Ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), đã có đơn xin từ chức gửi Hội đồng thành viên tập đoàn này. Lá đơn của ông Sơn gửi từ nhiều ngày trước, nhưng tới ngày 12.3 Hội đồng thành viên PVN mới họp và đồng ý xét đơn của ông Sơn.
Theo trình tự thủ tục, việc ông Sơn có được thôi chức vụ Tổng giám đốc PVN hay không cần sự chấp thuận của cơ quan chủ quản - Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Thủ tướng xem xét, quyết định.
Theo thông tin công bố trên cổng thông tin điện tử của PVN, ông Nguyễn Vũ Thanh Sơn sinh ngày 10.8.1962, quê quán tại Quảng Trị. Ông Sơn là kỹ sư công nghệ khai thác dầu khí, Đại học Hóa dầu Bacu (thuộc nước Cộng hòa Azerbaijan trong Liên Xô cũ) năm 1986 và là thạc sỹ thiết kế công nghệ hệ thống Đại học RMIT (Úc) năm 2020.
Ông Nguyễn Vũ Trường Sơn
Sau khi tốt nghiệp Đại học Hóa dầu Bacu (Liên Xô), năm 1987 ông Sơn về công tác tại Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt Xô (Vietsovpetro). Tại đây, ông đã trải qua nhiều vị trí khác nhau như đốc công khai thác, đội phó khai thác, phó phòng kỹ thuật sản xuất, trưởng phòng Kỹ thuật sản xuất bộ máy điều hành
Đến tháng 4.2009, ông Sơn được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro. Tháng 7 cùng năm, ông Sơn làm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP).
Cũng trong khoảng thời gian này, Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) đại diện PVN đầu tư vào dự án tại Venezuela. Dự án có tổng mức đầu tư là hơn 1,8 tỷ USD cho giai đoạn 1 từ 2010-2015. PVEP đã rót hàng trăm triệu đô vào dự án này. Tuy nhiên, tổng mức đầu tư được loan báo lên tới 12,4 tỷ USD, phân kỳ làm 2 giai đoạn, ban đầu rót 8,9 tỷ USD, giai đoạn 2 rót 3,5 tỷ USD.
Dự án này cũng đang được C03 xác minh một số dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc thực hiện dự án.
Tháng 2.2012 đến tháng 3.2016, ông là phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Ngày 4.3.2016, ông Sơn được bổ nhiệm làm Thành viên HĐTV kiêm Tổng Giám đốc PVN. Đây cũng là giai đoạn ngành dầu khí Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là giá dầu thô thế giới xuống thấp kỷ lục. Năm đầu tiên nhận chức, lợi nhuận của PVN giảm gần 1 nửa so với năm 2015, chỉ còn hơn 16 nghìn tỷ.
Ông Nguyễn Vũ Trường Sơn (phải) nhận quyết định bổ nhiệm từ lãnh đạo Bộ Công thương.
Tháng 3.2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định cho thôi chức vụ Chủ tịch HĐTV đối với ông Nguyễn Quốc Khánh để ông về nhận nhiệm vụ tại Bộ Công Thương.
Tại thời điểm này, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn được giao Phụ trách HĐTV thay cho ông Khánh, kiêm Tổng Giám đốc PVN.
Ngày 27.12.2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kí quyết định bổ nhiệm ông Trần Sỹ Thanh, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN. Cũng kể từ đó, ông Sơn thôi phụ trách HĐTV Tập đoàn và chỉ còn giữ chức Tổng Giám đốc PVN đến thời điểm hiện tại.
Theo thông tin từ website PVN, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn từng được nhận Huân chương Lao động hạng II, hạng III; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ Công thương, danh hiệu Chiến sĩ thi đua của Bộ Công thương.
Giai đoạn 2017 - 2018, PVN của ông Nguyễn Vũ Trường Sơn chứng kiến không ít các cấp lãnh đạo Tập đoàn vướng vòng lao lý. Năm 2018, PVN cũng tập trung PVN 'đại cải tổ' sau hàng loạt lãnh đạo vướng vòng lao lý. PVN cũng không quên xin thêm một số cơ chế đặc thù như được giữ lại 32% lãi dầu khí nước chủ nhà, được giữ lại 50% tiền CPH/thoái vốn để đầu tư vào sản xuất kinh doanh, được tăng tính chủ động và tự chịu trách nhiệm, được mở rộng phân cấp phân quyền trong đầu tư dầu khí; xin trích 17% doanh thu từ các dự án dầu khí trong nước để lập quỹ tìm kiếm thăm dò…
Năm 2018 cũng là năm PVN “kêu cứu” về dự án 41.000 tỷ Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đắp chiếu thời Trịnh Xuân Thanh.