Sắp xếp đơn vị hành chính tại Hà Nội: Tinh gọn bộ máy, tạo nguồn lực mới

Quang Minh - Văn Hoàng Thứ tư, ngày 20/11/2024 10:30 AM (GMT+7)
Nhiều địa phương trên địa bàn TP Hà Nội đã và đang thực hiện đề án sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025 theo hương tinh gọn, nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính công.
Bình luận 0

Sắp xếp đơn vị hành chính sẽ tạo bộ máy tính gọn, hoạt động hiệu quả

Tháng 4/2024, UBND TP.Hà Nội đã thông qua đề án sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2025, trong đó có tên gọi 52 phường, xã mới sau sáp nhập. Trong số 16 phường mới, có 14 phường sử dụng lại tên cũ của một trong các phường bị sáp nhập, chỉ có hai phường ghép tên cũ thành mới là Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Phương Liên - Trung Tự.

Quận Cầu Giấy chỉ thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính và dân số tại một số phường để phù hợp quy định diện tích và dân số nhưng vẫn giữ nguyên số lượng và tên gọi các phường. Cụ thể, điều chỉnh một phần Yên Hòa, Dịch Vọng vào phường Quan Hoa; một phần Nghĩa Đô, Dịch Vọng và Dịch Vọng Hậu vào phường Nghĩa Tân. 

Trong số 36 xã mới ở các huyện, có 11 xã sử dụng lại tên gọi cũ của một trong các xã sáp nhập; 20 xã được đặt tên theo cách ghép tên cũ các xã sáp nhập; ba xã có tên mới hoàn toàn là Thiên Đức, Hưng Đạo, Lam Sơn.

Với huyện Ba Vì, theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính, Ba Vì sẽ thực hiện sáp nhập xã Châu Sơn, Phú Phương, Tản Hồng.

Nửa năm qua, nhiều địa phương đang tích cực thực hiện việc sắp xếp lại đơn vị, tổ chức bộ máy làm việc mới theo hướng tinh gọn, hiệu quả hơn. 

Trao đổi với Dân Việt, ông Chu Huy Phương - Trưởng Phòng Nội vụ huyện Ba Vì cho hay, khi sáp nhập các xã vào thành một thì diện tích, dân số lớn hơn, đây là điều kiện rất tốt cho việc phát triển kinh tế xã hội, điều kiện chăm lo đời sống nhân dân, giáo dục, y tế cũng được nâng cao.

Quỹ đất của xã mới cũng sẽ lớn hơn và thu hút được các nhà đầu tư về đây xây dựng các vùng kinh tế, dự án tiêu biểu nhằm phát triển kinh tế địa phương.

Nói về việc thực hiện thủ tục hành chính phục vụ người dân, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Ba Vì cho biết khi rút gọn, bộ máy sẽ tinh giảm, hoạt động hiệu quả hơn. "Hiện nay huyện Ba Vì cũng đã triển khai một số bước, đã có dự kiến về công tác nhân sự, cán bộ", ông Phương thông tin.

Sắp xếp đơn vị hành chính: Giúp tinh gọn bộ máy, tạo nguồn lực, đáp ứng yêu cầu phát triển mới - Ảnh 1.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính sẽ giúp tinh gọn bộ máy, tạo nguồn lực, đáp ứng yêu cầu phát triển mới. Ảnh: Thành An.

Sau khi sáp nhập các xã, huyện Ba Vì sẽ dôi dư 27 công chức. Tuy nhiên, huyện đã có phương án sắp xếp ngay trong năm nay, ông Phương thông tin. Trong đó, dự kiến sẽ sắp xếp nhân sự khoảng 15 người là công chức sang xã khác làm việc, còn lại một số cán bộ dôi dư sẽ sắp xếp tại chỗ, bố trí công việc phù hợp với chuyên môn.

Trụ sở mới của xã sau khi sắp xếp đơn vị hành chính sẽ đặt tại xã Phú Phương. Một số trụ sở Ủy ban nhân xã làm trụ sở công an, còn lại bố trí vào các chức năng khác cho phù hợp với tình hình hiện nay, các trường học vẫn giữ nguyên.

