Khoảng hơn 10 ngày nay, người dân Việt Nam cũng như khắp nơi trên thế giới đang rất lo lắng với dịch viêm phổi cấp do Virus Corona gây ra. Ở Việt Nam hiện đã có 3 ca dương tính với Corona và có rất nhiều trường hợp đang phải cách ly để theo dõi.
Ăn uống chung cũng là nguyên nhân khiến nhiều người lây bệnh cho nhau (Ảnh minh họa)
Virus Corona lây qua tiếp xúc nước bọt của người nhiễm và thời gian ủ bệnh lên đến hai tuần nên Tổ chức Y tế thế giới Who và Bộ Y tế cũng đã ra khuyến cáo mới nhất về việc ngăn chặn virus Corona như: Tránh đi lại, du lịch khi đang có sốt, ho; Tránh tiếp xúc với người sốt, ho và thường xuyên rửa tay thật sạch bằng xà phòng; Khi ho, hắt hơi hãy che kín miệng và mũi bằng khăn giấy hoặc tay áo; Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng; Đeo khẩu trang tới chỗ đông người hoặc khi tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh...
Thật ra những khuyến cáo này đều đã được cho là nếp ý thức của người dân khi xuất hiện nơi công cộng như ở các nước Nhật, Hàn... Thế nhưng ở Việt Nam thì sao?
Khi tham gia giao thông, bạn sẽ thường xuyên chứng kiến cảnh tượng gai mắt là khạc nhổ vô ý thức ngay trên phố. Không kể già trẻ, lớn bé, trai gái... hễ cứ thấy ngứa cổ, rát họng là họ khạc lấy khạc để, dù đi bộ hay đi xe đạp, ô tô hay xe máy. Và nếu không cẩn thận, chính bạn lại dính "đạn lạc" từ những con người "tự nhiên như thiên nhiên" đó.
Khi vào thang máy khu chung cư để chuẩn bị đi làm hay thang máy tòa nhà cơ quan, bạn sẽ phải đối mặt với sự chen chúc của những cư dân cũng đang vội vã. Và thật lạ, đấy cũng chính là nơi lan truyền vi khuẩn một cách nhanh nhất, tích cực nhất khi có rất nhiều người không đeo khẩu trang, dù họ ho hay cúm, dù răng miệng thơm tho hay có mùi khó chịu,... Có những người nhận ra nhau, họ thi nhau nói như cả năm chưa được gặp lại nhau, rồi những tiếng cười đùa hô hố đó khiến nước bọt bắn tung tóe vào mặt những người đứng cạnh. Thật không duyên dáng chút nào!
Khi bạn bè rủ nhau liên hoan, nhậu nhẹt, bạn lại sẽ phải đối mặt với hàng tá con vi khuẩn từ miệng người này đến người khác. Những chiếc cốc của khách trước vừa uống xong, chủ quán chỉ hắt vội đồ uống cũ ra đường, ai cẩn thận hơn sẽ nhúng cho bạn một lần nước lã, rồi những chiếc cốc đó, sẽ được rót trà rót nước, rót bia nước ngọt cho bạn thưởng thức. Và bạn nghĩ xem, những người kia, nếu ai đó đang cúm, các bệnh dễ lây lan do vi rút... thì chính bạn, chỉ có bạn là người nhận hậu quả sớm nhất.
Mới đây thôi, một cô gái lên mạng thở than vì đi ăn cỗ, người đàn ông lớn tuổi tay rất bẩn vẫn bốc thịt gà bỏ vào bát mời cô. Rồi sau đó, ông lại lấy đôi đũa vừa gắp thức ăn vào miệng mút lấy mút để gắp thức ăn cho cô... khiến cô cảm giác sợ hãi, bẩn thỉu và bỏ ngay bữa cỗ về nhà... thì đã có rất nhiều bình luận trái chiều, thậm chí mắng nhiếc cô. Có người còn ác miệng cho rằng: "Cô nên về hành tinh của cô mà sống"; "Người ta quý người ta mới gắp cho". thậm chí, có người còn vào Facebook cá nhân của cô lấy ảnh cô bình luận rằng, nhan sắc đã không ưa nhìn lại còn xấu tính.
Tôi thấy kỳ lạ thay, đó là phản ứng rất bình thường của một cô gái trước hành động không được văn minh của một người lớn tuổi (dù biết rằng họ có ý tốt, muốn gắp mời cô ăn) nhưng lại phải nhận "gạch đá" nhiều như thế! Tại sao lại vậy?
Có thể đó được cho là một "nét văn hóa truyền thống" của người Việt, đó là trong khi ăn uống, có quý trọng người ta mới gắp những miếng ngon mời người cùng mâm. Nhưng cái quan trọng nhất là cách "hành xử". Vậy phải "hành xử" như thế nào vừa giữ được nét văn hóa lại chứng tỏ mình là người văn minh?
Đó là khi gắp thức ăn cho người khác, phải biết được người ta có muốn ăn món đó không? Và khi gắp, cũng phải trở đầu đũa sạch để gắp mời thức ăn một cách lịch sự nhất, chứ không phải dùng phần đũa mình vừa gắp, mút thức ăn xong để gắp mời người khác bởi khi đó, dù miếng ăn đó ngon thế nào, người được mời cũng cảm thấy kinh tởm bởi hàng tá con vi khuẩn từ người mời sẽ được đưa vào bát người được mời.
Chả nói gì đâu xa, cơ quan tôi có một nhóm chị em chơi với nhau. Có một bà chị bị HP dạ dày nhưng tính tình lại vô tư quá. Hễ đang ăn trưa với nhau, thấy đồ ăn đồng nghiệp có gì ngon cũng mó đũa vào gắp "cho chị xin miếng". Và cứ ngày qua ngày, xin thử hết người này đến người khác, bằng chính đôi đũa chị vừa ăn vừa mút đó... thì hai tháng sau, cơ quan có lịch đi kiểm tra sức khỏe, các chị em còn lại cũng đi xét nghiệm và phát hiện, tất cả những người thường ăn trưa cùng chị đều bị nhiễm HP dạ dày.
Tôi từng có một người bạn rất thân, thân đến nỗi đi đâu cũng có nhau, có món gì ngon cũng chia sẻ, đồ gì đẹp cũng nghĩ cho bạn đầu tiên, tuy nhiên, tôi vẫn không thể nào mê được "nết ăn uống" của bạn.
Một hôm bạn bảo mệt như bị cúm nhưng muốn rủ tôi đi ăn để tâm sự. Ok, tôi chả ngại ngần gì vì đó là bạn, lại là bạn rất thân. Hôm đó, chúng tôi đi ăn bò tơ, cả hai chấm chung một bát tương bần. Kỳ lạ thay, gần 40 tuổi, bạn vẫn giữ thói quen xấu như cũ.
Bạn vốn quê miền biển nên thích ăn mặn, sau khi chấm bò ăn xong, bạn lại mút đũa mấy phát cho hết vị đậm đà của tương, rồi tiếp theo, bạn lại lấy chính đôi đũa đó khều vào bát nước chấm, huých được một ít tương nơi đầu đũa và bỏ vội vào miệng mút tiếp. Bạn cứ lặp đi lặp lại hành động đó rất nhiều lần từ đầu đến cuối bữa ăn khiến tôi thực sự choáng.
Và sau hôm đó, tôi bị cúm, rồi cũng lây cúm sang cho con gái bé bỏng của mình. Kết quả, tôi nghỉ việc, con tôi nghỉ học, hai mẹ con ở nhà chăm nhau... chỉ vì những con virus được truyền từ đôi đũa của bạn mình sang.
Một đứa em của tôi là tiếp viên hàng không. Khi đang đứng hướng dẫn khách thì một chị khách cứ vô tư nói chuyện, hắt xì, ho hắng cứ phả thẳng vào mặt em tôi. Và nhanh như gió, chỉ bay từ Hà Nội tới Sài Gòn, em tôi nằm bẹp giường vì bị cúm được lây từ vị khách duyên dáng cùng chuyến bay đó. Kết quả, em tôi phải hủy mấy chuyến bay của mình, vừa phải tự chăm sóc bản thân sau gần 1 tuần bị cúm, vừa phải gửi con nhỏ cho ông bà nội chăm sóc.
Chỉ mấy trường hợp nho nhỏ này thôi mới thấy được, sự "vô tư" quá mức của một số người đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, lịch sinh hoạt của những người xung quanh. Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của cá nhân mỗi người giao tiếp, mà còn ảnh hưởng đến sinh hoạt gia đình, công việc, sức khỏe của các thành viên trong gia đình họ.
Thế nên, khi ra nơi công cộng, đặc biệt là những nơi chật hẹp như thang máy, mọi người nên đeo khẩu trang như một thói quen, để khi lỡ ho hắng, ngáp hay nói chuyện, cũng hạn chế được vi khuẩn bay sang cho người khác. Cũng như khi đi ăn uống chung, mọi người hãy tập cho mình thói quen ăn uống lành mạnh, không tự ý gắp thức ăn cho người khác bằng đầu đũa mình đã dùng, không nên lấy đũa đã dùng để đảo thức ăn chung hay vô tư quá mức "rửa đũa" trong bát nước chấm... Chỉ cần thay đổi một ít thói quen trong sinh hoạt, ăn uống thôi, chính bạn đã tự bảo vệ sức khỏe cho chính mình và cho cả những người xung quanh.
Chiếc khẩu trang y tế đã trở thành vật bất ly thân với nhiều người để phòng chống virus Corona.