Thủy Tiên và Công Vinh đến ngân hàng thực hiện sao kê. Clip: Dân Việt
Suốt gần 1 năm nay, câu chuyện từ thiện của vợ chồng ca sỹ Thủy Tiên – Công Vinh đang là chủ đề gây tranh cãi trên các diễn đàn mạng xã hội.
Thủy Tiên đã công bố hàng loạt giấy xác nhận hoạt động từ thiện ở các địa phương. Tuy nhiên dư luận cho rằng, các giấy xác nhận mà Thủy Tiên công bố không có giá trị pháp lý vì các địa phương không trực tiếp nhận tiền mà chỉ hỗ trợ lập danh sách nên sẽ không biết chính xác số tiền.
Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, các địa phương không trực tiếp nhận tiền nhưng lại ký giấy xác nhận cho Thủy Tiên liệu có thiếu trách nhiệm?
Trao đổi với Dân Việt, một số cán bộ địa phương cũng khẳng định không nhận tiền cũng không trực tiếp phát cho người dân, tất cả do Thủy Tiên thực hiện, địa phương chỉ hỗ trợ lập danh sách, sau đó ký giấy xác nhận.
Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, cần xem xét làm rõ các giấy xác nhận về việc giải ngân số tiền của Thủy Tiên.
Nếu người xác nhận không có thẩm quyền hoặc không trực tiếp chứng kiến việc trao tiền, không trực tiếp nhận số tiền thì các giấy chứng nhận, xác nhận đó cũng không có giá trị pháp lý, không phản ánh đúng sự việc.
Trong khi đó, luật sư Trương Quốc Hòe cho biết, giấy xác nhận được hiểu là việc cá nhân muốn thông qua cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xác nhận rằng cá nhân có hoặc không có tham gia một sự việc, hành vi đã xảy ra trên thực tế trong thời gian cá nhân sinh sống, lưu trú tại địa phương để chứng minh nhân thân trong sự việc, hành vi đó và chứng minh việc tham gia thực hiện là tuân thủ các quy định của pháp luật hoặc xác nhận lý lịch, thông tin cá nhân.
Sau khi nhận được đề nghị, địa phương sẽ kiểm tra, xác minh thông tin rồi cấp giấy xác nhận nếu đủ yêu cầu.
Tuy nhiên, quay lại sự việc của Thủy Tiên, luật sư Hòe cho rằng, những giấy xác nhận mà nữ ca sỹ này công bố không có giá trị, thậm chí việc các địa phương ký những giấy này kèm theo số tiền trong đó là không đúng.
Vị luật sư phân tích, các địa phương không trực tiếp nhận tiền từ thiện từ Thủy Tiên mà chỉ làm danh sách, chủ thể nhận tiền là người dân cũng không kí bất kì giấy tờ nào chứng minh việc đã nhận tiền, như vậy là sai nguyên tắc.
Thêm nữa, việc phát tiền cảm tính của nữ ca sỹ có thể làm số tiền thực tế chênh lệch so với số tiền trên giấy xác nhận.
Không nhận tiền, không trực tiếp phát tiền mà địa phương lại xác nhận số tiền dựa theo quan sát cảm tính là không khách quan và vô trách nhiệm.
Ở đây, đúng ra các địa phương chỉ nên xác nhận là đoàn của Thủy Tiên có đến địa phương làm chương trình từ thiện vào thời gian này, địa điểm này, số lượng người được phát là bao nhiêu.
"Tôi vận động được từ Công ty A 100 triệu cho một hộ dân làm nhà, tôi đến trao cho hộ dân kia nhưng không xin chữ ký xác nhận của họ, không chụp lại ảnh chứng minh thư, không lấy số điện thoại…
Sau đó lên xã xin một giấy xác nhận là tôi đã ủng hộ rồi về trình giấy đó để báo cáo cho Công ty A, chắc chắn người ta sẽ không bao giờ đồng ý vì không minh bạch" – luật sư Hòe lấy ví dụ.
Trong khi đó, ông Lưu Bình Nhưỡng, nguyên Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội, nguyên ĐBQH khóa XIV cho biết, các địa phương không được Thủy Tiên giao tiền mà lại xác nhận số tiền thực hiện từ thiện phát sinh vấn đề dư luận có thể nghi ngờ.
Bây giờ muốn làm rõ vấn đề này, chỉ có một cách đó là mời một cơ quan trung gian đứng ở giữa để cùng đến những chỗ mà người dân đã nhận tiền để xác nhận.
"Ví dụ người ta nhận 2 triệu đồng nhưng Thủy Tiên lại bảo họ nhận 5 triệu đồng, vậy bằng chứng đâu? Bây giờ cứ bảo khai báo tổng số tiền với địa phương rồi xác nhận, ai mà biết được.
Tôi không đứng về phía bên nào cả nhưng muốn đảm bảo cho tính minh bạch, công khai và để thuyết phục được mọi người, phải có bằng chứng, tốt nhất là để bên thứ 3 vào cuộc" - ông Nhưỡng nêu quan điểm.
Theo ông Nhưỡng, ông cũng đi làm từ thiện nhưng theo cách riêng của mình đó là dựa trên uy tín của cá nhân để vận động các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, các mạnh thường quân đóng góp hỗ trợ người nghèo.
Tuy nhiên, trong các hoạt động này, ông không trực tiếp cầm tiền mà các doanh nghiệp, nhà hảo tâm sẽ chuyển trực tiếp đến địa phương cần cứu trợ, sau đó sẽ rút tiền ra và có giấy hóa đơn, chứng từ, chữ ký, sự chứng kiến của các bên…, như vậy mới minh bạch.
"Nhìn lại các quy định đã đưa ra trong Nghị định 64, có thể thấy rõ việc cá nhân kêu gọi ủng hộ là không đúng pháp luật rồi, chưa bàn đến việc có trục lợi hay không. Lòng tốt nếu thiếu lý trí sẽ trở nên nguy hiểm" – ông Nhưỡng nêu quan điểm.
Về vấn đề sao kê, theo ông Nhưỡng, việc sao kê và nói là đã minh bạch là chưa đủ. Sao kê chỉ chứng minh số tiền vào tài khoản và số tiền được rút ra. Khi tiền đã ra khỏi ngân hàng rồi thì làm sao có thể kiểm soát được, nên muốn minh bạch phải cần nhiều thứ khác nữa.
Trong một số clip mà Thủy Tiên phát trực tiếp, có những nơi Thủy Tiên trao mì tôm, nước đóng chai, có những nơi lại trao cả tiền và mì tôm. Mì tôm cũng trao không đồng đều, trong cùng một khu vực nhưng có hộ phát một thùng, có hộ lại hai thùng. Trong một clip khác lại chia nhỏ thùng mì ra để phát.
Hay như ở clip mà Thủy Tiên phát trực tiếp trên trang cá nhân vào ngày 15/10/2020, như ở phút thứ 4, nữ ca sỹ ủng hộ một hộ dân 20 triệu đồng kèm một gói quà nhỏ, phút thứ 6, Thủy Tiên ủng hộ một hộ dân khác 5 triệu đồng kèm 3 thùng mì tôm, hai hộp sữa, một túi bánh mì.
Ở phút thứ 11, Thủy Tiên lại ủng hộ một người đàn ông 20 triệu kèm mì tôm, sau đó quay sang ủng hộ một người khác đứng cạnh 3 triệu đồng…Phút thứ 18 ủng hộ 5 triệu đồng kèm quà, phút thứ 22 lại ủng hộ một người khác 16,5 triệu đồng và không có quà…
Trong khi đó, như Dân Việt đã thông tin, trong giấy xác nhận của ông Đào Mạnh Hùng – Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị kí thì trong đợt lũ năm ngoái, nữ ca sỹ ủng hộ 2 huyện Hải Lăng và Thiệu Phong là gần 20.048 hộ với tổng số tiền khoảng 33,4 tỷ đồng.
Trao đổi với Dân Việt, ông Hùng cho biết, đoàn trực tiếp phát, hộ 1 triệu đồng, hộ 2 triệu đồng. Người có trong danh sách, người không có trong danh sách đều được đoàn quan tâm và phát luôn tại chỗ cho nên kiểm kê số tiền phát chính xác theo hộ rất khó.
Chính vì thế khi làm giấy xác nhận cho Thủy Tiên mới có từ "gần", "khoảng" vì địa phương không được kiểm đếm số tiền nên không biết chính xác cũng không trực tiếp phát mà chỉ hỗ trợ lập danh sách nên chỉ làm giấy xác nhận chung chung là đoàn có đến hỗ trợ 2 huyện.
Ông Hùng còn cho biết, cách hỗ trợ của Thủy Tiên có phần hơi cảm tính và ông đã góp ý ngay tại thời điểm đó nhưng không được. Thậm chí, đợt 1 vào tháng cuối 10/2020 Thủy Tiên đến nhưng không thông qua ai cả mà trực tiếp xuống địa bàn.