Tại quận Hà Đông, ông Hoàng Văn Tám, Chủ tịch UBND phường Quang Trung (đơn vị dự kiến sẽ sáp nhập phường Nguyễn Trãi, Yết Kiêu, Quang Trung thành phường Quang Trung) cho biết, qua tiếp xúc lấy ý kiến của cử tri tại địa phương cho thấy có hơn 90% người dân ủng hộ sáp nhập các phường. 

"Hiện đề án đã được chúng tôi báo cáo đến chính quyền cấp trên, mong rằng khi sáp nhập đúng chủ trương của Nhà nước sẽ tinh giảm bộ máy quản lý hành chính, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội của địa phương, tạo nguồn lực cho xã hội", ông Tám chia sẻ.

Theo ông, so với giai đoạn trước, việc sắp xếp các đơn vị hành chính ở giai đoạn này sẽ có nhiều thuận lợi hơn khi đã có các bài học kinh nghiệm được rút ra trong quá trình thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của giai đoạn 2019-2021.

Chọn cán bộ chất lượng cao, nâng tinh thần trách nhiệm

Sau khi đề án sắp xếp đơn vị hành chính được UBND TP Hà Nội thông qua, ông Nguyễn Văn Chèo - Chủ tịch UBND xã Trầm Lộng, huyện Ứng Hòa cho hay, hầu hết cử tri đều ủng hộ chủ trương sáp nhập.

"Bà con đồng tình giữ nguyên tên xã Trầm Lộng, 100% cử tri ở xã chúng tôi nhất trí, đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Chúng tôi kỳ vọng khi sáp nhập đơn vị hành chính, việc phát triển hạ tầng giao thông sẽ đồng bộ hơn, kích cầu phát triển kinh tế", ông Chèo nói.

Sắp xếp đơn vị hành chính: Giúp tinh gọn bộ máy, tạo nguồn lực, đáp ứng yêu cầu phát triển mới - Ảnh 2.

Trụ sở của một phường ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội vừa được xây dựng. Ảnh: N.Đ.

Ngoài ra theo ông Chèo, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sẽ giúp tập trung nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương. Đặc biệt, việc này sẽ mở rộng không gian phát triển, tăng cường liên kết vùng; tạo thuận lợi phát huy nguồn lực đất đai, điều kiện tự nhiên, nguồn nhân lực và thu hút đầu tư ở trong và ngoài nước.

Còn tại huyện Phúc Thọ, dù không thuộc địa phương thực hiện sáp nhập, ông Bùi Thế Anh - Chủ tịch UBND xã Vân Phúc vẫn cho rằng, sắp xếp đơn hành chính sẽ góp phần tinh giảm bộ máy nhân sự, hoạt động tốt hơn.

"Khi sắp xếp lại đơn vị hành chính, bộ máy sẽ tinh gọn, hiệu quả hơn. Đặc biệt, chọn được những cán bộ chất lượng, nâng cao tinh thần trách nhiệm, khi làm việc sẽ đem lại hiệu quả cao, nhất là trong việc hỗ trợ người dân, tạo động lực phát triển kinh tế địa phương", ông Thế Anh chia sẻ.

Trước đó, thông tin báo chí, về kết quả của việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã, giai đoạn 2019 - 2021, đại diện Bộ Nội vụ khẳng định, việc sắp xếp đơn vị hành chính góp phần cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, góp phần sàng lọc đội ngũ, nâng cao chất lượng và trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức, viên chức tại những đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp.

Đặc biệt, việc làm này bảo đảm thực hiện đầy đủ, có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được giao, quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp không bị ảnh hưởng nhiều.

Theo Nghị quyết 117 ngày 30/7/2023 về Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 được Chính phủ ban hành mới đây, thì mục tiêu đặt ra đến năm 2024, các địa phương hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, tiến hành sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025

Theo báo cáo của 63 địa phương, giai đoạn 2023-2025 sẽ sáp nhập 33 huyện và hơn 1.300 xã thuộc diện "bắt buộc sắp xếp", chưa tính số đơn vị hành chính thuộc diện khuyến khích sắp xếp do địa phương có nhu cầu.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem