Sông Lam chảy “máu”

Thứ ba, ngày 25/01/2011 13:34 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Dòng Lam thơ mộng đang từng giờ, từng phút bị con người đào bới tan hoang để tìm vàng, gây ô nhiễm trầm trọng, làm thay đổi dòng chảy, gây sạt lở đôi bờ...
Bình luận 0

Để tận thu khoáng sản vùng lòng hồ Thuỷ điện Bản Vẽ và Thuỷ điện Khe Bố ở Tương Dương, tỉnh nghệ An đã cấp giấy phép cho các tổ chức, cá nhân khai thác vàng sa khoáng.

img
Tàu khai thác vàng làm sạt lở bờ sông Lam đoạn qua xã Thạch Giám, huyện Tương Dương.

“Máu” sông tuôn chảy

Bắt đầu từ cuối năm 2004, nhiều doanh nghiệp địa phương đã vay vốn đầu tư hàng tỷ đồng sắm tàu, thuyền và các thiết bị máy móc để khai thác vàng, trong đó có Công ty cổ phần Khoáng sản 4, Công ty TNHH kẽm Kim Bình - Vân Nam (Trung Quốc).

Không những tàu có phép mà tàu không phép cũng ngang nhiên hoạt động. Hàng chục chiếc tàu suốt ngày đêm moi ruột sông để tìm vàng ở hạ lưu dòng Nậm Nơn thuộc xã Kim Đa, Hữu Khuông, Luân Mai, Xá Lượng và thượng nguồn sông Cả (sông Lam) thuộc xã Tam Quang, Thạch Giám…

Những đoạn sông này bị tàu cuốc sục vòi rồng moi đất đá từ lòng sông lên chất thành từng đống ngổn ngang giữa dòng, nước sông 24/24 giờ đỏ ngầu như màu máu. Người dân sinh sống nơi những lưu vực khai thác vàng này hết sức bất bình.

Ông Vi Văn Tính ở bản Pen, xã Tam Quang nói: "Từ khi có tàu khai thác vàng, hàng trăm hộ dân sống hai bên bờ sông không có nước để sinh hoạt, hàng chục hộ nuôi cá lồng thì cá chết hàng loạt, bây giờ chẳng ai nuôi được nữa. Đất đá lổn nhổn chắn dòng làm thay đổi dòng chảy gây sạt lở đất và tạo thành vực xoáy, đã có nhiều vụ đắm đò rồi!".

Đau cả dòng sông

Sự thay đổi dòng chảy không những ảnh hưởng đến sinh hoạt của hàng trăm hộ dân ở Tương Dương sống bên sông, mà còn tàn phá nặng các công trình giao thông. Sự xâm thực của nước đã làm xói lở ta luy âm Quốc lộ 7 ở xã Lưu Kiền và xã Thạch Giám. Nhiều đoạn sạt lở dẫn đến nguy cơ QL 7A bị chia cắt.

Tai hoạ là thế nhưng ngày 9-2-2007 UBND tỉnh nghệ An lại ký quyết định cho Công ty Xuất nhập khẩu khoáng sản Lạng Sơn khai thác vàng sa khoáng lòng sông Lam thuộc huyện Con Cuông. Hàng chục tàu cuốc khai thác vàng ồ ạt và rầm rộ. Những tàu này thi nhau sục xuống lòng sông đào bới không thương tiếc. Hàng chục km sông bị lật tung.

Toàn cảnh tuyến sông khoảng 15km ở Con Cuông mùa nước cạn thấy lòng sông bị đào bới nham nhở. Những hố sâu như hố bom, từng đống đá khổng lồ giữa dòng ùn lên chất đống, hai bên bờ sạt lở hoác hàm ếch, đỏ lòm.

Theo một cửu vạn làm vàng, các tàu khai thác vàng đều sử dụng thuỷ ngân và Cyanua để xử lý vàng. Một số người dân xã Chi Khê cho biết, có nhiều hôm cá chết nổi lềnh bềnh trên dòng sông, họ vớt về cho lợn ăn nhưng lợn cũng không ăn nổi; người tắm sông về ngứa ngáy, nổi mẩn lở loét...

Khoảng 6 năm trở lại nay, tuyến sông đi qua huyện Anh Sơn cứ vào mùa mưa lũ gây sạt lở thường xuyên, đe doạ đến tính mạng, tài sản của nhiều hộ dân. Sự xâm thực của nước đã cuốn đi hàng trăm ha đất canh tác và đất ngụ cư.

Tình trạng sạt lở hơn 40km bờ sông ảnh hưởng đến đời sống, ổn định dân cư của 91 hộ dân thuộc 9 xã. Có tuyến sạt lở rất nghiêm trọng như ở xóm 2, xã Đỉnh Sơn. Nhà của 60 hộ dân xóm 2 chỉ cách chỗ sạt lở chưa đầy 10 - 15m.

Anh Phạm Sĩ Y cho biết: "Vườn nhà tui trong 3 năm qua bị sông ngoạm mất 30m chiều sâu,  bây giờ bờ sông cách tường nhà chưa đầy 2m. Đất lở nhanh khủng khiếp". Theo thống kê, 60 hộ dân ở xóm này trong 3 năm trở lại đây đã bị sông “nuốt” 300m2 đất/hộ.

Huyện Đô Lương cũng sạt lở chẳng kém gì Anh Sơn. Những xã sạt lở nhiều nhất là Tràng Sơn, Bồi Sơn, Ngọc Sơn, Lam Sơn. Điểm sạt lở trầm trọng nhất là ở xã Tràng Sơn. 6 năm trở lại đây, bờ sông Lam đi qua địa bàn Tràng Sơn sạt lở với độ dài gần 700m, diện tích sạt lở trên 30ha.

Theo báo cáo của Phòng Hạ tầng kinh tế kỹ thuật huyện và xã thì trước đây chỗ gần nhất với mép sông và Quốc lộ 15 khoảng 140m, nhưng qua mấy năm sạt lở, đoạn này chỉ còn chưa đầy 14m.

Xuôi xuống các huyện Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên có rất nhiều điểm sạt lở, đặc biệt là ở Nam Cường (Nam Đàn), nước sông cuốn trôi trên 10 ha đất canh tác, có đoạn sạt lở 800m, nước sông Lam chỉ cách tuyến đường sắt Bắc - Nam chưa đầy 5-10m.

Chính quyền vô cảm!

Lãnh đạo Phòng Tài nguyên - Môi trường khẳng định: "Từ đầu năm 2010 đến nay, chúng tôi không cấp giấy phép cho doanh nghiệp nào khai thác cát sạn trên địa bàn tỉnh, trong đó có khu vực sông Lam". Thế nhưng dọc tuyến sông dài hơn 100km từ Anh Sơn xuôi xuống cầu Bến Thuỷ, theo quan sát của chúng tôi, suốt từ năm 2010 đến nay mỗi ngày có hàng trăm tàu thuyền vẫn vô tư khai thác cát sạn.

Trao đổi với phóng viên, các vị lãnh đạo UBND huyện Tương Dương, Con Cuông đều nói rằng: Việc khai thác vàng sa khoáng ở lòng sông là được cấp trên cho phép. Trước khi khai thác, chúng tôi buộc đối tác ký cam kết về việc bảo vệ môi trường.

Theo tìm hiểu của phóng viên, cơ quan công an và Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện thường xuyên kiểm tra , xử phạt những tàu khai thác vi phạm. Nhưng trên thực tế thì tình trạng khai thác bừa bãi vẫn diễn ra.

Được biết, cho thực hiện hợp đồng khai thác vàng sa khoáng trên sông, khu vực huyện quản lý sẽ mang lại cho huyện vài tỷ đồng vào nguồn thu ngân sách. Vài tỷ đồng đối với huyện nghèo quả là không nhỏ. Nhưng vì vài tỷ đồng mà cho bới tung cả lòng sông lên bán, làm dòng sông biến dạng, ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng trầm trọng đến môi trường, sức khoẻ của hàng triệu người là cái giá quá đắt.

Ngày 15-1-2011, chúng tôi lại chứng kiến hàng chục con người dựng lán cùng với vòi rồng và các phương tiện máy móc từ thô sơ đến hiện đại, thi nhau khoét bờ sông Lam, đoạn bản Lau, xã Thạch Giám, huyện Tương Dương để tìm vàng...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem