Phú Bình (Thái Nguyên): Tràn lan xưởng chế biến lâm sản xây dựng trên đất nông nghiệp gây ô nhiễm môi trường
Phú Bình (Thái Nguyên): Tràn lan xưởng chế biến lâm sản xây dựng trên đất nông nghiệp gây ô nhiễm môi trường
Hà Thanh
Thứ năm, ngày 21/03/2024 06:00 AM (GMT+7)
Xã Tân Thành (huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) là một trong những địa phương tập trung nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực khai thác chế biến lâm sản quy mô lớn, nhưng hầu hết các cơ sở này đều xây dựng trái phép trên nông nghiệp và đất ở, gây ảnh hưởng đến môi trường.
Thời gian qua, PV Báo Dân Việt nhận được phản ánh của người dân xã Tân Thành, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên về vấn đề: Những năm gần đây, trên địa bàn xã xuất hiện tràn lan các xưởng sản xuất, chế biến gỗ trái phép có quy mô lớn ở các xóm như Cầu Muối, Đồng Bốn, Đồng Bầu… gây ảnh hưởng đến môi trường và đời sống của người dân địa phương.
Những ngày giữa tháng 3/2024, có mặt tại địa bàn này, ghi nhận của PV Dân Việt cho thấy, không khó để tìm ra những công trình sai phép lớn, nhỏ "mọc" lên trên đất nông nghiệp, đất ở.
Theo quan sát, lợi dụng phần diện tích được cấp, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Tân Thành đã xây dựng các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản quy mô trên những diện tích đất rừng sản xuất và đất ở nông thôn thôn nằm xen kẹp giữa khu dân cư rộng tới hàng trăm thậm chí hàng nghìn m2.
Việc tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất rừng sản xuất, đất ở nông thôn sang đất phục vụ sản xuất kinh doanh ở đây đã diễn ra từ nhiều năm trước và không chỉ dừng lại ở phạm vi hộ gia đình mà còn diễn ra ở cả các chủ thể doanh nghiệp.
Điển hình như cơ sở chế biến gỗ của Công ty Cổ phần và Thương mại Trọng Nguyên (Công ty Trọng Nguyên) có địa chỉ xóm Cầu Muối, xã Tân Thành, huyện Phú Bình. Trong bản cam kết bảo vệ môi trường đã được UBND huyện Phú Bình phê duyệt nêu rõ, phần diện tích đất đơn vị này đăng ký để xây dựng nhà xưởng, kho bãi là 450m2 trong đó có 100m2 đất ở nông thôn, còn lại là đất trồng cây lâu năm.
Thế nhưng từ năm 2013 đến nay, tổng diện tích mặt bằng sản xuất kinh doanh của công ty này tại đây đã tăng từ 450m2 lên thành 4.000m2, trong đó 400m2 đất ở còn lại là đất nông nghiệp.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Văn Nguyên – Giám đốc Công ty Trọng Nguyên cho rằng: "Đất của gia đình không có tranh chấp thì công ty sử dụng sang hoạt động sản xuất là điều bình thường. Từ khi hoạt động đến nay chính quyền địa phương cũng chưa lần nào đến làm việc với đơn vị".
Tương tự như Công ty Trọng Nguyên, cơ sở chế biến gỗ dăm của ông Nguyễn Văn Chiến tại xóm Đồng Bốn, xã Tân Thành đã đi vào hoạt động từ năm 2022. Ông Chiến cho biết, ông đã thuê khoảng hơn 2.000m2 đất trồng cây lâu năm của người dân trong xóm để làm xưởng. Từ khi đi vào hoạt động đến nay cơ sở sản xuất gỗ dăm của ông chưa một lần bị chính quyền địa phương xử lý.
Hệ lụy từ các xưởng gỗ
Qua tìm hiểu của PV Dân Việt, hiện nay trên địa bàn xã Tân Thành có khoảng 30 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh gỗ đang hoạt động, trong đó có nhiều xưởng nằm xen kẹp giữa khu dân cư. Do đó, trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh các xưởng này đã gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân, nhất là ô nhiễm tiếng ồn.
