Chuyện giảm nghèo ở “lõi nghèo” Tây Bắc (bài 3): Người Mông ở Sơn La khá giả nhờ cây thảo quả

Tuệ Linh - A Và Thứ năm, ngày 05/11/2020 19:02 PM (GMT+7)
Theo PV Báo điện tử DANVIET.VN, tận dụng lợi thế thiên nhiên ban tặng, bà con người Mông ở xã Chiềng Ân huyện Mường La (tỉnh Sơn La) đã khá giả nhờ trồng thảo quả. Nhờ trồng loài cây cho ra từng chùm quả màu đỏ dưới gốc này, cuộc sống đồng bào Mông nơi đây đã bước sang một trang mới.
Bình luận 0

Chiềng Ân là xã vùng III, miền núi của huyện Mường La (tỉnh Sơn La), nằm ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển. 

Mùa hè khí hậu mát mẻ quanh năm, mùa đông rét đậm, rét hại và địa hình đồi núi dốc…Xã có tổng diện tích tự nhiên là 8.499ha, 7 bản với 513 hộ và 2.905 nhân khẩu, trong đó dân tộc Mông chiếm 95%. 

Toàn xã Chiềng Ân có 4.116,17ha rừng, trong đó chủ yếu những cánh rừng già tự nhiên, nhiều khe suối và độ ẩm cao.

Người Mông ở đây giàu lên nhờ trồng loài cây ra chùm quả màu đỏ dưới gốc - Ảnh 1.

Từ trồng thảo quả, nhiều người dân ở xã Chiềng Ân, huyện Mường La, tỉnh Sơn La đã thoát được nghèo và vươn lên làm giàu.

Do là xã vùng cao, giao thông đi lại khó khăn, địa hình dốc, tập quán canh tác lạc hậu phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết, khí hậu nên bao đời nay cái đói, cái nghèo vẫn cứ bấu víu lấy cuộc sống của họ. 

Cách đây gần chục năm về trước, nghe một số người truyền tai nhau bảo rằng nơi đây thích hợp trồng thảo quả - một loại cây xóa nghèo ở các bản vùng cao. Thấy vậy, một số hộ dân người Mông ở bản Ta Pù Chử, xã Chiềng Ân đã cất công vượt núi sang huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) lấy giống thảo quả về trồng với mong muốn "đuổi" cái đói, cái nghèo ra khỏi nhà, khỏi bản.

Từ trung tâm xã Chiềng Ân, chúng tôi vượt hơn 25km đường đất mới vào đến bản Ta Pù Chử. Đây là bản xa nhất của xã Chiềng Ân, không có sóng điện thoại, không có điện. Bản có 40 hộ là người đồng bào dân tộc Mông với những nếp nhà nằm chon von trên sườn núi.

Người Mông ở đây giàu lên nhờ trồng loài cây ra chùm quả màu đỏ dưới gốc - Ảnh 2.

Mùa thu hoạch thảo quả ở bản Ta Pù Chử.

Nở nụ cười tươi rói đón chúng tôi, anh Phàng A Danh, Trưởng bản Ta Phù Chử bảo: "Trước đây, đời sống của bà con nơi đây gặp rất nhiều khó khăn, quanh năm làm lụng vất vả nhưng vẫn nghèo liên miên. Giờ đây, nhờ biết biến khó khăn thành lợi thế để phát triển cây thảo quả, cuộc sống của người Mông bản Ta Pù Chử đang dần khởi sắc".

Đứng trước sân nhà, anh Danh quay người chỉ tay lên đỉnh núi sau nhà và bảo: "Bên dưới những cánh rừng xanh ngát kia là 20ha thảo quả của cả bản đấy. Loài cây này đang từng bước giúp người dân trong bản xóa đói, làm giàu".

Trò chuyện với chúng tôi, anh Giàng A Pánh, bản Ta Pù Chử - một trong những người đầu tiên mang giống cây thảo quả về trồng ở bản đây, kể: "Năm 2013, tôi cùng với một số anh em băng rừng, vượt núi đi sang Mù Cang Chải mang giống thảo quả về trồng được 2ha dưới tán rừng...".

Sau khi trồng được vài năm trước, băng tuyết phủ trắng mái nên chết gần một nửa. Mấy năm trở lại đây, gia đình anh Pánh đã khắc phục được số diện tích bị chết do băng giá...

Người Mông ở đây giàu lên nhờ trồng loài cây ra chùm quả màu đỏ dưới gốc - Ảnh 3.

