Dân Việt

Bình Dương: 10 năm nông thôn mới đạt kết quả to lớn, không thể ngờ

Trần Đáng 08/12/2019 18:50 GMT+7
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đã chỉ đạo như vậy tại Hội nghị 10 năm xây dựng Nông thôn mới tại Bình Dương, tổ chức mới đây.

Theo ông Nam, hiện nay tại một số tỉnh, thành, việc xây dựng nông thôn mới (NTM) do bám sát nội dung tiêu chí và thiếu linh hoạt đã cứng hóa đường làng ngõ xóm, biến nông thông thành đô thị, làm mất bản sắc nông thôn.

img

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết 10 năm NTM Bình Dương.

Tại hội nghị, ông Nam cho rằng, nếu Bình Dương xây dựng NTM gắn với quá trình đô thị hóa - công nghiệp hóa cần nhắm đến 2 mục tiêu: Nếu vùng nào dự kiến lên đô thị thì phải có kế hoạch lên hẳn đô thị chứ không làm NTM rồi làm đô thị sẽ rất lãng phí. Và nếu đô thị hóa nông thôn thì phải có kế hoạch giữ gìn bản sắc nông thôn chứ không bê tông hóa trắng.

Theo ông Trần Thanh Liêm - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, những năm qua, Bình Dương có tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa, tăng dân số cơ học rất nhanh.  

Điều này dẫn đến, một số tiêu chí trong xây dựng NTM thiếu tính bền vững, như: nước sạch, y tế, giáo dục… Việc triển khai tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM chưa hiệu quả khiến còn một bộ phận nông dân có thu nhập còn thấp…

“Những năm qua, Bình Dương đã chủ động xây dựng NTM gắn với tiêu chí đô thị. Khu vực nông thôn đang được xây dựng hài hòa với phát triển đô thị hóa, công nghiệp hóa”, ông Liêm bộc bạch.

Cũng tại hội nghị, ông Đoàn Minh Chiến - Chủ trang trại Đoàn Minh Chiến chia sẻ, sau 10 năm cả hệ thống chính trị và người dân nỗ lực xây dựng NTM, tỉnh Bình Dương “đã đạt những thành quả to lớn, không thể ngờ”.

“Hiện, diện mạo nông thôn Bình Dương rất sáng sủa. Những thành quả này đã giải quyết rất nhiều cho đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn”, ông Chiến quả quyết.

Góp phần cùng làm NTM trên địa bàn, trang trại của ông, không chỉ tổ chức thu mua, tạo đầu ra cho nông sản của bà con nông dân, mà còn với bà con nông thôn góp tiền, góp sức nhựa hóa 8km đường nông thôn.

img

Lãnh đạo Trung ương và địa phương thăm gian hàng đặc sản trái cây của tỉnh Bình Dương.

Theo ông Mai Hùng Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, đến nay 100% xã của tỉnh Bình Dương đã đạt chuẩn NTM, 3/7 đơn vị cấp huyện, thị xã đạt chuẩn NTM, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Cụ thể, về tiêu chí Giao thông: 100% tuyến đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện được nhựa hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm; 100% tuyến đường trục ấp và đường liên ấp được được nhựa hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm…

Với tiêu chí Điện: toàn tỉnh đã triển khai công tác xóa điện kế nông thôn đến nay không còn điện kế tổng, điện kế cụm. Nguồn cung cấp điện cho các xã chủ yếu là lưới điện quốc gia được đầu tư đảm bảo theo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện, đang vận hành và phát huy tác dụng tốt phục vụ sinh hoạt và nhu cầu sản xuất cho nhân dân. Tỷ lệ hộ dân sử dụng điện tại khu vực nông thôn đạt 99,98%.

Về tiêu chí Trường học: đến nay trên địa bàn các xã có 178 trường các cấp. 100% trường học có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia, có  117/178 trường đạt chuẩn Quốc gia.

Về tiêu chí Tổ chức sản xuất: hiện trên địa bàn tỉnh đã thành lập 152 HTX, trong đó có 72 HTX nằm trên địa bàn 46 xã xây dựng NTM với 55.494 thành viên.

Về tiêu chí Thu nhập: Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2018 đạt 58 triệu đồng/người/năm. 100% xã đạt tiêu chí về thu nhập. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều mới của tỉnh đến cuối năm 2018 còn 1,62%.

Riêng về tiêu chí Môi trường: Tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,9%, tỷ lệ sử dụng nước sạch ở nông thôn đạt 73%. 100% cơ sở sản xuất - kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường.

Hiện, Bình Dương là lá cờ đầu của cả nước trong xây dựng NTM. Bình Dương là 1 trong 8 tỉnh, thành đã hoàn thành chương trình NTM quốc gia.

img

Sau 10 năm làm NTM, diện mạo nông thôn tỉnh Bình Dương “rất sáng sủa”.

Theo ông Nam, thời gian tới, Chương trình xây dựng NTM quốc gia sẽ có bộ tiêu chí mới để phù hợp với tình hình mới.

“Trung ương sẽ giao cho các tỉnh chủ động một số tiêu chí, nhưng một số tiêu chí cơ bản Trung ương sẽ không giao, như tiêu chí Thu nhập”, ông Nam chia sẻ.