Nên xem hợp đồng liên kết tiêu thụ nông sản là một tài sản có thể thế chấp vay vốn

Trần Khánh Thứ năm, ngày 28/07/2022 14:20 PM (GMT+7)
Xem hợp đồng liên kết tiêu thụ nông sản như một tài sản có thể thế chấp vay vốn là một trong những đề xuất đáng chú ý nhằm hỗ trợ HTX nông nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng để phát triển.
Bình luận 0

Vì sao doanh nghiệp nhỏ, HTX nông nghiệp khó vay vốn từ ngân hàng?

Tại Diễn đàn Khai thông tín dụng phục vụ chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản cho doanh nghiệp vừa, nhỏ và HTX do Bộ NNPTNT tổ chức ngày 28/7, rất nhiều ý kiến cho biết khó tiếp cận vốn vay từ ngân hàng.

Ông Nguyễn Ngọc Nghiệp - Giám đốc HTX Nông nghiệp Ngọc An (Bình Định) cho biết, HTX vốn chuyển đổi từ mô hình HTX kiểu cũ sang kiểu mới.

HTX Nông nghiệp Ngọc An (Bình Định) liên kết với doanh nghiệp thực hiện mô hình thử nghiệm phân bón. Ảnh: Trần Khánh

HTX Nông nghiệp Ngọc An (Bình Định) liên kết với doanh nghiệp thực hiện mô hình thử nghiệm phân bón. Ảnh: Trần Khánh

Hiện nay, HTX Ngọc An hoạt động tín dụng nội bộ theo cách thức huy động nguồn vốn góp từ các thành viên. "HTX chưa tiếp cận được với nguồn vốn nào từ ngân hàng", ông Nghiệp nói.

Ông Đặng Dương Minh Hoàng – Giám đốc HTX DV Nông nghiệp số (Bình Phước) cho biết, có một thực tế là các doanh nghiệp lớn luôn dễ dàng tiếp cận vốn vay từ ngân hàng với lãi suất ưu đãi.

"Nhưng các doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc tiếp cận vốn vay rất khó khăn, hoặc lãi suất cao hơn. Thậm chí không tiếp cận được", ông Hoàng nói.

Đại diện HTX đến từ Bình Phước đề nghị Ngân hàng Nhà nước có chính sách để cấp hạn ngạch lãi suất phù hợp hơn cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và các HTX nông nghiệp.

Bà Bùi Thu Thủy - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho biết, trong số các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận các nguồn tài chính thì chỉ có 25% tiếp cận được nguồn tài chính chính thống.

Còn lại là từ các nguồn khác như huy động từ người thân, vay, mượn tại các nguồn không chính thống. Đây là hạn chế rất lớn. Nếu tình trạng này kéo dài thì doanh nghiệp không có nguồn lực để phát triển và bứt phá.

Trồng bơ bằng công nghệ cao ở HTX DV Nông nghiệp số (Bình Phước). Ảnh: Trần Khánh

Trồng bơ bằng công nghệ cao ở HTX DV Nông nghiệp số (Bình Phước). Ảnh: Trần Khánh

Vì sao ngân hàng thừa vốn nhưng doanh nghiệp nhỏ, vừa và HTX vẫn không tiếp cận được vốn?

Bà Thủy giải thích, ngân hàng cũng là doanh nghiệp. Ngân hàng phải đảm bảo hiệu quả tín dụng, không để xảy ra nợ xấu và bảo toàn vốn cho hoạt động kinh doanh.

Ngoài việc chưa minh bạch tài chính, đa số doanh nghiệp, HTX chưa có phương án sản xuất kinh doanh khả thi.

Nhiều ngân hàng cũng nói rằng doanh nghiệp nhỏ, vừa, HTX chưa đủ độ tin cậy. "Nếu có phương án sản xuất kinh doanh khả thi, có khả năng tăng trưởng tốt, công nghệ tốt… thì nhiều ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ", bà Thủy nói.

Xem hợp đồng liên kết tiêu thụ nông sản là một tài sản để vay vốn

Ông Nguyễn Văn Đời - Chủ tịch HTX Nông nghiệp Bình Thành (Đồng Tháp) cũng thừa nhận, ngân hàng là đơn vị kinh doanh tiền tệ. Trong khi năng lực của HTX để viết được một dự án cho khả thi còn hạn chế.

Ngân hàng rất muốn cho vay vốn nhưng HTX không có cơ quan chủ quản, cơ quan chuyên môn giúp đỡ HTX trong việc thẩm định tài sản vay vốn. Vì thế, ông Đời đề nghị các cơ quan chức năng xem xét lại Nghị định 116 vì HTX không có tài sản thế chấp, đơn vị chủ quản.

HTX Bình Thành đang kinh doanh sản phẩm điện nông thôn. Ảnh: Hoàng Vũ

HTX Bình Thành đang kinh doanh sản phẩm điện nông thôn. Ảnh: Hoàng Vũ

HTX Bình Thành đang kinh doanh sản phẩm điện nông thôn. Tài sản của HTX khoảng 10 tỷ đồng nhưng không thể thế chấp được.

Lý do là ngân hàng không thẩm định tài sản thực tế theo từng sản phẩm. HTX cần phải có một đơn vị đứng ra xác lập chủ sở hữu để có thể thế chấp với ngân hàng.

Việc các HTX phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới được ngân hàng cho vay vốn là không bền vững. "Ngân hàng Nhà nước nên nghiên cứu đến việc cho phép ngân hàng địa phương thẩm định thực tế tài sản của HTX", ông Đời đề xuất.

TS. Trần Minh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn II (TP.HCM) cho biết, thực trạng chung của các HTX nông nghiệp trong nước hiện không tiếp cận được tín dụng.

70-80% nông dân phải mua thiếu vật tư nông nghiệp từ các HTX, hoặc các HTX có hoạt động tín dụng cũng là tự phát.

TS. Trần Minh Hải đề nghị Nhà nước ban hành quy định liên quan đến tín dụng nội bộ của HTX. Các ngân hàng thương mại cổ phần có thể liên kết sản xuất theo chuỗi để thực hiện khoản vay gắn với HTX.

Các ngân hàng cũng nên tập huấn cho các lực lượng cán bộ tín dụng hiểu hơn về các mô hình và hoạt động của HTX. Từ đó, ngân hàng xây dựng cho các HTX các phương án kinh doanh khả thi.

"Khi các HTX đã có phương án khả thi, khả năng thu hồi vốn sẽ lớn hơn", TS. Hải nói.

Thu mua nông sản tại HTX Nông nghiệp thương mại dịch vụ Minh Hòa Phát (Bình Dương). Ảnh: Trần Khánh

Thu mua nông sản tại HTX Nông nghiệp thương mại dịch vụ Minh Hòa Phát (Bình Dương). Ảnh: Trần Khánh

Một điểm đáng lưu ý mà các nước đang áp dụng thành công là xem hợp đồng liên kết tiêu thụ nông sản là một tài sản có thể thế chấp vay vốn.

TS. Hải cho rằng, việc thế chấp bằng hợp đồng liên kết tiêu thụ nông sản, hoặc hợp đồng bảo lãnh tín dụng của doanh nghiệp liên kết với HTX là hợp lý.

Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) cho rằng, việc tập trung giải quyết, tháo gỡ là phương pháp đánh giá, định giá tài sản thế chấp của HTX là vấn đề lớn.

Ông Toản đề nghị các ngân hàng cần thay đổi "khẩu vị tín dụng" đối với lĩnh vực nông nghiệp. Bởi vì nông nghiệp là lĩnh vực còn nhiều dư địa, mang lại giá trị kinh tế.

"Ngoài việc xây dựng sản phẩm liên kết ngân hàng bảo hiểm đối với nông nghiệp, các ngân ngàn cần cân nhắc việc xem hợp đồng liên kết tiêu thụ nông sản là một tài sản bảo lãnh trong vấn đề xét duyệt cho vay đối với doanh nghiệp", ông Nguyễn Quốc Toản đề nghị.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem