Quận Hà Đông trước đây là thị xã Hà Đông của tỉnh Hà Tây (cũ), được nâng cấp lên Thành phố Hà Đông vào ngày 27 tháng 12 năm 2006. Gần 2 năm sau, thành phố này sáp nhập về Thủ đô Hà Nội và chỉ còn là một quận.
Trước đây, phố Tô Hiệu (quận Hà Đông) là một trong những phố trung tâm, nhiều cơ quan, trụ sở nhà nước nằm trên con phố này. Kể từ ngày sáp nhập, nhiều trụ sở, cơ quan nhà nước theo đó nằm hoang hóa suốt nhiều năm trời.
Đầu phố Tô Hiệu, tòa nhà số 30 trước đây thuộc Viện kiểm sát nhân dân Tối cao để hoang hóa nhiều năm, hiện đang có những dấu hiệu xuống cấp, màu sơn nhạt nhòa, tường vữa bong tróc.
Một người dân sống trên phố Tô Hiệu cho hay: "Suốt nhiều năm qua, căn nhà 3 tầng này luôn trong cảnh cửa đóng then cài. Tôi không thấy có người đến làm việc, màu sơn của căn nhà cũng vì thế mà nhạt dần đi, cây cối, cỏ dại mọc bên trong".
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện không gian phía dưới sảnh tầng 1, nhà bảo vệ của trụ sở này đang được tận dụng làm quán bán hàng, sửa chữa quạt, xe máy.
Ngay bên cạnh đó là căn nhà 3 tầng khác ở số 32 đường Tô Hiệu cũng chung cảnh ngộ. Đây là trụ sở của Đài phát thanh và truyền hình Hà Tây (cũ). Hiện tại, trụ sở 3 tầng khá khang trang này không được sử dụng, không có hoạt động và bị bỏ hoang. Phía ngoài cửa khóa im ỉm, không có người trông coi, bảo vệ.
Cách đó không xa, Cục Thống kê TP Hà Nội cơ sở II nằm trên đường Tô Hiệu hiện tại cũng không được sử dụng và phía trong trụ sở trở thành nơi sửa, rửa xe. Các ki ốt mặt tiền cũng ở tình cảnh khóa cửa im ỉm và cơ sở vật chất của đơn vị này cũng đang có dấu hiệu xuống cấp.
Trước của các ki ốt, người dân chiếm dụng để làm nơi kinh doanh trà đá, nước giải khát hàng ngày. "Có lẽ đây là con phố có nhiều trụ sở bỏ hoang nhất Hà Nội. Không hiểu sao những trụ sở này không được tận dụng để làm vào việc gì khác, hoặc thanh lý, toàn nằm trên đất vàng của Thủ Đô mà bỏ hoang, lãng phí", một người dân khác lên tiếng.
Mới đây, UBND TP Hà Nội đã có báo cáo gửi HĐND TP Hà Nội trả lời kiến nghị, phản ánh của cử tri về nội dung này. Theo đó, UBND TP Hà Nội cho biết căn cứ vào quy định của Chính phủ về sắp xếp, xử lý tài sản công, từ năm 2018 đến nay thành phố ít nhất đã có 5 văn bản chỉ đạo xử lý về việc này. "TP đã phân công các cơ quan đơn vị thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của TP đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả tránh lãng phí" – báo cáo của UBND TP Hà Nội nêu.
Cụ thể, UBND TP Hà Nội cho hay tính đến ngày 31/12/2023, tổng số cơ sở nhà, đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị của TP quản lý, sử dụng thuộc phạm vi sắp xếp lại, xử lý nhà, đất là 6.764 cơ sở. Trong đó, khối sở, ban ngành là 1.202 cơ sở; khối quận, huyện, thị xã là 4.520 cơ sở; khối doanh nghiệp nhà nước là 1.042 cơ sở.
"Hiện số cơ sở nhà, đất đã được phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý là 6.018 cơ sở (chiếm tỉ lệ khoảng 90%), còn lại 746 cơ sở đang tiếp tục giải quyết" – báo cáo của UBND TP Hà Nội chỉ rõ.
Vào tháng 7-2023, TP đã ban hành riêng một kế hoạch để đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc phạm vi quản lý của TP. Trong đó xác định rõ thời gian thực hiện và trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan.
"Phấn đấu hoàn thành phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý 100% cơ sở nhà, đất thuộc phạm vi quản lý của thành phố trong năm 2025 với nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm" – báo cáo của UBND TP Hà Nội nhấn mạnh.
Ngày (1/8/2008) là một dấu mốc quan trọng của Thủ đô Hà Nội. Toàn bộ diện tích tự nhiên của tỉnh Hà Tây (cũ), huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã của huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) chính thức sáp nhập vào Hà Nội.