Ông Ngô Sách Thực đã cùng các thành viên trong đoàn dâng hương viếng Thiền sư Thích Nhất Hạnh và viết vào sổ tang. Trong sổ tang, ông Ngô Sách Thực viết: "Thay mặt Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, tôi gửi tới cộng đồng Phật giáo trong và ngoài nước cùng môn đồ, pháp quyến, thân quyến của Ngài lời chia buồn sâu sắc".
Theo ông Ngô Sách Thực, Thiền sư Thích Nhất Hạnh là vị cao tăng uyên thâm Phật học, đã nhiều năm bôn ba truyền bá giáo pháp của đức Phật cùng văn hóa dân tộc Việt Nam ra thế giới. Thiền sư viên tịch là tổn thất của cộng đồng Phật giáo.
"Với dấu chân thiền tiếp hiện "chánh niệm, tỉnh thức" và tinh thần "Phật giáo dấn thân" nơi trần thế, Ngài đã được nhiều người suy tôn là nhà nghiên cứu, nhà tư tưởng thiền học và duy thức luận. Tỉnh thức trong hơi thở, ước nguyện của Ngài đã được thực hiện về neo đậu ở bến quê, nơi quê hương, đất nước mình. Với tất cả sự trân trọng sâu sắc, kính mong giác linh Thiền sư sớm cao đăng Phật quốc và những ý tưởng tích cực của Ngài về tình yêu quê hương, đất nước, con người; về sự đoàn kết, hòa hợp, hoà bình sẽ còn mãi nơi thế gian", Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQVN viết.
Tang lễ Thiền sư Thích Nhất Hạnh kéo dài 7 ngày theo hình thức của một khóa tu im lặng. Suốt thời gian này, người đến thăm viếng cùng thực tập tâm chánh niệm, cúng dường để cho toàn bộ lễ Tâm tang được diễn ra trong sự trang nghiêm, thanh tịnh, tĩnh lặng và nhẹ nhàng. Lễ Trà tỳ (hỏa thiêu) được tổ chức lúc 7h ngày 29/1.
Sau những năm tháng an dưỡng tại Tổ đình Từ Hiếu, Thiền sư Thích Nhất Hạnh, Niên Trưởng Trú trì Tổ đình Từ Hiếu đã viên tịch tại Tổ đình vào lúc 0h ngày 22/1 (nhằm ngày 20 tháng Chạp năm Tân Sửu). Tổ đình Từ Hiếu là nơi Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã xuất gia cách đây tám mươi năm.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh sinh năm 1926, xuất gia tu học tại chùa Từ Hiếu, người thành lập Đạo tràng Mai Thôn tại Pháp và nhiều trung tâm tu học khác tại Mỹ, Đức, Hồng Kông, Thái Lan. Sau hơn 40 năm kể từ khi rời Việt Nam, Thiền sư trở về quê nhà hoằng pháp lần đầu tiên vào năm 2005 và sau đó là vào năm 2007, 2008…
Năm 2017, Thiền sư Thích Nhất Hạnh từ Thái Lan về Việt Nam, trở về Tổ đình Từ Hiếu tịnh dưỡng.
Trong cuốn sách Thế giới Phật giáo (The Buddhist World) của GS.TS Phật học John Powers (một học giả Phật học người Úc) do Nhà xuất bản Routledge Worlds, đã chọn Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một trong 13 vị thầy đã góp phần vào sự hình thành và phát triển của đạo Phật (Bụt) trên toàn thế giới trong suốt quá trình 2.500 năm lịch sử của Phật giáo và Thiền sư Thích Nhất Hạnh ở vị trí thứ 10.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh – Sư ông Làng Mai có công hạnh hoằng hóa rộng rãi và ảnh hưởng sâu dày trên khắp thế giới. Thiền sư đồng thời là một nhà văn hóa, một nhà văn, một nhà thơ, một học giả, một sử gia và một nhà hoạt động hòa bình.
Thiền sư được biết đến qua những buổi thuyết giảng công cộng cho cả hàng chục ngàn người và hơn 120 tác phẩm xuất bản giá trị. Thiền sư đã mở ra hướng đi và phát triển những pháp môn thực tập với nhiều khoá tu dành cho các nhà giáo dục, thanh thiếu niên, nghệ sĩ, doanh nhân, các nhà lãnh đạo, y bác sĩ…