Sự cố 100 container điều xuất khẩu sang Ý: Cú lừa quá nặng, doanh nghiệp đã chủ quan?

Nguyên Vỹ Thứ sáu, ngày 11/03/2022 12:07 PM (GMT+7)
Lỗi chủ quan của doanh nghiệp (DN) mua bán điều vẫn là nguyên nhân chính trong sự cố 100 container điều xuất khẩu sang Ý vừa qua.
Bình luận 0

Đại diện Richard Franco Agency, Inc., một nhà môi giới của Mỹ chia sẻ những góc nhìn riêng về vụ môi giới 100 container điều xuất khẩu sang Ý vừa qua.

Nghề môi giới mua bán điều rất quan trọng

Ngành điều Việt Nam không lạ lẫm gì với cái tên Richard Franco Agency, Inc. (tên giao dịch: RFA).

Công ty RFA được ông Richard Franco thành lập năm 1947. RFA có mục đích hỗ trợ những người mua quốc tế, nhất là tại Mỹ, trong việc tìm kiếm, kết nối với những nhà cung cấp bản địa.

Việc kết nối nhằm thu mua các loại hạt mà người tiêu dùng Mỹ yêu thích, trong đó có hạt điều Việt Nam.

Năm 1994, RFA mở văn phòng đại diện tại TP.HCM, và trở thành văn phòng môi giới đầu tiên của 1 DN Mỹ ở Việt Nam.

RFA có mục đích hỗ trợ người mua quốc tế thu mua các loại hạt, trong đó có hạt điều Việt Nam. Ảnh: Nguyên Vỹ

RFA có mục đích hỗ trợ người mua quốc tế thu mua các loại hạt, trong đó có hạt điều Việt Nam. Ảnh: Nguyên Vỹ

Bà Trần Thị Ngọc Nga là cán bộ kinh doanh (Trader) ở văn phòng RFA tại TP.HCM. Bà Nga có thâm niên gắn bó với ngành điều, ít nhất từ năm 1994 đến nay.

Hiện tại, RFA vẫn đang đại diện cho rất nhiều DN rang chiên, nhà nhập khẩu hàng đầu Mỹ.

Ông Nguyễn Đức Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas) từng đánh giá, RFA chính là đơn vị tiên phong trong việc xuất khẩu nhân điều Việt Nam sang Mỹ.

Và bà Nga là 1 trong những cá nhân có công lớn, hỗ trợ các DN nhỏ và vừa Việt Nam trong những ngày đầu bước vào nghề xuất khẩu hạt điều.

Trao đổi với báo Dân Việt, bà Nga kể, không giống như ở Việt Nam, 2 người không quen biết nhau, chỉ cần trao đổi qua điện thoại là có thể môi giới thành công.

"Ngược lại, ở Mỹ hoặc EU, môi giới là một nghề chuyên nghiệp và rất quan trọng", bà Nga nhấn mạnh.

Ví dụ, mỗi năm, một nhà rang chiên ở Mỹ cần mua 2.000 container điều nhân. Trong khi, mỗi nhà máy chỉ bán chừng 20 container. Như thế, nhà rang chiên phải làm việc với 100 nhà máy.

"Đó là điều không thể, vì họ không có đủ thời gian", bà Nga nói.

Thực tế, cũng có nhiều DN xuất khẩu điều trong nước tìm cách mua bán trực tiếp với người mua, không qua môi giới.

Một thời gian sau, những DN này vẫn phải quay lại tìm nhà môi giới. Bỡi vì, việc đàm phán với người mua hoặc nhà rang chiên không hề dễ dàng.

Lúc này, cả người bán lẫn các nhà rang chiên cần một nhà môi giới đủ uy tín.

Theo bà Nga, ở Mỹ hoặc châu Âu, môi giới là một nghề chuyên nghiệp và rất quan trọng. Ảnh minh họa: Nguyên Vỹ

Theo bà Nga, ở Mỹ hoặc EU môi giới là một nghề chuyên nghiệp và rất quan trọng. Ảnh minh họa: Nguyên Vỹ

Tại Mỹ, nghề môi giới có những luật lệ ràng buộc với nhau chặt chẽ. Nhà môi giới nào phạm luật thì mất uy tín và dẹp nghề như chơi.

Bà Nga kể, nhiều người thường hiểu đơn giản, môi giới nghĩa là giới thiệu người này với người kia. Song thực tế không phải vậy.

Ngoài việc kết nối, nhà môi giới còn có nghĩa vụ phải bảo vệ cả 2 bên, người bán lẫn người mua.

Quyền lợi của nhà môi giới gắn liền trực tiếp với quyền lợi của 2 bên.  Việc môi giới cho khách hàng Việt Nam với đối tác nước ngoài cũng vậy.

"Và vì thế, uy tín của nhà môi giới rất quan trọng", bà Nga nói.

Sự cố 100 container điều xuất khẩu sang Ý: Cú lừa quá nặng trong hoạt động mua bán điều

Trở lại với Sự cố 100 container điều xuất khẩu sang Ý, bà Nga cho rằng đây là "cú lừa quá nặng" cho ngành điều. DN xuất khẩu điều phải gánh chịu tổn thất nặng ngay những ngày đầu năm.

Cú lừa đã được thực hiện rất tinh vi. Đối tượng lừa đảo có thể đã hiểu rất rõ các DN điều trong nước.

Và bà Nga cho rằng, sự cố lần này đến từ tâm lý chủ quan của các đơn vị trong nước.

Sự chủ quan trước hết do DN rất cần bán được điều nhân trong tình cảnh thương mại khó khăn.

Thứ 2 là sự chủ quan trong việc tìm hiểu thông tin người mua.

Thứ 3, người mua là khách mới nhưng lại đặt mua với số lượng lớn.

"Từ những sự chủ quan này, tôi không dám chắc nhưng có khả năng, chính Kim Hạnh Việt (công ty môi giới 100 container điều xuất khẩu sang Ý - PV) cũng là nạn nhân", bà Nga nói.

Việc mất kiểm soát kiểm soát các container điều xuất khẩu vừa qua khiến các DN gánh chịu tổn thất nặng nề ngay những ngày đầu năm. Ảnh minh họa: Nguyên Vỹ

Việc mất kiểm soát 36 trong 100 container điều xuất khẩu sang Ý vừa qua khiến các DN gánh chịu tổn thất nặng nề ngay những ngày đầu năm. Ảnh minh họa: Nguyên Vỹ

Ông Bạch Khánh Nhựt – Phó Chủ tịch Vinacas cũng cho biết, sự cố diễn ra trong tháng 2 (mùa Tết Nguyên đán). Đây là thời điểm giao dịch rất hạn chế. Có thể, người mua đã chọn đúng tâm lý muốn bán được của DN trong nước.

Theo ông Nhựt, vẫn chưa có bằng chứng nào về việc công ty Kim Hạnh Việt tiếp tay lừa đảo.

"Một DN có thể xuất 20-30 container/tháng là bình thường. Cho nên, các DN bán từ 3-4 container cho Kim Hạnh Việt không có gì lạ. Điểm khác lạ là 1 DN còn lại bán cho Kim Hạnh Việt 43 container; nhiều hơn hẳn 4 DN còn lại", ông Nhựt nói.

Dù sao, Vinacas vẫn đánh giá, các DN điều Việt Nam đã quá chủ quan và tin tưởng vào môi giới. Các DN cũng chưa biết rõ phía đối tác bên Ý, nhưng lại tin tưởng giao hàng.

Chế biến điều nhân xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở Bình Phước. Ảnh: Nguyên Vỹ

Chế biến điều nhân xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở Bình Phước. Ảnh: Nguyên Vỹ

Tỉnh Bình Phước là địa phương có nhiều DN chế biến điều xuất khẩu. Đây cũng là thị trường mua bán điều sôi động nhất nước.

Ông Tạ Quang Huyên - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hoàng Sơn 1 chia sẻ,  thường thì các DN xuất khẩu sẽ nhận tiền đặt cọc của người mua trước. Sau đó, hợp đồng mua bán với người mua mới được tiến hành.

Số tiền đặt cọc dao động từ 20-30% giá trị đơn hàng. Khi người mua không đặt cọc, giao dịch xem như bị hủy.

Vì thế, theo ông Huyên, sự cố 100 container điều xuất khẩu sang Ý vừa qua là sơ suất của chính DN, không liên quan đến đơn vị môi giới. Bởi vì đơn vị môi giới không có trách nhiệm thanh toán cho đơn hàng. Và các đơn hàng vừa qua cũng giao dịch theo phương thức nhờ thu (D/P).  

Ông Nguyễn Hoàng Đạt - Giám đốc Công ty TNHH Vinahe kể, đơn vị rất hạn chế việc sử dụng phương thức D/P để xuất khẩu điều.

Theo ông Đạt, mỗi DN có cách đánh giá và lựa chọn cách bán hàng khác nhau. Công ty Vinahe chủ yếu bán hàng theo phương thức L/C (thư tín dụng) và cũng ít khi bán hàng cho khách lẻ.

"Với những đối tác thân quen và uy tín, vấn đề có thể không đáng ngại. Nhưng tìm hiểu kỹ người mua là việc cần thiết vì rủi ro luôn tìm ẩn trong mua bán điều", ông Đạt nói.

Với tư cách là Phó chủ tịch Hội điều Bình Phước, Nguyễn Hoàng Đạt cho biết, sự cố 100 container điều xuất khẩu sang Ý lần này không chỉ là bài học của riêng ngành điều, mà của nhiều ngành hàng khác nữa, kể cả ngân hàng.

"Hội điều Bình Phước đã khuyến cáo cho các DN thành viên cẩn trọng thực hiện hợp đồng mua bán điều; cũng như tìm hiểu kỹ khách hàng, nhà môi giới khi giao dịch", ông Đạt chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem