Dân Việt

Bộ trưởng Bộ Tài chính: "Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho dân, doanh nghiệp chưa được ngăn chặn triệt để"

An Linh 23/05/2023 11:50 GMT+7
Thừa uỷ quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2022.


Thừa uỷ quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2022, trong đó nêu nhiều vấn đề còn tồn tại trong xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ công chức, viên chức.

Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho dân, doanh nghiệp chưa được ngăn chặn triệt để! - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc (Ảnh: Q.H)

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết: Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn triệt để; công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan có lúc, có nơi còn rời rạc, thiếu gắn kết, chưa kịp thời, chất lượng chưa cao.

"Xuất hiện tình trạng một bộ phận nhỏ cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển việc, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Chính phủ, việc xử lý những vấn đề phát sinh khi sắp xếp, tổ chức bộ máy còn có mặt hạn chế; thực hiện tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở xã, thôn, tổ dân phố chưa phù hợp với thực tiễn.

Bên cạnh đó, việc rà soát, đồng bộ kết quả giải quyết hồ sơ TTHC lên Cổng dịch vụ công quốc gia ở một số nơi chưa kịp thời; tình trạng trễ hẹn trong giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ vẫn còn xảy ra ở các cấp hành chính, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: Đất đai, xây dựng, lao động - thương binh và xã hội...

Với những tồn tại hạn chế trên, báo cáo của Chính phủ yêu cầu các cấp, ngành và địa phương cần siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính và kiểm soát quyền lực, xử lý nghiêm minh, kịp thời và kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy nhà nước cán bộ, công chức, viên chức có sai phạm hoặc không hoàn thành nhiệm vụ.

Theo kết quả xử phạt vi phạm công chức, viên chức từ năm 2020 đến tháng 6/2022, đã rà soát xử lý gần 100.000 trường hợp, trong đó thu hồi quyết định tuyển dụng trên 1.200 trường hợp). 

Cũng liên quan đến bộ máy công chức, viên chức, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành các Nghị quyết sửa đổi, bổ sung về tiêu chuẩn đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; trình Bộ Chính trị Đề án sắp xếp đơn vị hành chính các cấp giai đoạn 2022 - 2026, định hướng đến năm 2030.

Bộ Chính trị đã thống nhất chủ trương giao biên chế giai đoạn 2022 - 2026 của cả hệ thống chính trị, theo đó, đến năm 2026 thực hiện giảm 5% biên chế công chức, 10% biên chế viên chức hưởng lương từ NSNN. 

Đồng thời, bổ sung 65.980 biên chế viên chức giáo dục cho cả giai đoạn 2022 - 2026, trong đó, năm học 2022 - 2023 đã giao 27.850 biên chế viên chức giáo dục. 

Tinh giản biên chế, đến nay, cả nước giảm 79.057 người (chiếm tỷ lệ 29,96% so với số biên chế công chức, viên chức giảm giai đoạn 2016 - 2021); trong đó, các bộ, ngành là 5.510 người và địa phương là 73.547 người.