Thủy Tiên sẽ công bố sao kê, những ai nên tham gia chứng kiến?

Đình Việt Thứ năm, ngày 16/09/2021 13:14 PM (GMT+7)
Sau khi Thủy Tiên cho biết sẽ công bố sao kê vào ngày 17/9, dư luận đã có nhiều ý kiến trái chiều về thành phần tham dự công bố.
Bình luận 0

Hôm qua (15/9), trên trang Facebook cá nhân, Công Vinh vừa đăng tải tệp tài liệu thống kê các khoản chi trong chuyến đi từ thiện các tỉnh miền Trung vào cuối năm 2020.

Đồng thời cựu danh thủ thông báo vợ chồng anh sẽ trực tiếp đến ngân hàng sao kê. "Buổi livestream "Mang sao kê ra trước công chúng" trực tiếp tại Vietcombank vào lúc 14h00 ngày 17/09/2021, trên fanpage Thủy Tiên" - Công Vinh thông tin.

Vì sao Thủy Tiên bị phản ứng vì tuyên bố mời luật sư, báo chí làm chứng cho buổi công bố sao kê?  - Ảnh 1.

Đoạn thông báo của Thủy Tiên cho biết cô sẽ công bố sao kê vào ngày 17/9. Ảnh chụp màn hình.

Về phía Thủy Tiên, nữ ca sĩ cũng khẳng định ngày 17/9 tới sẽ trực tiếp ra ngân hàng lấy sao kê. "Buổi livestream trực tiếp tại ngân hàng VCB sẽ gồm có luật sư, báo chí, làm bên thứ 3 chứng kiến sự việc và công khai toàn bộ cho mạnh thường quân cả nước cùng theo dõi" – nữ ca sỹ viết.

Ngay sau thông tin vợ chồng Thủy Tiên mời luật sư, báo chí làm bên thứ 3 chứng kiến buổi công khai sao kê, nhiều người đã lập tức phản ứng và đặt ra hàng loạt câu hỏi, đa số cho rằng tại sao Thủy Tiên không mời đơn vị có chuyên môn về tài chính mà lại là hai đối tượng trên.

Anh Vũ Hoàng - một người làm trong ngành tài chính cho biết, có một số nguyên tắc cơ bản của sự minh bạch là: Không sử dụng tài khoản cá nhân để kêu gọi, vì sẽ bị lẫn lộn với các giao dịch cá nhân và còn liên quan tới thuế thu nhập. 

Hoặc phải lập quỹ theo đúng pháp luật, hoặc tạo một  tài khoản chỉ dùng để kêu gọi, sau khi ngừng kêu gọi thì đóng tài khoản ngay.

Thông báo chính xác thời gian đóng/mở tài khoản, từc là thời điểm bắt đầu và ngưng nhận hỗ trợ để thuận tiện cho Mạnh Thường Quân (MTQ); Công khai sao kê chi tiết biến động số dư, để MTQ có thể tự kiểm được giao dịch của mình và đảm bảo minh bạch dòng tiền; Công khai chi tiết báo cáo đầu ra, tức là tiền giải ngân như thế nào, phát cho ai, phát bao nhiêu, phát vào thời gian nào?

Công khai hóa đơn, chứng từ mua bán hàng hóa, vật phẩm liên quan tới hoạt động giải ngân tiền từ thiện, nhằm bảo đảm không có tình trạng khai khống, kê giá để ăn chênh lệch.

Từ đó, anh Vũ Hoàng cho rằng, nếu Thủy Tiên đã thực hiện rất cả những việc trên thì hãy công bố hết cho khán giả được biết, như vậy mới minh bạch của quá trình làm từ thiện. Còn việc mời báo chí hay luật sư chỉ đơn thuần là người chứng kiến buổi công bố.

"Sao kê là hình thức liệt kê lại lịch sử thanh toán của cá nhân hay tổ chức một cách chi tiết nhất trong các hoạt động như: chi tiêu, thanh toán nợ, ứng tiền mặt,… bao gồm luôn cả các giao dịch tín dụng ra và vào tài khoản. 

Cho dù có công bố sao kê thì Thủy Tiên cũng mới chứng minh được một phần, đó là thể hiện số tiền vào tài khoản và số tiền rút ra, còn từ lúc rút ra và chi tiêu thế nào cần phải có nhiều thủ tục khác nữa" – anh Hoàng nêu quan điểm.

Vì sao Thủy Tiên bị phản ứng vì tuyên bố mời luật sư, báo chí làm chứng cho buổi công bố sao kê?  - Ảnh 3.

Thủy Tiên từng bật khóc trên livestream, Công Vinh khẳng định sẽ sao kê sau khi bị nhiều người chỉ trích về vấn đề làm từ thiện. Ảnh chụp màn hình.

Từ những phân tích trên, anh này cho rằng thay vì mời báo chí, luật sư, Thủy Tiên hãy mời đơn vị kiểm toán, thậm chí là cơ quan công an vào cuộc để xác minh và sau đó công bố chi tiết cho dư luận.

Trao đổi với PV Dân Việt, chị H.Y, một kế toán trưởng có hơn 20 năm kinh nghiệm tại Hà Nội cho rằng, việc Thủy Tiên mời luật sư hay nhà báo chứng kiến buổi công bố sao kê là không thể hiện hết được sự minh bạch trong tài chính.

Bởi vì báo chí chỉ có chức năng đưa tin, phản ánh về buổi công bố chứ không kết luận vụ việc, kết luận đúng sai phải do cơ quan chức năng. Còn luật sư chỉ có thể kiểm chứng về giá trị pháp lý của sao kê tại thời điểm đó.

Với kinh nghiệm của mình, chị Y. cho rằng, vấn đề minh bạch tài chính phải do cơ quan kiểm toán thực hiện, khi kiểm toán vào cuộc tất cả các khoản thu, chi, kể cả phát tiền mặt cũng sẽ được làm rõ, như vậy mới khách quan và chính xác.

"Theo tôi để hóa giải những thắc mắc từ dư luận, giải pháp tốt nhất của Thủy Tiên bây giờ là mời một đơn vị kiểm toán vào cuộc, khi có kiểm toán tất cả mọi chuyện về tài chính sẽ rõ ràng, kể cả đó là những khoản chi tiền mặt, chỉ cần cung cấp thông tin, kiểm toán sẽ làm rõ được hết.

Thủy Tiên không làm gì khuất tất, vậy chẳng có gì mà ngại vấn đề này. Việc công bố sao kê cũng thế, không nên phát trực tiếp, rõ ràng nhất là đưa file dạng FDF để mạnh thường quân tiện theo dõi chi tiết" – chị Y. cho biết.

Còn luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, với số tiền lớn như vậy mà chỉ phát trực tiếp trên Facebook sẽ rất khó để có thể xác định được đầy đủ các thông tin về số tiền chuyển đến, chuyển đi, số tiền rút ra trong tài khoản.

Những người đã chuyển tiền cho nữ ca sỹ này cũng rất khó để có thể tìm thấy tên mình trong danh sách chuyển tiền. 

Hơn nữa, một số người lại không muốn đưa thông tin cá nhân mình lên mạng xã hội... Nên việc livestream có thể làm lộ bí mật thông tin cá nhân của một số người đã chuyển tiền từ thiện...

Đối với những người chứng kiến là luật sư, nhà báo cũng chỉ phần nào thể hiện tính khách quan bởi luật sư sẽ biết về giá trị pháp lý của sao kê và nhà báo có chức năng đưa tin về sự việc.

Tuy nhiên, những thông tin về sao kê tài khoản ngân hàng chỉ phản ánh phần nào nội dung về tài chính trong hoạt động từ thiện này, không thể giải đáp được hết những thắc mắc, nghi ngờ trong dư luận.

Theo luật sư Cường, để có kết luận sự việc có sai phạm hay không, số tiền có bị thất thoát hay không, chỉ có cơ quan chức năng như cơ quan thanh tra, cơ quan điều tra phối hợp với kiểm toán nhà nước, xác minh thông tin tại ngân hàng, các cơ quan tổ chức có liên quan, các địa phương đã nhận tiền từ thiện mới có thể kết luận một cách đúng đắn, có tính pháp lý.

Ngoài ra, theo vị luật sư, cũng cần xem xét làm rõ các giấy xác nhận về việc giải ngân số tiền đó. Nếu người xác nhận không có thẩm quyền hoặc không trực tiếp chứng kiến việc trao tiền, không trực tiếp nhận số tiền đó, các giấy chứng nhận xác nhận đó cũng không có giá trị pháp lý, không phản ánh đúng sự việc.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem