Quảng Nam: Nông thôn mới nền tảng giúp huyện miền núi Nông Sơn giảm nghèo bền vững

Trần Hậu - Tuyết Nhung Thứ bảy, ngày 18/05/2024 18:52 PM (GMT+7)
Trong những năm qua, huyện Nông Sơn (Quảng Nam) luôn dành nhiều sự quan tâm, đầu tư và thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo với những kết quả tích cực, đáng khích lệ. Tính đến nay, huyện chỉ còn 7,29% tỷ lệ hộ nghèo, giảm 54,01% so với năm 2010, thu nhập của người dân được nâng cao, đời sống được cải thiện rõ nét.
Bình luận 0

Huyện miền núi chuyển mình

Nông Sơn là huyện miền núi giàu truyền thống cách mạng, có điều kiện kinh tế - xã hội còn rất nhiều khó khăn khi tham gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Được sự hỗ trợ của cấp tỉnh nên diện mạo vùng nông thôn miền núi nay đã có nhiều thay đổi, các công trình điện, đường, trường, trạm được xây dựng khang trang, đời sống người dân ngày càng nâng lên.

Quảng Nam: Nông thôn mới nền tảng giúp huyện miền núi Nông Sơn giảm nghèo bền vững- Ảnh 1.

Hạ tầng được đầu tư đồng bộ là những đổi thay ấn tượng của huyện miền núi Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam sau hơn 12 năm xây dựng NTM. Ảnh: T.H.

Ông Nguyễn Chí Tùng – Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn cho biết: "Hơn 12 năm triển khai Chương trình xây dựng NTM, huyện Nông Sơn có nhiều thay đổi về tất cả mọi mặt của đời sống.

Trong đó, việc đầu tư và nâng cấp kết cấu hạ tầng nông thôn được quan tâm xây dựng với 100% đường giao thông huyện, xã được cứng hoá; 100% xã có hệ thống lưới điện quốc gia, 100% số thôn có điện; các công trình thủy lợi, hồ đập được quan tâm đầu tư, nâng cấp, cơ bản đáp ứng được yêu cầu sản xuất, dân sinh và phòng, chống lụt bão".

Quảng Nam: Nông thôn mới nền tảng giúp huyện miền núi Nông Sơn giảm nghèo bền vững- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Chí Tùng (ở giữa) – Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn trò chuyện cùng phóng viên Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt. Ảnh: T.H.

Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân vùng nông thôn ngày càng nâng cao; 5/5 xã đạt chuẩn quốc gia về trạm y tế, xây mới Trung tâm y tế huyện; cơ sở vật chất của các trường học được trang bị đầy đủ; gần 100% xã có phủ sóng 3G/4G, thuận tiện cho người dân trong việc thông tin liên lạc.

"Để đưa các xã còn lại đạt chuẩn NTM theo kế hoạch, huyện Nông Sơn đạt chuẩn NTM vào năm 2025, địa phương chỉ đạo lồng ghép các nguồn vốn, cũng như tập trung nguồn lực để đầu tư, xây dựng các tiêu chí chưa đạt; tiếp tục phát huy khối đại đoàn kết trên tinh thần cả hệ thống chính trị cùng với nhân dân quyết tâm phấn đấu xây dựng NTM bền vững, đời sống ấm no, hạnh phúc, văn minh...", ông Nguyễn Chí Tùng – Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn nhận định.

Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Hệ thống chính trị ở cơ sở được tăng cường, vị thế của giai cấp nông dân được nâng cao, dân chủ cơ sở ngày càng được phát huy.

Theo ông Tùng, số tiêu chí NTM đạt được sau 12 năm thực hiện Chương trình tăng đáng kể. Năm 2010, toàn huyện chỉ đạt 2 tiêu chí, đến nay đã đạt được 91 tiêu chí, bình quân mỗi xã đạt 18,2 tiêu chí (tăng so với năm 2010 là 89 tiêu chí) và đã có 3 xã về đích NTM gồm Quế Lộc, Sơn Viên và Phước Ninh.

Thực hiện Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025, huyện Nông Sơn tiếp tục củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo, Ban quản lý cấp xã và Ban phát triển xây dựng NTM các thôn. Đồng thời ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện kịp thời, sát với thực tiễn, xây dựng kế hoạch thực hiện duy trì chuẩn các tiêu chí.

Quảng Nam: Nông thôn mới nền tảng giúp huyện miền núi Nông Sơn giảm nghèo bền vững- Ảnh 3.

Hệ thống trường lớp tại các xã của huyện Nông Sơn được quân tâm đầu tư. Ảnh: T.H.

Bên cạnh đó, địa phương tăng cường huy động nội lực, khơi dậy tinh thần đoàn kết, tính trách nhiệm và sự đồng thuận trong nhân dân. Tiếp tục duy trì phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới"; bảo vệ cảnh quan môi trường nông thôn, ngõ xóm xanh – sạch – đẹp, thu gom, xử lý rác và chất thải....

Nỗ lực giảm nghèo bền vững

Ông Tùng cho hay: "Tập trung phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, cơ cấu lại ngành nông nghiệp được xem là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân, giảm nghèo bền vững. Đây cũng là giải pháp căn cơ để tạo nguồn lực bền vững cho việc xây dựng NTM trên địa bàn huyện trong thời gian qua".

Quảng Nam: Nông thôn mới nền tảng giúp huyện miền núi Nông Sơn giảm nghèo bền vững- Ảnh 4.

Trạm y tế xã Quế Lộc, huyện Nông Sơn được xây dựng khang trang. Ảnh: T.H.

Huyện Nông Sơn thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp và triển khai sản xuất theo quy hoạch; rà soát những vùng không chủ động nước chuyển sang trồng các loại cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao; cơ cấu cây trồng, con vật nuôi chuyển dịch theo hướng phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có; nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích....

Quảng Nam: Nông thôn mới nền tảng giúp huyện miền núi Nông Sơn giảm nghèo bền vững- Ảnh 5.

Mô hình trồng cây ăn quả là thế mạnh của huyện Nông Sơn trong phát triển kinh tế.... Ảnh: T.H.

Quảng Nam: Nông thôn mới nền tảng giúp huyện miền núi Nông Sơn giảm nghèo bền vững- Ảnh 6.

Ông Nguyễn Văn Lanh – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nông Sơn cho biết: "Địa phương đang phát triển mở rộng diện tích trồng cây ăn quả, cây công nghiệp, nuôi trồng thủy sản quy mô trang trại; áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp VietGAP và tiến bộ kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng, giữ vững thương hiệu sản phẩm; duy trì và nhân rộng các vườn có hiệu quả kinh tế cao; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng".

Quảng Nam: Nông thôn mới nền tảng giúp huyện miền núi Nông Sơn giảm nghèo bền vững- Ảnh 7.

Sản phẩm bột ngũ cốc Hạt Thương của huyện Nông Sơn được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Ảnh: T.H.

Quảng Nam: Nông thôn mới nền tảng giúp huyện miền núi Nông Sơn giảm nghèo bền vững- Ảnh 8.

Sản phẩm bột ngũ cốc Hạt Thương của chị Đoàn Thị Thương ở xã Phước Ninh, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: T.H.

Nhờ áp dụng rộng rãi các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mà đã tạo ra nhiều đột phá trong sản xuất, nâng cao trình độ thâm canh; nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả được triển khai và nhân rộng như: mô hình trồng lạc xen sắn trên đất lúa chuyển đổi, mô hình nuôi cá nước ngọt... góp phần tăng năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Cùng với đó, Nông Sơn đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo phương thức sản xuất hàng hóa gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Ưu tiên nguồn lực hỗ trợ người dân phát triển kinh tế vườn với nhiều loại cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao; nuôi trồng thủy sản quy mô trang trại; phát triển các vùng chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ sinh học (gia trại, trang trại xa khu dân cư); hình thành chuỗi liên kết phát triển sản xuất, chuỗi cung ứng an toàn, hiệu quả và có tính bền vững.

Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, người dân đầu tư trồng rừng gỗ lớn để nâng cao giá trị chất lượng sản phẩm.

Điển hình tại Làng trái cây Đại Bình (xã Quế Trung), hiện nay có gần 100ha trồng cây ăn quả. Trong đó, có 50 vườn quy mô lớn, được đầu tư bài bản, cho thu nhập ổn định mỗi năm và thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm. Ngoài ra, sản phẩm Bưởi trụ Đại Bình đã được công nhận đạt chuẩn 3 sao OCOP cấp tỉnh Quảng Nam.

Quảng Nam: Nông thôn mới nền tảng giúp huyện miền núi Nông Sơn giảm nghèo bền vững- Ảnh 9.

Mô hình trồng sen tại xã Sơn Viên, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam đang được địa phương nhân rộng. Ảnh: D.H.

Trên địa bàn huyện Nông Sơn, kinh tế nông thôn tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; nhiều làng nghề truyền thống như: trầm hương, bánh tráng Nông Sơn, may mặc, nghề mộc, rèn... được phát triển và mở rộng, tạo thêm nhiều việc làm tại chỗ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và giảm nghèo bền vững ở nông thôn.

Đặc biệt, huyện quan tâm hỗ trợ công tác đào tạo nghề, phát triển mạnh ngành nghề và làng nghề nông thôn. Đặc biệt là nghề truyền thống làm trầm hương để nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Tính đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 7,29%, giảm 54,01% so với năm 2010 (hộ nghèo là 61,3%); tỷ lệ lao động qua đào tạo được nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 44,8 triệu đồng, tăng 36,7 triệu đồng/người so với năm 2011 (ước đạt 8,1 triệu đồng/người).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem