"Thiếu" tiền ngân sách và loạt vấn đề: KTNN "điểm tên" nhiều ngân hàng, bảo hiểm
"Thiếu" tiền ngân sách, tăng trưởng vượt mức: Kiểm toán Nhà nước "điểm tên" loạt ngân hàng, bảo hiểm
Huyền Anh
Thứ ba, ngày 31/05/2022 08:26 AM (GMT+7)
Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã có báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2021. Trong đó, bao gồm kết quả kiểm toán các tổ chức tín dụng. Hàng loạt ngân hàng, công ty bảo hiểm được "điểm tên" trong báo cáo này.
Cụ thể, năm 2021, Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và 9 tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.
Kết quả kiểm toán cho thấy năm 2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt góp phần kiểm soát lạm phát ở mức 3,23%, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối; nhiều lần điều chỉnh giảm lãi suất . Các tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm được kiểm toán đảm bảo các chỉ tiêu an toàn trong hoạt động.
Cụ thể, Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu riêng lẻ và hợp nhất tại VietinBank lần lượt là 10,51% và 10,79% (quy định tối thiểu 9%), tỷ lệ dự trữ thanh khoản 12,28% (quy định tối thiểu 10%), tỷ lệ khả năng chi trả trong 30 ngày đối với đồng Việt Nam là 61,74% (quy định tối thiểu 50%); Ngân hàng Hợp tác xã có tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 18,2%; PJICO: Biên khả năng thanh toán bằng 119% biên khả năng thanh toán tối thiểu…
Các tổ chức kinh doanh có lãi chẳng hạn như VietinBank lợi nhuận trước thuế và tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu lần lượt là 17.119,81 tỷ đồng và 16,9%; Ngân hàng Hợp tác xã là 178,86 tỷ đồng và 3,72%; PGBank là 202,92 tỷ đồng và 4,2%; Vietlott là 211,08 tỷ đồng và 30,1%; PVI là 1.072,52 tỷ đồng và 11,78%; PJICO là 227,46 tỷ đồng và 11,9%; Ngân hàng Chính sách xã hội là 852,09 tỷ đồng.
Tuy nhiên, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra rằng, mức giảm lãi suất cho vay bình quân chậm hơn mức giảm lãi suất tiền gửi bình quân, chênh lệch lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi duy trì ở mức cao, 4,12% (tháng 1/2020) và 4,61% (tháng 12/2020); Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVCombank) tăng trưởng tín dụng vượt mức tối đa cho phép của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (vượt 3.318 tỷ đồng).
Cũng theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, một số đơn vị đầu tư tài chính không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp.
Tại PVI, Công ty mẹ trích lập dự phòng: 37,08 tỷ đồng/37,08 tỷ đồng đầu tư cổ phiếu Ngân hàng TMCP Đông Á; 37,33 tỷ đồng/43,5 tỷ đồng khoản đầu tư góp vốn vào Công ty CP Kinh doanh Dịch vụ cao cấp dầu khí; 140,17 tỷ đồng/344,12 tỷ đồng đầu tư bất động sản tại Dự án The Costa Nha Trang.
Ngoài ra, Tổng công ty Bảo hiểm PVI đầu tư 200 tỷ đồng trái phiếu Công ty CP Sông Đà Thăng Long từ năm 2010 chưa thu được lãi (đã thu gốc 32,03 tỷ đồng), dự phòng rủi ro đã trích 167,97 tỷ đồng; còn 02 khoản đầu tư góp vốn 20,90 tỷ đồng vào Tổng công ty Bảo dưỡng, sửa chữa công trình dầu khí và Công ty CP Điện Việt Lào không có lợi nhuận hay cổ tức được chia từ khi nhận bàn giao (năm 2011) của PVI, từ năm 2015 đến 31/12/2020 Tổng công ty Bảo hiểm PVI phải trả 1,97 tỷ đồng phí quản lý 02 khoản đầu tư này cho Công ty Quản lý quỹ PVI;
Tương tự, PJICO đầu tư 23,8 tỷ đồng cổ phiếu Tổng công ty Dầu Việt Nam, trích lập dự phòng 58,1%; đầu tư 7,97 tỷ đồng cổ phiếu Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn, trích lập dự phòng 46,2%; đầu tư 3,34 tỷ đồng vào Công ty CP Đầu tư và Xuất nhập khẩu FOODINCO, trích lập dự phòng 31,3%.
Một số ngân hàng, công ty bảo hiểm chưa được xử lý dứt điểm một số khoản công nợ như PVI, Công ty mẹ còn khoản phải thu 4,73 tỷ đồng của Công ty TNHH MTV Khách sạn Green Plaza Đà Nẵng phát sinh trong giai đoạn năm 2010- 2018; Tổng công ty Bảo hiểm PVI chưa làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm liên quan đến một số khoản công nợ phải thu, tạm ứng lâu ngày không có khả năng thu hồi 8,51 tỷ đồng.
3 "ông lớn" VietinBank, Vietcombank và BIDV cũng đồng loạt được Kiểm toán Nhà nước điểm tên vì chưa nộp NSNN khoản thu hồi được từ nợ ngoại bảng đã được loại trừ không tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa với số tiền lần lượt là 76 tỷ đồng; 1,16 tỷ đồng và 34 tỷ đồng.
Báo cáo của KTNN cũng đã chỉ ra rằng, một số ngân hàng phân loại nợ chưa phù hợp, trích lập dự phòng rủi ro tín dụng chưa chính xác (như VietinBank, PG Bank, ngân hàng Hợp tác xã), còn sai sót về trình tự, thủ tục cho vay.
Đặc biệt, tại ngân hàng chính sách còn nhiều trường hợp cho vay vượt hạn mức (cho vay đối với 02 người có cùng một hộ khẩu) và cho vay đối tượng không phù hợp với mục tiêu của chương trình Nước sạch và vệ sinh môi trường (dư nợ 6,33 tỷ đồng gồm 430 khoản vay) và chương trình Sản xuất kinh doanh vùng khó khăn (1,67 tỷ đồng gồm 40 khoản vay), dẫn đến xác định số tiền cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý từ ngân sách nhà nước tăng thêm 0,58 tỷ đồng.
Tại ngân hàng Hợp tác xã, hệ thống công nghệ thông tin (phân hệ tín dụng) chưa tự động chuyển nợ quá hạn đối với việc phân loại nợ theo định lượng, chưa có chốt tự động kiểm soát chặt chẽ đối với số liệu dự phòng rủi ro tín dụng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.