Quỹ phòng chống thiên tai: Thu 3.500 tỷ nhưng mới chi 1.808 tỷ
Quỹ phòng chống thiên tai: Thu 3.500 tỷ nhưng mới chi 1.808 tỷ, có tỉnh tâm điểm bão lũ nhưng không lập quỹ
Quang Dân
Thứ năm, ngày 05/11/2020 09:15 AM (GMT+7)
Phát biểu tại hội trường, ĐBQH Nguyễn Lâm Thành cho hay quỹ phòng chống thiên tai hiện thu được 3.500 tỷ, nhưng mới chi 1.808 tỷ, có tỉnh trong tâm điểm bão lũ vừa qua nhưng không lập quỹ.
Sáng nay (5/11), theo chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV thảo luận về đầu tư công trung hạn, tài chính 5 năm. Phát biểu tại phiên thảo luận đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Lâm Thành (đoàn Lạng Sơn) nhận định, năm 2020 thời tiết Việt Nam có nhiều diễn biến phức tạp, hình thành trạng thái mới khí hậu trên toàn cầu. Tình hình mưa đá, sạt lở, xâm nhập mặn, thiên tai, bão lũ... diễn ra từ đầu năm trên cả nước đã gây thiệt hại to lớn về người và của, ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành nhất trí với nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị Chính phủ cần sớm ban hành chính sách mang tính cụ thể, đồng bộ hơn trên quan điểm làm tốt công tác phòng ngừa thể hiện ở năm điểm trọng tâm.
Thứ nhất, gấp rút cụ thể hóa luật và đưa các quy định, quy chuẩn liên quan đến phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu vào hệ thống văn bản pháp luật có liên quan, cùng với công tác quy hoạch, xây dựng các công trình hạ tầng công cộng, sản xuất và dân dụng, quy định phù hợp với đặc điểm, xu thế biến đổi từng vùng, địa phương.
Thứ hai, xây dựng chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ.. của các công trình thủy lợi thủy điện.
Thứ ba, xây dựng chương trình tổng thể về ổn định dân cư, sắp xếp di dời bố trí tại các điểm nguy hiểm có nguy cơ cao về sạt lở, lũ ống, lũ quyết.
"Tôi được biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có dự thảo về chương trình này và mong các cấp, ngành sớm nghiên cứu thông qua", ĐBQH Thành cho hay.
Thứ tư, điều chỉnh lại mục tiêu, nội dung chính sách và bổ sung nguồn lực chương trình bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao chất lượng rừng. Đẩy mạnh chính sách cấp gạo cho người dân tại các vùng núi cao, vùng đầu nguồn xung yếu có trách nhiệm bảo vệ rừng.
Cuối cùng là huy động và sử dụng có hiệu quả quỹ phòng chống thiên tai. Tuy nhiên, theo thông tin báo cáo nguồn quỹ này vận hành và thực hiện chưa tốt sau 6 năm thực hiện.
Cụ thể, mới có 60 tỉnh lập quỹ với tổng thu là 3.500 tỷ, đáng nói ở đây, mới chỉ chi 1.808 tỷ và còn dư tới 1.692 tỷ chưa giải ngân, đây là con số rất lớn so với nhu cầu phòng chống thiên tai hiện nay. Bên cạnh đó, tình trạng nơi thu, nơi không khu, tỉnh thu được nhiều, tỉnh thu được ít cũng là hạn chế trong công tác này.
"Thậm chí, có nhiều địa phương không chi một đồng nào cho phòng chống thiên tai. Trong khi đó, nhu cầu phòng chống thiên tai rất lớn, cá biệt có tỉnh là tâm điểm của thiên tai bão lũ nhưng không lập quỹ phòng chống thiên tai", ĐBQH Thành nhấn mạnh.
Theo ĐBQH Nguyễn Lâm Thành, Quốc hội đã thông qua các chương về huy động nguồn lực cho công tác phòng chống thiên tai, nhưng chưa thực sự đi vào cuộc sống.
Vướng mắc ở đâu, ở hành lang pháp lý, quy định, quy trình thủ tục, cơ chế quản lý quá phức tạp hay thiếu sự quan tâm của địa phương trong công tác chỉ đạo thực hiện? Điều này đặt ra câu hỏi công tác quản lý nhà nước, các Bộ, ngành địa phương đã thực sự vào cuộc đối với công tác phòng chống thiên tai hay chưa?
Liên quan đến nội dung này, ĐB Thành đề nghị chính phủ, trực tiếp là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài chính và UBND các tỉnh nghiên cứu tháo gỡ những vướng mắc nhằm phòng ngừa, phát triển thiên tai.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.