Khai thác lợi thế diện tích rừng rộng lớn, khí hậu mát mẻ quanh năm, những năm gần đây, đồng bào Mông ở một số bản của xã Chiềng Ân, huyện Mường La, tỉnh Sơn La đã chủ trọng phát triển cây thảo quả dưới tán rừng. Cách làm này vừa giúp bà con tăng thu nhập vừa giữ được rừng.

"Mùa thu hoạch thảo quả năm nay, gia đình tôi sấy khô được hơn 1 tấn quả khô. Bán với giá trên 120 nghìn đồng/kg, gia đình tôi thu lãi hơn 100 triệu đồng. Nhờ trồng thảo quả, gia đình tôi đã sắm sửa được nhiều vật dụng cần thiết trong nhà, mua được xe máy, không lo cảnh thiếu ăn, thiếu mặc như trước kia nữa", A Pánh hào hứng nói. 

Tiếp tục di chuyển đi bản Nong Hoi Dưới, gia đình anh Cứ A Lử đang tất bật ngược dốc để thu hoạch thảo quả. 

A Lử chia sẻ: "Gia đình tôi bắt đầu trồng thảo quả từ năm 2012. Trước đây, trồng xong để đấy nên phải đến mùa vụ năm 2017 mới được thu lứa quả đầu tiên. Hiện, gia đình có hơn 1ha cây thảo quả. Vụ này, gia đình tôi hái được khoảng 3 tấn quả tươi, bán với giá 20 nghìn đồng/kg, thu gần 70 triệu đồng. Hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng ngô, trồng sắn".

Người Mông ở đây giàu lên nhờ trồng loài cây ra chùm quả màu đỏ dưới gốc - Ảnh 4.

Để cây thảo quả sinh trưởng và phát triển tốt, sau mỗi vụ thu hoạch phải phát cỏ và dọn sạch xung quanh gốc, chặt bỏ những gốc cây già, trồng thay thế những cây bị chết.

Từ những ha ban đầu, đến nay diện tích thảo quả trên toàn xã Chiềng Ân đã tăng lên 50ha, tập trung chủ yếu ở các bản: Ta Pù Chử, Nong Hoi Dưới, Nong Bông, Sạ Súng...

Trao đổi với chúng tôi, ông Sùng A Tủa - Chủ tịch UBND xã Chiềng Ân, thông tin: "So với một số cây trồng khác, bước đầu, cây thảo quả đã và đang đem lại giá trị kinh tế cao cho nhiều hộ dân. Từ nguồn thu nhập của thảo quả đã giúp các hộ dân từng bước thoát nghèo và vươn lên thành hộ khá...".

Tuy nhiên, theo ông Tủa, về lâu dài bên cạnh việc mở rộng thêm một số diện tích trồng thảo quả, xã đã tuyên truyền, vận động các hộ dân chăm sóc, thu hái, sơ chế thảo quả phải đi đôi với bảo vệ rừng, tránh các tác động xâm hại đến rừng tự nhiên. 

Ngoài ra, UBND xã đã chỉ đạo cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng, chăm sóc, quy trình thu hoạch và bảo quản để làm sao đạt được hiệu quả cao nhất...

Người Mông ở đây giàu lên nhờ trồng loài cây ra chùm quả màu đỏ dưới gốc - Ảnh 5.

Mùa sấy thảo quả của người dân bản Ta Pù Chử, xã Chiềng Ân, huyện Mường La, tỉnh Sơn La.

Có thể nói, những năm gần đây, cây thảo quả đã mang lại thu nhập không nhỏ cho người dân xã Chiềng Ân. 

Nhờ trồng thảo quả, cuộc sống của đồng bào Mông nơi đây đã khấm khá hơn trước rất nhiều. Nhiều hộ trồng thảo quả không những thoát nghèo mà còn vươn lên thành hộ khá, giàu. 

Điển hình như các hộ: Anh Sùng A Chu, bản Nong Bông; anh Giàng A Pánh, anh Sùng A Của, bản Ta Pù Chử; ông Cứ A Lử, bản Nong Hoi Dưới…

Đối với một xã vùng III còn nhiều khó khăn như Chiềng Ân, cây thảo quả đang dần khẳng định được vị thế và được bà con đồng bào Mông nơi đây ví như cây "đuổi" đói nghèo ra khỏi bản. 

Thiết nghĩ rằng, trong thời gian tới, cấp uỷ, chính quyền nơi đây cần xây dựng kế hoạch cụ thể về phát triển cây thảo quả ở các bản, xã vùng cao trên địa bàn huyện Mường La. Đồng thời, có cơ chế, chính sách khuyến khích một số đơn vị, doanh nghiệp vào liên kết, đầu tư chế biến thảo quả cùng người dân để đảm bảo đầu ra ổn định, hướng tới việc phát triển một cách bền vững.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem