Dân Việt

Một giáo xứ ở Ninh Bình đã có 143 người hiến giác mạc thành công vì nghĩa cử cao đẹp

Nguyệt Minh 20/05/2022 07:00 GMT+7
Xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình có đến 87% dân số theo đạo Công Giáo. Nhờ lòng bác ái và sự quan tâm của chính quyền xã, phong trào hiến giác mạc vì mục đích giúp người ở nơi đây phát triển mạnh mẽ trong những năm qua.


Clip: Chia sẻ của những người tham gia hiến giác mạc chia sẻ về phong trào hiến giác mạc ở giáo xứ Cồn Thoi, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Clip Minh Nguyệt.

Ca hiến giác mạc đầu tiên tại giáo xứ Cồn Thoi

Truyền thống văn hóa và tín ngưỡng của con người Việt Nam cho rằng, cha mẹ đã cho mình một hình hài đầy đủ nên khi chết cũng phải giữ cho trọn vẹn hình hài đó. 

Cũng vì vậy, mà một số người dân quan niệm rằng việc lấy đi một bộ phận nào của người đã mất sẽ khiến thể xác của họ ở kiếp sau không trọn vẹn.

Tuy nhiên, tại giáo xứ Cồn Thoi (Ninh Bình), nhiều giáo dân lại nghĩ có quan điểm khác. Ngoài việc chấp hành tốt chủ trương đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, họ còn hướng đến làm việc thiện nguyện, đó là cùng nhau xây dựng phong trào hiến giác mạc khi họ đã về với nước Chúa.

Ninh Bình: Về nơi giáo xứ có nhiều người tham gia hiến giác mạc, ai nghe cũng thấy ấm lòng - Ảnh 1.

Danh sách ghi lại những giáo dân hiến giác mạc tại xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Ảnh Nguyệt Minh

Cồn Thoi là một vùng đất bãi bồi ven biển Kim Sơn, có đến 87% dân số ở đây là người Công Giáo. Cũng chính vì vậy mà họ tiếp thu, theo tư tưởng của đạo Thiên Chúa Giáo. Người Công Giáo quan niệm, khi mất đi, phần xác thịt sẽ biến mất, chỉ còn phần linh hồn là còn sống mãi.

Bà Nguyễn Thị Hoa (ở xã Cồn Thoi) là người đầu tiên mở đường cho phong trào hiến giác mạc tại xã Cồn Thoi. Bà Hoa mất năm 69 tuổi vì căn bệnh hiểm nghèo ở tuổi già.

Ông Mai Văn Vinh, con trai bà Hoa kể rằng, thời điểm mẹ ông còn sống, ông chơi thân với một người bạn ở Đắk Nông. 

Sau này, ông biết được vợ của người bạn bị bệnh về mắt. Nhiều lần vợ chồng ông bạn đưa nhau ra Bệnh viện mắt Trung ương (Hà Nội) thăm khám, điều trị nhưng các bác sĩ trả lời rằng vẫn phải đợi chưa thể mổ vì hiện chưa có người hiến giác mạc để thay thế.

Ninh Bình: Về nơi giáo xứ có nhiều người tham gia hiến giác mạc, ai nghe cũng thấy ấm lòng - Ảnh 2.

Ông Mai Văn Vinh, con trai bà Hoa chia sẻ với phóng viên Dân Việt về việc làm ý nghĩa của mẹ. Ảnh: Nguyệt Minh

Thế rồi sau một lần đi thăm khám đó, vợ chồng người bạn về nhà ông Vinh chơi, thăm gia đình. Trong cuộc trò chuyện, gia đình ông Vinh biết được vợ chồng người bạn đang đi tìm người hiến giác mạc.

"Ở thời điểm đó mẹ tôi đang bị ốm nặng, sau khi nghe câu chuyện của vợ chồng bạn, gia đình tôi đã bàn bạc và đi đến phương án hiến tặng giác mạc. Cũng thật may mắn, sau đó mẹ tôi đồng ý hiến giác mạc cho vợ người bạn của tôi sau khi mất", ông Vinh kể.

Đối với ông Vinh và gia đình khi ấy, việc mọi người đồng ý để mẹ hiến giác mạc không phải là một quyết định dễ dàng. Đặc biệt, với ông, khó khăn không nằm ở quan niệm "chết toàn thây", mà nằm ở chỗ mẹ ông là người đầu tiên hiến giác mạc ở giáo xứ Cồn Thoi.

"Lúc đó, nhiều người không hiểu đã đặt điều không hay khi nói về việc làm ý nghĩa của gia đình tôi. Đó là khoảng thời gian khó khăn của tôi và gia đình khi bị nhiều người bàn tán và soi mói", anh Vinh tâm sự.

Bà Hoàng Thị Giấy, một giáo dân ở xã Cồn Thoi vượt qua nỗi đau của "người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh" khi đồng ý cho con trai được hiến giác mạc sau khi mất. Bà là một người mẹ tần tảo sớm hôm nhưng lại nhận nhiều cay đắng, buồn tủi về cuộc đời.

Ninh Bình: Về nơi giáo xứ có nhiều người tham gia hiến giác mạc, ai nghe cũng thấy ấm lòng - Ảnh 3.

Bệnh viện mắt Trung ương ghi nhận nghĩa cử cao đẹp của ông Vũ Việt Hưng. Ảnh: Nguyệt Minh

Năm 2013, trong một lần đi làm về, anh Hưng con trai bà Giấy không may bị tai nạn giao thông phải nhập viện cấp cứu. Sau vụ tai nạn, chàng trai 21 tuổi bị thương nặng, anh bị liệt toàn thân, phải nhờ người thân chăm sóc. Suốt 6 năm ròng rã chăm con bị liệt, bà Giấy chưa từng một lần oán trách.

Năm 2019, con trai bà Giấy đã không thể vượt qua được bệnh tật, qua đời. Bà Giấy vượt qua nỗi đau của "người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh". Và rồi khi biết đến phong trào hiến giác mạc ở giáo xứ của mình bà đã tìm hiểu và đồng ý hiến giác mạc của con mình. 

Đối với bà Giấy, đây như là cách giúp con trai mình hoàn thành tâm nguyện có một cuộc sống ý nghĩa. Bà tâm sự: "Trước khi mất Hưng nó bảo với tôi rằng hãy hiến toàn bộ những gì còn tốt ở cơ thể nó, tuy nhiên, con tôi cũng đã bị bệnh từ lâu nên chỉ còn giác mạc là có thể hiến được. 

Cũng vì vậy, tôi đã đồng ý hiến giác mạc của con sau khi mất, với mong ước đem lại ánh sáng, đem lại một cuộc sống khỏe mạnh cho người khác. Sau này khi tôi mất đi, tôi cũng sẽ đăng kí hiến tặng giác mạc".

Ông Trần Văn Bình - một trong những cộng tác viên đầu tiên của phong trào hiến giác mạc, cũng là người có mặt tại ngày bà Hoa hiến giác mạc tâm sự thêm: "Nhiều người không hiểu, họ tưởng việc này là trái với đạo đức.

Tuy nhiên, sau đó, vượt qua những khó khăn và lời đàm tiếu, việc làm của gia đình bà Hoa đã được xã hội công nhận và ủng hộ. Giác mạc của bà Hoa đã được ghép thành công và mang lại ánh sáng cho người cần nó".

Giáo xứ có nhiều người hiến giác mạc nhất cả nước

Ông Trần Văn Bình, cựu phó trương giáo xứ Cồn Thoi là người đồng hành, phát động phong trào hiến giác mạc từ những ngày đầu tiên.

Ninh Bình: Về nơi giáo xứ có nhiều người tham gia hiến giác mạc, ai nghe cũng thấy ấm lòng - Ảnh 5.

Ông Trần Văn Bình - cựu Phó trương giáo xứ Cồn Thoi, (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) là người đồng hành cùng chương trình hiến giác mạc từ những ngày đầu tiên. Ảnh: Nguyệt Minh

Công việc của ông Bình là cùng những cộng tác viên khác đến thăm hỏi, động viên những người bị bệnh và thuyết phục, giải thích cho họ hiểu việc hiến giác mạc là một nghĩa cử cao đẹp, đồng thời trấn an họ để họ không sợ, yên tâm.

Ông Bình cho hay, từ khi có người đầu tiên hiến giác mạc, mọi người đã có cái nhìn cởi mở hơn. Tuy nhiên, hiện nay vẫn có một số trường hợp mặc dù bố mẹ đồng ý hiến giác mạc nhưng sau khi bố, mẹ của họ mất lại không đồng ý hiến giác mạc nữa vì quá thương bố mẹ.

"Thời gian đầu khi hoạt động, chúng tôi cũng gặp một số khó khăn trong công tác triển khai, rồi đến tư tưởng của mọi người chưa thông suốt. Tuy nhiên, hiện nay mọi người đã hiểu, ủng hộ và hiện đã có hơn 100 ca hiến giác mạc thành công", ông Bình chia sẻ.

Ông Nguyễn Minh Lý, nguyên Chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã Cồn Thoi cho biết thêm, ông đã tham gia chương trình hiến giác mạc tại xã từ năm 2015. Thời gian đầu các bệnh viện công khai thông tin về người được nhận giác mạc và người hiến với nhau. Sau đó, cũng có những gia đình nhận được giác mạc từ người hiến đã quay lại cảm ơn bằng vật chất, thậm chí có gia đình còn nhận người được nhận giác mạc làm con cháu trong gia đình.

Ninh Bình: Về nơi giáo xứ có nhiều người tham gia hiến giác mạc, ai nghe cũng thấy ấm lòng - Ảnh 6.

Đến nay, xã đã có 143 người hiến giác mạc thành công ở xã Cồn Thoi. Ảnh: Nguyệt Minh

Tuy nhiên, sau đó gia đình người hiến giác mạc và chúng tôi đã đề nghị giữ kín thông tin của người hiến và người nhận để tránh gây ra hiểu lầm, đảm bảo không làm mất đi ý nghĩa nhân văn của việc hiến giác mạc.

Suốt 14 năm cố gắng và nỗ lực từ các vị ban ngành Công Giáo cùng Hội chữ thập đỏ của xã Cồn Thoi, đến nay phong trào hiến giác mạc đã được phổ biến rộng trong cộng đồng giáo dân của xã Cồn Thoi.

Theo ông Lý, đến nay, xã đã có 143 người hiến giác mạc thành công. Hiện tại, phong trào hiến giác mạc ở giáo dân xã Cồn Thoi phát triển mạnh, thậm chí đã thay đổi được nhận thức của cả những người ngoại đạo, họ tự nguyện hiến giác mạc cho những người dân cần. Họ coi việc làm đó như một nghĩa cử cao đẹp, giúp người nhận có thể thay đổi cuộc sống.