Thả 8 tấn cá giống gồm cá trắm đen, cá chép, mè hoa xuống hồ Thác Bà-hồ nhân tạo lớn nhất Yên Bái
Thả 8 tấn cá giống gồm cá trắm đen, cá chép, cá mè hoa xuống hồ nhân tạo lớn nhất Yên Bái
Hoàng Hữu
Thứ năm, ngày 12/12/2024 17:06 PM (GMT+7)
Chương trình thả cá giống gồm cá trắm đen, cá chép, cá mè hoa xuống hồ Thác Bà góp phần phục hồi hệ sinh thái, bảo vệ môi trường vùng hồ Thác Bà. Khi nguồn cá tự nhiên dồi dào sẽ góp phần đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm cho người dân, đồng thời tạo điều kiện phát triển kinh tế cho doanh nghiệp và địa phương.
Sáng 12/12, tại bến thủy khu du lịch Ruby, huyện Yên Bình, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái phối hợp với Công ty Cổ phần Nuôi trồng và Chế biến thủy sản Việt Nam tổ chức thả hơn 8 tấn cá giống các loại nhằm phát triển vùng nguyên liệu gắn với bảo vệ, khai thác và liên kết tiêu thụ thủy sản tại hồ Thác Bà.
Trong đợt này, các đơn vị chức năng đã thả trên 8 tấn cá giống xuống vùng lòng hồ Thác Bà gồm các loại: cá trắm đen, cá chép, cá trôi và cá mè hoa với trọng lượng từ 1-3 lạng. Tổng giá trị gần 500 triệu đồng.
Ông Quách Mạnh Long, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nuôi trồng và Chế biến thủy sản Việt Nam cho hay, theo kế hoạch được phê duyệt, năm 2024, Công ty có hai đợt thả cá giống xuống hồ Thác Bà với khoảng 1.000 tấn trong vùng lòng hồ Thác Bà. Chương trình không chỉ hướng đến việc phát triển kinh tế mà còn mong muốn đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh Yên Bái. Công ty sẽ đầu tư con giống, hỗ trợ người dân các ngư lưới và bao tiêu sản phẩm. Qua khảo sát hồ Thác Bà có sản lượng 7.000 tấn cá, công ty dự kiến mỗi năm sẽ trích khoảng 30 tỷ đồng hỗ trợ sinh kế cho nhân dân (500-600 hộ dân được hưởng lợi).
Ông Quách Mạnh Long, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nuôi trồng và Chế biến thủy sản Việt Nam cũng đề nghị cơ quan, ban ngành của tỉnh Yên Bái tiếp tục đồng hành, phối hợp chặt chẽ cùng công ty trong việc kiểm tra, xử lý triệt để các ngư lưới cụ cấm để mở ra cơ hội việc làm, phát triển sinh kế và nâng cao đời sống cho nhân dân; góp phần gắn bó lâu dài giữa công ty và tỉnh Yên Bái. Sau 1-2 năm thực hiện, công ty sẽ nghiên cứu làm nhà máy sơ chế ngay tại địa bàn.
"Sau 2 năm nghiên cứu, đánh giá, Công ty nhận thấy hồ Thác bà có tiềm năng rất tốt để phát triển thủy sản kết hợp tạo sinh kế cho người dân. Đối với các rủi ro có thể mắc phải Công ty cũng đã có các phương án phòng tránh. Sự phối hợp giữa 3 bên doanh nghiệp, cơ quản quản lý nhà nước và người dân sẽ tạo nên mấu chốt của thành công đó là bà con nông dân phải bảo vệ được đàn cá giống". Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nuôi trồng và Chế biến thủy sản Việt Nam nhấn mạnh.
Để bảo vệ đàn cá sau khi thả cá giống xuống hồ Thác Bà, từ đầu tháng 10, các ngành chức năng của tỉnh Yên Bái phối hợp với công ty kiểm tra và ngăn ngừa người dân sử dụng các ngư lưới cụ cấm nhằm đảm bảo sự an toàn tuyệt đối cho đàn cá giống khi được thả xuống hồ.
Ông Nguyễn Đức Điển, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết, UBND tỉnh Yên Bái chấp thuận cho Công ty Cổ phần Nuôi trồng và Chế biến thủy sản Việt Nam tiến hành thả cá sinh trưởng phát triển tự nhiên tại hồ Thác Bà. Sau đó, công ty liên kết với người dân để khai thác, thu mua sản phẩm. Việc làm này được thực hiện liên hoàn, liên tục theo năm.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái, chương trình thả cá giống xuống hồ Thác Bà không chỉ mang ý nghĩa về kinh tế mà còn thể hiện sự quan tâm của chính quyền địa phương với bảo vệ môi trường. Qua đó, từng bước bảo tồn, tái tạo và phát triển đa dạng nguồn thủy sản; tăng cường số lượng cá trong hồ góp phần phục hồi hệ sinh thái và bảo vệ môi trường nước trên vùng hồ Thác Bà. Khi nguồn cá tự nhiên dồi dào sẽ góp phần đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm cho người dân, đồng thời tạo điều kiện phát triển kinh tế địa phương.
Hồ Thác Bà là một trong ba hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam. Hồ có diện tích 23.400 ha; trong đó, diện tích mặt nước 19.050 ha, chiều dài 80 km, chiều rộng lớn nhất 30 km, mực nước dao động từ 46 m đến 58 m, chứa được 3 đến 3,9 tỉ mét khối nước. Hồ Thác Bà còn có hơn 1.300 đảo lớn nhỏ tạo nên nhiều hang động và cảnh đẹp. Đây là tiềm năng để người dân phát triển nghề nuôi trồng thủy sản và du lịch, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.