Bão số 3 và mưa lũ sau bão đã gây tổn thất nặng nề cho doanh nghiệp và người dân. Trong khó khăn chồng chất, sự hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp và các doanh nghiệp bảo hiểm đã trở thành "phao cứu sinh", giúp doanh nghiệp có thêm điểm tựa để vượt qua và tái thiết sau bão.


Sau bão lũ, doanh nghiệp vượt khó nhờ “phao cứu sinh” bảo hiểm - Ảnh 1.

Phóng viên Báo Dân Việt trở lại Hải Phòng – một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất – sau 2 tuần cơn bão số 3 quét qua nơi đây. Biển đã dịu êm, sóng vỗ nhẹ nhàng, cây cối đã được dựng lại và nhiều cây xanh từng bị gió bão quật ngã nay cũng đã bắt đầu đơm chồi. Guồng quay cuộc sống bình thường đang dần trở lại, công cuộc tái thiết diễn ra khẩn trương, nhưng những âu lo vẫn còn đó.

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Xuân Hùng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hoàng Hồng Vân, chia sẻ về những mất mát của đơn vị: "Chúng tôi đã mất trắng 13 xe điện, 15 xe còn lại phải sửa chữa, thay thế phụ tùng. Văn phòng, nhà xưởng cũng chịu nhiều thiệt hại. Dự kiến, công ty phải mất ít nhất 25 - 30 ngày mới có thể khôi phục hoạt động bình thường".

Thời điểm này, hơn 50 công nhân của công ty Hoàng Hồng Vân rơi vào cảnh thất nghiệp tạm thời, đây cũng là điều khiến ông chủ doanh nghiệp này vô cùng trăn trở: "Toàn bộ công nhân của công ty lúc này thất nghiệp, chúng tôi đang rốt ráo tìm người sửa chữa, khôi phục lại các tài sản, thậm chí phải thuê cả công nhân từ Hà Nội để sớm được hoạt động trở lại".

Sau bão lũ, doanh nghiệp vượt khó nhờ “phao cứu sinh” bảo hiểm - Ảnh 2.

Công nhân tại Công ty Cổ phần Hoàng Hồng Vân.

Ông Hùng cũng cho biết, số tiền công ty cần để tái thiết lên tới hơn 6 tỷ đồng, dựa vào nguồn vốn cá nhân và các cổ đông.

"Ngoài tiền của cổ đông, chúng tôi đã nghĩ đến việc vay mượn từ bạn bè, người thân. May mắn thay, gần 30 xe điện của công ty đều có bảo hiểm. Nhân viên bảo hiểm đã nhanh chóng đến xác minh, giám định tổn thất và chi tạm ứng bồi thường, giúp chúng tôi có thêm nguồn lực tài chính trong giai đoạn khó khăn này" - ông Hùng chia sẻ.

Ông Phạm Văn Nhãn - thành viên Hội đồng Quản trị Công ty Chế biến Dịch vụ Thủy sản Cát Hải (Hải Phòng), không giấu nổi nỗi buồn khi chứng kiến 42.000 m2 nhà xưởng không nơi nào nguyên vẹn, nước mưa ngấm vào toàn bộ nguyên liệu. Mồ hôi, công sức tích tụ trong những thùng mắm ấy giờ bỗng tan biến theo mưa bão. Tuy nhiên, số tiền bồi thường 7 tỷ đồng từ đơn vị bảo hiểm đã giúp ông và công ty nhẹ bớt gánh nặng tài chính, tái thiết nhà xưởng và tiếp tục giữ gìn hương vị nước mắm truyền thống.

Sau bão lũ, doanh nghiệp vượt khó nhờ “phao cứu sinh” bảo hiểm - Ảnh 3.

Tại Khu công nghiệp Nam Sách (TP.Hải Dương), trong khu nhà xưởng rộng 20ha với hơn 20.000 lao động của Công ty TNHH May Tinh Lợi, tiếng máy móc đã rền vang trở lại sau những ngày ngưng trệ do bão tàn phá. Mặc dù thiệt hại lên tới 1 triệu USD, nhưng nhờ sự hỗ trợ kịp thời từ bảo hiểm, doanh nghiệp đã nhanh chóng khôi phục sản xuất.

"Ngay sau bão, chúng tôi liên hệ với đơn vị bảo hiểm và nhận được sự hỗ trợ rất tốt. Họ đồng ý chúng tôi ghi lại bằng chứng thiệt hại, vì vậy, chúng tôi ngay lập tức đưa ra các phương án khắc phục hậu quả" - ông Nguyễn Việt Hoàng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách sản xuất ngành hàng Uniqlo chia sẻ.

Ông Hoàng cho hay, lãnh đạo công ty hiểu rằng, dù có bảo hiểm, doanh nghiệp vẫn phải chủ động tìm cách khắc phục thiệt hại để giảm tổn thất đến mức thấp nhất. Nhưng nếu không có sự phối hợp và đồng hành từ phía bảo hiểm, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với khoản thiệt hại rất lớn.

