Thanh tra "phù phép" hô biến trách nhiệm Tổng giám đốc Công ty thoát nước Hà Nội: Có không tồn tại những tiêu cực?

Quang Dân Thứ hai, ngày 24/08/2020 11:09 AM (GMT+7)
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, còn tồn tại nhiều tiêu cực trong công tác thanh tra, bên sai phạm tìm mọi cách nhằm chạy chọt; đút lót; quan hệ, bên thực hiện công vụ thì nhận hối lộ; lấp liếm; bao che vì lợi ích nhóm. Dẫn đến kết luận bị "phù phép" từ to thành nhỏ, nhỏ thành không.
Bình luận 0

Bộ Công an đã khởi tố đối với ông Võ Tiến Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội. Tìm hiểu của Dân Việt, trước đó Thanh tra Hà Nội đã kết luận về việc mua chế phẩm Redoxy 3C, trong kết luận ban đầu có nêu rõ trách nhiệm của người này. Tuy nhiên, kết luận thay thế sau đó, thông tin về thiếu sót của ông Võ Tiến Hùng đã biến mất.

Trước đó nữa, vụ việc  4 thành viên đoàn thanh tra Bộ Xây dựng ‘vòi vĩnh’ nhận hơn 2 tỷ ở Vĩnh Phúc một lần nữa đưa đến những câu hỏi trong việc trách nhiệm và nghĩa vụ của công tác thanh tra. Đặc biệt, có nhiều vụ án vi phạm hình sự được lực lượng chức năng triệt phá trong thời gian qua. Đáng nói ở đây, những vụ án này đa số có thời gian vi phạm kéo dài. Trong khi đó, nhiều đoàn thanh tra tiến hành nhiệm vụ nhưng hoặc không phát hiện ra sai phạm hoặc kết luận thanh tra bị "tác động" dẫn đến không phản ánh đúng thực tế của vụ việc gây ra hậu quả nặng nề.

Tồn tại nhiều vấn đề trong công tác thanh tra? - Ảnh 1.

Thanh tra Hà Nội đã kết luận về việc mua chế phẩm Redoxy 3C có liên quan đến trách nhiệm của ông Võ Tiến Hùng, Tổng giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội.

Lực lượng xác minh sai phạm chính là người "tạo ra" sai phạm?

Trao đổi với Dân Việt về vấn đề này, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, cho rằng có 3 khả năng xảy ra trong câu chuyện này.

Thứ nhất, năng lực, trình độ của lực lượng tiến hành thanh, kiểm tra có chuyên môn yếu kém, không phát hiện ra sai phạm, dẫn đến câu chuyện để sự việc kéo dài. Sau đó, khi đơn vị khác phát hiện ra sai phạm thì lý do này luôn được lấy làm lời giải thích trước việc xem xét về mặt trách nhiệm của đoàn thanh tra trước đó.

Thứ hai, tồn tại nhiều vấn đề tiêu cực trong chính hoạt động thanh tra. "Đây chính là lỗ hổng nghiêm trọng gây hậu quả nặng nề nhất trong đa số các vụ đại án. Bên sai phạm tìm mọi cách nhằm chạy chọt; đút lót; quan hệ, bên thực hiện công vụ thì nhận hối lộ; lấp liếm; bao che vì lợi ích nhóm. Dẫn đến kết luận bị "phù phép" từ to thành nhỏ, nhỏ thành không", ông Đức cho hay.

Trong khi đó, những hành động này rất khó chứng minh. Trừ trường hợp có bằng chứng rõ ràng, doanh nghiệp tiến hành tố cáo, lực lượng công an điều tra làm rõ mới xác định được trách nhiệm cụ thể.

Và cuối cùng, lực lượng xác minh sai phạm lại chính là người "tạo ra" sai phạm. Một bộ phận cán bộ thanh tra lợi dụng chức vụ, quyền hạn o ép doanh nghiệp để kiếm tiền, mà vụ án đoàn thanh tra xây dựng ở Vĩnh Phúc nhận hối lộ là minh chứng rõ ràng nhất của sự việc.

Luật sư Đức cho rằng, nhiều trạng thái, nhiều dạng khác nhau trong vấn đề này, tuy nhiên, cái khó nhất là trước đây không có cơ chế về trách nhiệm rõ ràng, đến lúc xảy ra sự việc những người cùng hội cùng thuyền bảo vệ nhau. Hoặc quyền hạn của lực lượng thanh tra bị tác động của cấp cao hơn.

Trong nhiều trường hợp, thanh tra chính là thanh gươm của cán bộ biến chất, lúc được lệnh phải làm nghiêm sự việc này, lúc được đề nghị giơ cao đánh khẽ ở vụ án khác mà không có tính độc lập. Bởi vậy, khi thanh tra có sai phạm sẽ có người đứng ra bảo vệ, lấp liếm. Tóm lại, có quá nhiều lí do lắt léo, méo mó để dẫn đến câu chuyện hiệu quả hiệu lực.

"Nhiều yếu tố để dẫn đến tình trạng trong thời gian dài, công tác thanh tra, kiểm tra không phát huy được hết công suất, đẩy lực lượng thanh tra vào thế có thì thừa không có thì thiếu", Luật sư Trương Thanh Đức đưa ra quan điểm.

Trong đó, có việc một loạt cơ chế phát sinh ra, đè chéo lên nhau trong quyền hạn giữa Thanh tra, Kiểm sát, Công an..  Vai trò thanh tra không thật sự độc lập mà bị ràng buộc, phụ thuộc, chia sẻ quyền lực và vây cánh.

"Thanh tra không thể kết luận sai phạm của lãnh đạo, của Chủ tịch, Bí thư được. Thanh tra của Sở, ngành thuộc Chính quyền rất khó để thanh tra Chính quyền, mà chỉ thanh tra cấp dưới. Ngay cả kiểm tra đơn vị ngang hàng đã khó. Ví dụ, Sở Tài chính không dám thanh tra Sở Quy hoạch vì Sở Quy hoạch là thường vụ, là cấp ủy. Sở Tài chính chắc gì đã ngang cấp để có thể thanh tra?", ông Đức nói.

Để tránh điều đó, tất cả Thanh tra tập trung về một mối và thực hiện hoàn toàn độc lập theo từng cấp, tăng quyền lợi đi kèm với tăng trách nhiệm. Tất nhiên, nguyên tắc của cơ chế nhà nước, công tác kiểm tra làm vô tư, khách quan, không vì tư lợi khi làm sai phải được miễn trách.

Theo luật sư Đức, sai có hai loại. Sai vì tham ô, tham nhũng vi phạm pháp luật cần phạt nặng, thậm chí áp dụng mức án chung thân, tử hình. Nhưng sai vì năng lực, cơ chế thay đổi theo thời gian, thời điểm này đúng nhưng vài năm sau lại phát hiện ra sai sót, nếu không chứng minh được có tư lợi thì bản chất không đánh giá cao cá nhân vi phạm, không đề xuất khen thưởng, bổ nhiệm nhưng không có tội. 

Lúc này, vai trò của thanh tra mới phát huy được hoàn toàn khả năng, nhiệm vụ của mình trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Tồn tại nhiều vấn đề trong công tác thanh tra? - Ảnh 2.

Bộ Xây dựng, đơn vị có đoàn thanh tra bị Công an tỉnh Vĩnh Phúc bắt về hành vi vòi tiền

Công tác Thanh tra, kiểm tra còn rất yếu

Chuyên gia Kinh tế Đinh Thế Hiển cũng cho rằng, đa số ở nhiều vụ án, Chính phủ đã ban hành nhiều quy chế rõ ràng, đầy đủ, nhưng vấn đề lại nằm ở công tác thực hiện, mà cụ thể ở đây là công tác Thanh tra, kiểm tra còn rất yếu.

Theo ông Hiển, hiện tại, chúng ta có tiền lệ thế này, đội thanh tra A xuống không có vấn đề, tiếp đó đội B không phát hiện ra sai phạm. chỉ đến khi đội thanh tra cuối cùng của Bộ hay cơ quan cấp cao nào đó tiến hành thanh tra mới phát hiện ra vi phạm. Lúc này, những đơn vị đã kiểm tra trước đó không phải chịu trách nhiệm. Trong khi đó, về nguyên tắc thanh tra cấp 1 vào không thấy gì, đoàn thứ 2 phát hiện ra sai phạm thì đoàn cấp 1 phải chịu trách nhiệm.

"Ở đây không nói anh sai trái, không nói anh nhận tiền hối lộ, ở đây lỗi của anh là không hoàn thành trách nhiệm của mình, anh phải nghỉ việc. Có làm như vậy công tác thanh tra, kiểm tra mới nghiêm", ông Hiển nhấn mạnh.

Thực tế, tại nhiều trường hợp, chỉ khi lực lượng thi hành công vụ bị bắt trực tiếp vì nhận tiền hối lộ mới bị xử lý, còn những đoàn thanh tra trước đó ít khi bị xử lý. Do vậy, không phải từ quy định của Chính phủ mà từ công tác thanh tra vô hình chung tiếp lực cho sai phạm kéo dài. Trong khi đó chúng ta có đầy đủ từ thanh Thanh tra Xây dựng, Thanh tra Lao động, Thanh tra Môi trường... để có thể giải quyết những vấn đề liên quan.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem