Thanh Hóa: Tận dụng nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều phụ nữ thoát nghèo, tăng thu nhập

Thùy Anh Thứ ba, ngày 24/12/2024 11:28 AM (GMT+7)
Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào công tác giảm nghèo một cách hiệu quả chính là bí kíp để Thanh Hóa giúp nhiều chị em phụ nữ nghèo vươn lên làm kinh tế, tăng thu nhập.
Bình luận 0

Nhiều phụ nữ thoát nghèo bền vững nhờ được hỗ trợ

Từng nhiều năm nằm trong danh sách hộ nghèo, gia đình chị Phùng Thị Quý, 50 tuổi ở xã Cẩm Thành (Cẩm Thủy) đã phải chật vật nhiều phen mới thoát nghèo được. Chị Quý chia sẻ, 7 năm về trước gia đình chị may mắn được hưởng lợi từ chương trình "mô hình giảm nghèo" tại địa phương.

 “7 năm về trước (năm 2017) việc thoát nghèo của gia đình tôi tưởng chừng như rất xa vời, bởi đất sản xuất ít, ngoài làm nông hai vợ chồng không có việc làm thêm, khó khăn lại chồng chất khó khăn. Thế rồi gia đình tôi được hội nông dân, hội phụ nữ xã đứng ra tín chấp, gia đình tôi được vay vốn phát triển chăn nuôi, lại được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi do xã, huyện tổ chức, cùng với việc tham khảo kinh nghiệm của các hộ chăn nuôi trong xã, tôi đã có thêm kiến thức để áp dụng vào thực tiễn chăn nuôi của gia đình", chị Quý kể.

Đến nay, ngoài nuôi đàn trâu, bò, gia đình chị còn nuôi thêm đàn lợn, gà, vịt. Vừa phát triển chăn nuôi vừa chú ý vệ sinh chuồng trại, phòng trừ dịch bệnh, đàn lợn, gà phát triển ổn định cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm (sau khi đã trừ chi phí)... Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân và sự hỗ trợ từ địa phương, cộng đồng, đến năm 2020, gia đình chị Quý đã chính thức ra khỏi danh sách hộ nghèo của thôn.

Thanh Hóa: Tận dụng nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều phụ nữ thoát nghèo, tăng thu nhập - Ảnh 1.

Nhiều phụ nữ làm chủ hộ, thuộc hộ nghèo, cận nghèo đã được hỗ trợ sinh kế để giảm nghèo bền vững. Ảnh: Việt Hoàng

Bà Nguyễn Thị Thành - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa cho biết, thời gian qua, Hội cũng tìm nhiều giải pháp tạo việc làm, hỗ trợ vốn vay... cho lao động nữ thuộc diện cận nghèo, hoặc hộ nghèo nhằm giúp họ thoát nghèo bền vững.

"Chúng tôi rà soát các đối tượng nghèo, phân loại từng đối tượng hỗ trợ theo nhu cầu, từ đó phối hợp với các đơn vị liên quan và kêu gọi hỗ trợ cho chị em về vốn, kiến thức. Cách làm hiệu quả nên được nhiều chị em hưởng ứng, kết quả thực hiện tốt", bà Thành nói.

Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Cẩm Thủy giảm còn 2,96%

Ông Nguyễn Hải Sâm - Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cẩm Thủy (tỉnh Thanh Hóa) cho biết, thời gian qua địa phương dành nhiều nguồn lực và sự quan tâm với công tác giảm nghèo, nhất là giảm nghèo cho những hộ có phụ nữ làm chủ hộ kinh doanh.

Theo đó, các chính sách bình đẳng giới được lồng ghép khá nhiều trong hoạt động giảm nghèo. Nhờ vậy, chị em phụ nữ được tham góp cụ thể từ khâu hoạch định chính sách; khảo sát, điều tra... để có phương án giảm nghèo phù hợp, hiệu quả.

Ông Sâm cũng cho biết, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2024, tính đến cuối tháng 5, UBND huyện Cẩm Thủy đã phê duyệt 11 dự án chăn nuôi trâu, bò sinh sản hỗ trợ cho 188 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, với tổng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ 3,1 tỷ đồng, huy động của các hộ dân tham gia dự án 2,2 tỷ đồng. Đây là những con số của dự án 2 về đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo của địa phương.

Nhờ sự chủ động, tích cực của chính quyền cũng như hiệu quả của các mô hình hỗ trợ sinh kế, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm từ 4,63% năm 2022 xuống còn 2,96% vào tháng 6/2024.

Không chỉ ngành lao động, Hội phụ nữ tỉnh Thanh Hóa thời gian qua cũng đưa vấn đề giảm nghèo vào mục tiêu trọng tâm của Hội. Theo đó, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ 2021 - 2026 đề ra chỉ tiêu: Hàng năm, mỗi cơ sở Hội giúp ít nhất 5 hộ phụ nữ thoát nghèo, thoát cận nghèo; hỗ trợ tập huấn nâng cao năng lực cho 300 phụ nữ là chủ doanh nghiệp, hộ kinh doanh, quản lý hợp tác xã, chủ hộ kinh doanh.

Đến cuối nhiệm kỳ, giảm tỷ lệ hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ dưới 2%; vận động, hỗ trợ thành lập mới 250 doanh nghiệp nữ, 10 hợp tác xã có phụ nữ tham gia quản lý…

Trên cơ sở các chỉ tiêu chung, căn cứ vào điều kiện thực tế của từng địa phương, đơn vị, thời gian qua, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã đẩy mạnh phong trào phụ nữ khởi nghiệp, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tự tin vươn lên thoát nghèo.

Những mô hình tốt, cách làm hay, hiệu quả trong công tác giảm nghèo của nhiều đơn vị trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa một lần nữa chứng minh tính đúng đắn của việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, "ưu tiên phụ nữ hưởng lợi" khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem