Tinh giản biên chế mới có nguồn để cải cách tiền lương
Bộ máy tinh gọn, biên chế "cắt gọt" mới có nguồn để cải cách tiền lương
Thùy Anh
Thứ hai, ngày 10/04/2023 06:00 AM (GMT+7)
Tinh giản biên chế công chức, viên chức không đơn giản chỉ là cách sắp xếp lại cơ cấu bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, chất lượng, mà còn là cách để thực hiện các mục tiêu quan trọng như tạo nguồn để cải cách tiền lương trong thời gian tới.
Cải cách tiền lương là một trong những nhiệm vụ quan trọng nằm trong chương trình tổng thể cải cách hành chính. Việc cải cách tiền lương sẽ tạo bước tiến lớn để thúc đẩy tăng năng suất lao động, đóng góp tích cực cho nền kinh tế.
Tại Việt Nam, chính sách tiền lương đã trải qua 4 lần cải cách (năm 1960, năm 1985, năm 1993 và năm 2003). Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo ban hành nhiều văn bản điều chỉnh, bổ sung, từng bước hoàn thiện chính sách tiền lương. Từ năm 2003 đến nay, nước ta đã thực hiện tăng mức lương tối thiểu chung 13 lần, từ 210.000 đồng lên 1.490.000 đồng/tháng và nâng lên 1.800.000 đồng/tháng từ 1/7 tới đây.
Theo đó, mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng của nhiều nhóm đối tượng cũng tăng theo. Việc tăng lương thời gian qua đã tác động tích cực đến đời sống của người lao động, đã tạo động lực, tâm lý tin tưởng cho người lao động yên tâm công tác và cống hiến.
Mặc dù vậy, chính sách tiền lương trong khu vực công vẫn chưa hoàn thiện. Hệ thống bảng lương còn chưa phù hợp với vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo; mang nặng tính bình quân, cào bằng, chưa tạo được động lực để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả làm việc của người lao động.
Cách tính lương công chức, viên chức bằng mức lương cơ sở nhân với hệ số không thể hiện rõ giá trị thực của tiền lương. Có quá nhiều loại phụ cấp, nhiều khoản thu nhập ngoài lương do nhiều cơ quan quyết định, bằng nhiều văn bản quy định khác nhau, làm phát sinh nhiều bất hợp lý, không thể hiện rõ thứ bậc hành chính trong hoạt động công vụ; chưa động viên được người có chuyên môn, nghiệp vụ. Nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương cơ bản vẫn do ngân sách nhà nước bảo đảm (khoảng 98%) và chủ yếu từ ngân sách trung ương (khoảng 68%). Việc điều chỉnh giá, phí dịch vụ công nhiều lĩnh vực còn chậm. Cơ chế tiền thưởng chưa gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ. Công tác thông tin, báo cáo, thống kê và cơ sở dữ liệu quốc gia về đối tượng và tiền lương trong khu vực công còn hạn chế.
Bên cạnh đó, tiền lương cơ bản của khu vực công thấp hơn khu vực doanh nghiệp, chưa đảm bảo nhu cầu thiết yếu của đời sống và chưa phải là nguồn thu nhập chính của công chức, viên chức. Việc thực hiện xã hội hóa và điều chỉnh giá phí dịch vụ công theo cơ chế thị trường trong nhiều lĩnh vực còn chậm.
Thực tế cũng cho thấy, tiền lương cứ tăng theo lộ trình, còn bộ máy lại càng phình to, điều này đã đi ngược với chủ trương tăng cường tinh giản biên chế công chức, viên chức nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động công vụ.
Để cải cách tiền lương thời gian tới, việc đầu tiên cần làm là tạo nguồn ngân sách. Trong khi ngân sách trung ương có hạn thì việc tinh giản biên chế là yếu tố tiên quyết nếu muốn đẩy nhanh tốc độ để cải cách tiền lương.
Tuy nhiên, việc cải cách tiền lương lại phụ thuộc nhiều vào công việc cải cách bộ máy hành chính gắn với tinh giản biên chế. Chỉ khi bộ máy hành chính công được tinh gọn, biên chế được "cắt gọt" không cồng kềnh thì mới có nguồn tiền để cải cách tiền lương.
Bà Phạm Thị Thanh Trà - Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng từng cho biết, giai đoạn 2019 -2021, Chính phủ đã tiết kiệm được 25.600 tỷ đồng từ tinh giản biên chế; số tiền này được đưa vào cải cách tiền lương cho công chức, viên chức.
Thời gian qua, mục tiêu tinh giản 10% biên chế về cơ bản đã được thực hiện. Tuy nhiên, chất lượng tinh giản biên chế chưa được như ý. Điều này khiến cho nhiều chuyên gia lo ngại vấn đề biên chế "có gọn nhưng chưa tinh".
Người đứng đầu ngành nội vụ cũng thẳng thắn đánh giá, việc tinh giản biên chế thời gian qua vẫn có tình trạng cào bằng, giảm theo hướng cơ học. Bộ trưởng lý giải, trong số tinh giản chỉ có khoảng 22%, còn lại là nghỉ hưu, thêm vào đó là những biên chế giao các đơn vị không sử dụng và không tuyển thêm.
Về vấn đề này, bà Trà cũng thừa nhận việc tinh giản vẫn làm theo hướng cơ học, giao chỉ tiêu cho các cơ quan, đơn vị để thực hiện mục tiêu giảm 10% biên chế.
Ông Bùi Sỹ Lợi - Nguyên phó chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của quốc hội cho rằng: Điều quan trọng hiện nay là phải tích cực tinh giản biên chế, cải cách bộ máy hành chính, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng nhanh chóng chuyển sang cơ chế tự chủ. Điều đó sẽ tác động đến cải cách chính sách tiền lương, bởi bộ máy quá cồng kềnh thì ngân sách sẽ không “gánh” nổi. Bởi vậy, ông Lợi cho rằng chỉ có thực hiện thành công đề án tinh giản biên chế chúng ta mới có lực để cải cách tiền lương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.