng lập một đoàn công tác có đại diện Bộ Tư pháp vào xem xét, phân tích, báo cáo. Sau báo cáo, chúng tôi họp lại, có cả đại diện Bộ Tư pháp và sẽ công khai, minh bạch cho toàn dân biết trên tinh thần Chính phủ rất công minh, ủng hộ tự chủ, tạo điều kiện ủng hộ cho trường phát triển", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem