Nhằm tháo gỡ tình trạng ùn tắc phương tiện đến kiểm định vào các tháng cuối năm 2023 và trong năm 2024, Sở GTVT các tỉnh, Trung tâm đăng kiểm, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã đề xuất các giải pháp phòng ngừa và đề nghị sớm điều chỉnh mức giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới đang lưu hành.
Tại Hội nghị đánh giá tình hình hoạt động kiểm định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đề xuất giải pháp phòng ngừa nguy cơ ùn tắc phương tiện kiểm định vào những tháng cuối năm 2023 và trong năm 2024, tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định số 30/2023/NĐ-CP do Cục Đăng kiểm Việt Nam tổ chức đã nhận được nhiều ý kiến đề xuất tháo gỡ những vướng mắc với lĩnh vực đăng kiểm.
Nhận xét về hoạt động đăng kiểm, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề xuất cần nhanh chóng điều chỉnh giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới bởi giá dịch vụ kiểm định hiện nay đã ban hành được 10 năm, các chi phí cấu thành lên giá đã thay đổi rất nhiều.
"Nếu không kịp thời điều chỉnh sẽ rất khó thu hút nguồn nhân lực để gia tăng khả năng đáp ứng nhu cầu kiểm định", ông Quyền nhấn mạnh.
Theo ông Quyền, với mức phí tăng từ 100 – 200 nghìn đồng tuỳ từng phương tiện, người dân và doanh nghiệp rất ủng hộ bởi so với thiệt hại về kinh tế khi phải chờ đợi kiểm định do ùn tắc thì mức tăng này rất nhỏ.
Đồng tình với ý kiến của ông Quyền, đại diện Sở GTVT các tỉnh, thành phố đã thống nhất kiến nghị xem xét đẩy nhanh việc ban hành giá dịch vụ kiểm định mới để tháo gỡ khó khăn cho các Trung tâm đăng kiểm tiếp tục duy trì hoạt động phục vụ người dân.
Lý giải về việc chưa điều chỉnh giá dịch vụ kiểm định, ông Võ Thanh Bình, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch đầu tư, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định cho phép Bộ GTVT ban hành giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới đang lưu hành theo hình thức giá tối đa. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có phản hồi từ Chính phủ.
Ông Bình cho hay, trong lúc chờ ban hành giá dịch vụ kiểm định mới, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã đề xuất Bộ GTVT xem xét nội dung dự thảo thông tư quy định giá dịch vụ lập hồ sơ phương tiện được miễn kiểm định lần đầu và dịch vụ in lại Giấy chứng nhận và Tem kiểm định để sớm được ban hành.
"Để xây dựng mức giá mới phải dựa trên các định mức kinh tế kỹ thuật của đăng kiểm xe cơ giới, song hiện nay, chưa có các định mức này", ông Bình nêu ra khó khăn.
Theo ông Bình, nếu Chính phủ đồng ý sửa Nghị định thì nhanh nhất cũng phải sang năm 2024 mới có thể ban hành giá dịch vụ kiểm định mới do các thủ tục triển khai mất rất nhiều thời gian.
Trường hợp đến tháng 12/2023 nếu Chính phủ không phản hồi, sẽ xoay phương án nghiên cứu xây dựng thông tư ban hành giá dịch vụ kiểm định theo Luật Giá mới ban hành.
Không tạo ra các điểm "nóng" đăng kiểm
Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, lĩnh vực đăng kiểm khó khăn mấy cũng phải vượt qua để phục vụ nhân dân.
Thứ trưởng Thọ chia sẻ, theo Nghị định 30/2023, nhiệm vụ của Sở GTVT rất quan trọng. Giám đốc các sở GTVT phải quan tâm đến lĩnh vực đăng kiểm, để không tạo ra các điểm nóng, phức tạp đến mấy cũng phải tháo gỡ.
Nói về khó khăn sắp tới của lĩnh vực đăng kiểm, Thứ trưởng Thọ dự báo thời gian tới, nhóm phương tiện được gia hạn kiểm định sẽ bắt đầu quay trở lại kiểm định khi đến hạn làm tăng nhu cầu kiểm định xe cơ giới.
Qua đó, Thứ trưởng Thọ đề nghị các Sở GTVT địa phương, các hiệp hội vận tải tuyên truyền, vận động người dân và doanh nghiệp chủ động đưa xe đi đăng kiểm mà không nhất thiết phải chờ đến ngày hết hạn kiểm định để hạn chế tình trạng ùn tắc,
Cục Đăng kiểm Việt Nam chủ động xây dựng nguồn nhân lực mới bù cho số đăng kiểm viên bị khởi tố, nghỉ việc. Đồng thời, yêu cầu các địa phương, các trung tâm đăng kiểm phải hỗ trợ nhau trong điều tiết nhân sự.
Thứ trưởng Thọ lưu ý cần xem xét lại quy trình tuyển dụng, tập huấn đăng kiểm viên theo hướng rút gọn thời gian tập huấn, nhất là đối với các kỹ sư ô tô, cơ khí ô tô để nhanh chóng có được nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của hệ thống kiểm định. Quy định nào ở thông tư, quy chuẩn cần sửa đổi để thực hiện phải nghiên cứu đề xuất bộ.
Đối với việc nâng cao trách nhiệm quản lý, Thứ trưởng Thọ khẳng định, Nghị định 30/2023 đã phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, cần xác định rõ vai trò, nhiệm vụ của Cục Đăng kiểm Việt Nam, của Sở GTVT để thực hiện cho sát, cho hiệu quả.
"Các Sở GTVT phải nhận thức được trách nhiệm của mình trong quản lý hoạt động đăng kiểm trên địa bàn, không thể đưa ra các lý do để chậm trễ trong thực hiện nhiệm vụ", Thứ trưởng Thọ nêu rõ.
Đánh giá về hoạt động đăng kiểm, ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, nguồn thu bị sụt giảm do một lượng lớn các phương tiện được miễm kiểm định lần đầu, kéo dài thời gian chu kỳ kiểm định, được áp dụng gia hạn tự động ngay chu kỳ kiểm định mới mà không phải đưa xe đến kiểm định (Thông tư số 08/2023/TT-BGTVT).
Trong khi đó, giá dịch vụ kiểm định hiện tại được ban hành cách đây đã 10 năm, chưa có quy định về giá thu cho việc cấp miễn kiểm định lần đầu, in, cấp lại giấy chứng nhận, tem kiểm định bị hỏng mất..., gây ảnh hưởng lớn đến nguồn thu và kế hoạch tài chính của các trung tâm đăng kiểm.
"Nhiều trung tâm đăng kiểm nguồn thu không đủ bù đắp chi phí hoạt động và chi trả lương cho nhân viên", ông An nói về khó khăn.
Theo báo cáo của các Sở GTVT, hiện nay chi phí cho kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị, dụng cụ kiểm tra của trung tâm đăng kiểm rất nhiều và không đồng nhất.
Việc này trước đây do Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện và thu giá theo quy định tại Thông tư số 238/2016/TT-BGTVT chỉ có 450.000 đồng/1 thiết bị.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.