Đặc biệt, thời gian qua, các phương tiện xe cơ giới có trọng tải lớn ra vào khu vực các xưởng sản xuất, chế biến lâm nghiệp này để vận chuyển, bốc xếp hàng hoá cũng trở nên ngày một tấp nập hơn.
Đáng nói là trong quá trình vận chuyển hàng hoá, có rất nhiều lái xe đã không tuân thủ các quy định của luật an toàn giao thông đường bộ như: Chở quá khổ của thành thùng xe, thùng xe không che đậy làm rơi vãi hàng hoá gây bụi bẩn trong quá trình vận chuyển.
Điều này không những làm ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân mà còn tiềm ẩn nguy cơ cao về tai nạn giao thông cho người dân, với các cháu học sinh mỗi khi tan trường. Ngoài ra, việc vận chuyển hàng hoá quá trọng tải cho phép cũng có nguy cơ làm hỏng một số công trình cầu cống trên tuyến đường này... nhưng không được chính quyền địa phương giải quyết khiến nhiều người bức xúc.
Trò chuyện với PV, ông Hoàng Văn Việt (xóm Đồng Bầu, xã Tân Thành) bức xúc, nói: "Đường thì nhỏ, xe thì to, hàng hoá thì chở cồng kềnh, nhiều xe vào các khúc cua liếm hết cả phần chiều đường ngược lại rất nguy hiểm. Đường này làm sao đủ tiêu chuẩn để chịu được những xe có trọng tải lớn như thế".
Liên quan đến các nội dung nêu trên, ngày 14/3 trao đổi với PV Dân Việt, ông Vi Văn Sỹ - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên thừa nhận: "Hiện trên địa bàn xã có khoảng 30 cơ sở kinh doanh, sản xuất, chế biến lâm sản, các cơ sở này chủ yếu được xây dựng và hình thành trên đất rừng và đất trồng cây lâu năm chung thửa với đất ở. Tất cả đều chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật".
Cụ thể điều 57, Luật đất đai năm 2013 quy định: Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh chỉ được phép đầu tư xây dựng nhà xưởng trên đất kinh doanh dịch vụ và tuyệt nhiên không được xây dựng trên đất nông nghiệp đặc biệt là đất rừng. Nếu muốn xây dựng thì các chủ thể phải tiến hành thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất và phải được các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, nếu phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương thì tiến hành làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho công dân.
Bà Nguyễn Thị Hà, một người dân xã Tân Thành lo lắng: "Các xe chở cây cối, chở dăm, chở ván bóc họ để rơi vãi nhiều lắm, nhiều xe cao, to mà họ chở cứ để thò ra ngoài nhìn dài rất nguy hiểm".
"Do xã chưa có khu, cụm công nghiệp nên trong quá trình kiểm tra, rà soát phát hiện sai phạm của người dân trong việc sử dụng đất xã chủ yếu nhắc nhở là chính. Còn đối với các xe vận chuyển hàng hoá, nguyên vật liệu phục vụ cho các cơ sở sản xuất trên địa bàn, UBND xã giao cho công an xã thường xuyên tuần tra kiểm soát, kịp thời phát hiện nhắc nhở, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện để có các biện pháp xử lý đối với các phương tiện vi phạm", vị Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành nói thêm.
Việc các chủ thể tự ý xây dựng nhà xưởng trên đất nông nghiệp khi chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất như hiện nay trên địa bàn xã Tân Thành là hành vi xây dựng trái phép và bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 91/2019/ NĐ-CP. Tuy nhiên, khi phát hiện sai phạm của người dân trong việc tự ý xây dựng nhà xưởng trên đất nông nghiệp, chính quyền xã Tân Thành mới chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở.
Như vậy có thể thấy việc sử dụng đất không đúng mục đích của các cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn xã Tân Thành, Huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên diễn ra trong thời gian qua ngoài sự thiếu hiểu biết, nhận thức không đầy đủ về pháp luật của một số tổ chức, cá nhân còn có nguyên nhân do sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương. Việc làm này ảnh hưởng không chỉ với người dân và những cơ sở sản xuất kinh doanh nói trên, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả quản lý của nhà nước.
Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc trong những bản tin tiếp theo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.