Dân Việt

Vì sao ông Đinh La Thăng được đề nghị áp dụng tình tiết giảm nhẹ?

PVCT 16/02/2020 12:01 GMT+7
Trong kết luận điều tra vụ án liên quan đến triển khai dự án Ethanol Phú Thọ, bị can Đinh La Thăng và các bị can khác đều được Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đề nghị Viện KSND Tối cao áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

img

Ông Đinh La Thăng trong một vụ án xử năm 2018 (ảnh TTXVN).

Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Công ty Cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí (PVB). Đồng thời chuyển hồ sơ sang Viện KSND Tối cao đề nghị truy tố bị can Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (sau là Chủ tịch Hội đồng thành viên) Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và 9 bị can khác về tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản điều 224 Bộ Luật hình sự.

Trong vụ án này Cơ quan điều tra xác định: Bị can Đinh La Thăng với vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị của PVN, Trưởng Ban chỉ đạo triển khai các dự án nhiên liệu sinh học của PVN, mặc dù biết liên danh nhà thầu PVC/Alfa Laval/Delta-T không đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện gói thầu TK05 dự án Ethanol Phú Thọ nhưng ông Thăng vẫn chủ trì, kết luận các cuộc họp Ban Chỉ đạo triển khai dự án nhiên liệu sinh học về chủ trương chỉ định thầu, chỉ đạo quyết liệt và ra quyết định giao liên danh nhà thầu PVC/Alfa Lavakl/Delta-T thực hiện gói thầu TK5 dự án Ethanol Phú Thọ theo hình thức chỉ định thầu.

Kết luận điều tra xác định thiệt hại do hành vi lựa chọn nhà thầu không đủ điều kiện năng lực để thực hiện dự án Ethanol Phú Thọ gây ra là toàn bộ số tiền lãi suất phát sinh mà PVB đã trả và số còn có nghĩa vụ trả cho các ngân hàng từ khi dự án dừng thi công đến ngày khởi tố vụ án là hơn 543 tỷ đồng.

Hành vi của ông Đinh La Thăng đã phạm vào tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng. Cơ quan điều tra nhận xét, trong quá trình điều tra, bị can Đinh La Thăng đã có thái độ thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra. Trước đây bị can có thành tích xuất sắc trong công tác. Do đó, Cơ quan điều tra đã đề nghị Viện KSND Tối cao áp dụng các tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm s, t, v khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự khi truy tố.

Trước đây vào cuối năm 2017, trong vụ án PVN góp vốn và làm mất 800 tỷ đồng tại OceanBank, ông Đinh La Thăng là bị can của vụ án đã bị Cơ quan điều tra nhận xét: Bị can Đinh La Thăng có thái độ khai báo chưa thành khẩn, né tránh trách nhiệm, hợp thức hóa tài liệu không đúng với bản chất sự việc để đối phó, gây cản trở hoạt động điều tra.

Trở lại với vụ án liên quan đến triển khai dự án Ethanol Phú Thọ, trong vụ án này các bị can Vũ Thanh Hà, nguyên Tổng giám đốc PVB; Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Phó trưởng phòng phụ trách đầu tư dự án, Tổ trưởng tổ chuyên gia giúp việc đấu thầu của PVB; Phạm Xuân Diệu, nguyên Chủ tịch, Tổng giám đốc PVC; Nguyễn Ngọc Dũng, nguyên Phó tổng giám đốc PVC; Đỗ Văn Quang, nguyên Trưởng ban Kinh tế kế hoạch, Tổ trưởng tổ lập hồ sơ đề xuất của PVC; Trần Thị Bình, nguyên Phó Tổng giám đốc PVN… đều được Cơ quan điều tra đề nghị Viện KSND Tối cao áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Điều 224. Tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Quyết định đầu tư xây dựng không đúng quy định của Luật xây dựng;

b) Lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán, điều chỉnh dự toán, nghiệm thu công trình sử dụng vốn của Nhà nước trái với quy định của Luật xây dựng;

c) Lựa chọn nhà thầu không đủ điều kiện năng lực để thực hiện hoạt động xây dựng;

d) Dàn xếp, thông đồng làm sai lệch kết quả lập dự án, khảo sát, thiết kế, giám sát thi công, xây dựng công trình.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:

a) Vì vụ lợi;

b) Có tổ chức;

c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

d) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

3. Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.