"Mỗi ngày nhà máy sản xuất ra 300.000 sản phẩm và thời gian giao hàng bị giới hạn. Việc không thể khôi phục sản xuất ngay, sẽ khiến thiệt hại của nhà máy có thể gấp 10 lần so với mức thiệt hại hiện tại" - ông Hoàng phân tích.

Sau bão lũ, doanh nghiệp vượt khó nhờ “phao cứu sinh” bảo hiểm - Ảnh 4.

Ghi nhận của phóng viên, ngay sau khi bão số 3 đi qua, các doanh nghiệp bảo hiểm đều lập tức vào cuộc thẩm định, đánh giá và cam kết nhanh chóng hoàn tất việc bồi thường, hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân bị thiệt hại. Nhân viên bảo hiểm đã không ngại gian khó, trực tiếp lội bùn, vượt nước ngập để đến nơi đánh giá, hỗ trợ khách hàng khắc phục thiệt hại.

Sau bão lũ, doanh nghiệp vượt khó nhờ “phao cứu sinh” bảo hiểm - Ảnh 5.

Cán bộ Bảo hiểm Agribank lội bùn giám định hiện trường tổn thất nhà máy gạch sau cơn bão số 3.

Ông Đỗ Minh Hoàng - thành viên Hội đồng Quản trị Bảo hiểm Agribank, nhấn mạnh, ưu tiên số một là chi trả tạm ứng bồi thường ngay cho khách hàng bị thiệt hại do bão số 3. Điều này giúp khách hàng tham gia bảo hiểm có nguồn tiền kịp thời để khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất và đời sống.

"Chúng tôi yêu cầu cán bộ địa bàn phải chủ động liên hệ với từng khách hàng mua bảo hiểm để nắm bắt thông tin tổn thất. Đặc biệt, công ty đã chỉ đạo các đơn vị phải chủ động, linh hoạt thu thập hồ sơ thiệt hại, linh hoạt sử dụng phương án bồi thường thiệt hại, cần thiết không cần chờ chứng từ khắc phục thiệt hại mà trả tiền bồi thường ngay cho khách hàng" - ông Hoàng nói với Dân Việt.

“Khách hàng, đặc biệt là bà con nông dân cần tiền ngay, trong khi chưa hoàn thành hồ sơ, bắt buộc chúng tôi phải phản ứng nhanh. Tận dụng các cán bộ ngân hàng Agribank nằm tại các thôn, xóm, bản làng giúp xác định tổn thất và từ đó chuyển nhanh sang giai đoạn tạm ứng bồi thường. Mức tạm ứng có thể lên tới 90% số tiền bảo hiểm”.

Ông Hạ Bá Cương - Giám đốc Ban Giám định bồi thường xe cơ giới, Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt cho hay: "Chúng tôi cũng đã huy động tất cả các giám định viên chuyên nghiệp ở các địa bàn như Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang và một số các tỉnh khác bị ảnh hưởng của bão để nhanh chóng triển khai các nghiệp vụ giám định tổn thất, từ đó có phương án tạm ứng cho khách hàng, bồi thường nhanh nhất".

Sau bão lũ, doanh nghiệp vượt khó nhờ “phao cứu sinh” bảo hiểm - Ảnh 6.

Ông Nguyễn Xuân Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, cho biết: "Hiệp hội liên tục liên lạc với các doanh nghiệp hội viên để cập nhật tình hình doanh nghiệp thiệt hại, và đồng hành cùng doanh nghiệp bảo hiểm tháo gỡ khó khăn trong quá trình giải quyết bồi thường. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp bảo hiểm khẳng định khả năng ứng phó và sự bền vững của mình trước những biến cố lớn".

Cơn bão đã qua, nhưng hành trình khắc phục hậu quả vẫn còn lâu dài. Thực tế cho thấy, sự phối hợp hiệu quả giữa doanh nghiệp và đơn vị bảo hiểm đã giúp giảm thiểu thiệt hại và tạo điều kiện tái thiết nhanh chóng. Đây không chỉ là bài học quý giá về quản trị rủi ro, mà còn là thông điệp mạnh mẽ về tầm quan trọng của bảo hiểm trong việc đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và cộng đồng.

Sau bão lũ, doanh nghiệp vượt khó nhờ “phao cứu sinh” bảo hiểm - Ảnh 7.
Sau bão lũ, doanh nghiệp vượt khó nhờ “phao cứu sinh” bảo hiểm - Ảnh 8.
Sau bão lũ, doanh nghiệp vượt khó nhờ “phao cứu sinh” bảo hiểm - Ảnh 9.

Sau bão lũ, doanh nghiệp vượt khó nhờ “phao cứu sinh” bảo hiểm - Ảnh 10.




Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem