Thị trường xăng dầu- Nguồn cung không thiếu, vì sao doanh nghiệp vẫn bán cầm chừng.
Việc giảm giá xăng dầu liên tiếp từ đầu tháng 7/2022 đến nay của liên Bộ Công Thương - Tài chính được các chuyên giá kinh tế đánh giá, đây thực sự là “luồng gió mát” cho hoạt động sản xuất, kinh tế của doanh nghiệp phục hồi và đời sống dân sinh được cải thiện.
Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, việc giảm giá không hẳn là niềm vui. Theo phản ánh của nhiều đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu phía Nam, tình trạng cắt chiết khấu, chiết khấu mức rất thấp với mặt hàng xăng, dầu xuất hiện trở lại ở nhiều địa phương, khiến doanh nghiệp lại bị rơi vào cảnh bán hàng không đủ trang trải chi phí và bị lỗ.
Trong khi đó, lực lượng quản lý thị trường và sở công thương các tỉnh, thành phố cũng thừa nhận, tình trạng nhiều cây xăng, đại lý xăng dầu ở các địa phương đang tìm cách đối phó với cơ quan chức năng để hạn chế lượng bán ra là có thật.
Ông Huỳnh Thanh Phong - Giám đốc Sở Công Thương Hậu Giang cho biết, vừa qua, sau khi có thông tin một số cửa hàng hết xăng dầu, sở công thương thành lập đoàn khảo sát, tiến hành kiểm tra đối với 14 cửa hàng, trong đó có 6 cửa hàng hết xăng dầu hoặc hết xăng còn dầu. Đoàn đã lập biên bản và đề nghị các cửa hàng cam kết sớm nhập hàng và bán trở lại.
Đề cập đến việc hàng loạt cây xăng treo biển hết hàng, đóng cửa ở nhiều nơi trong thời gian qua, ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam khẳng định, hiệp hội đồng tình với Bộ Công Thương khi cho rằng nguồn cung không thiếu. Hiện 2 nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Bình Sơn đều đang hoạt động tối đa công suất. Còn những đầu mối lớn cũng đều khẳng định tuân thủ theo chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước.
Tuy nhiên, ông Bảo cũng phân tích, có một số tác động sau 5 lần giảm giá, ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của doanh nghiệp. Trên thị trường có tình trạng chiết khấu giảm mạnh, đang từ mức 1.200 - 1.300 đồng/lít lúc giá xăng dầu ổn định, giảm về còn dưới 100 đồng, thậm chí là 0 đồng.
Diễn biến giá lên xuống bất thường khiến các doanh nghiệp “chần chừ” để theo dõi giá thế giới. Doanh nghiệp có thể chỉ nhập khẩu đủ số lượng theo quy định để giảm tình trạng “càng bán càng lỗ”, chứ không có dôi dư. Xăng dầu là mặt hàng Nhà nước quản lý, vì vậy nên đưa ra mức giá trần, doanh nghiệp sẽ cân đối để điều chỉnh giá nhằm khắc phục tình trạng bán hàng cầm chừng.
Thực hiện : Hiểu Vy (Quốc Hội TV)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.