Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Ngày 5/4, trao đổi với Dân Việt, Thiếu tướng Lê Văn Cương (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Bộ Công an Việt Nam) cho rằng, qua vụ án "chuyến bay giải cứu", có thể thấy vấn đề giám sát quyền lực của chúng ta chưa chặt chẽ, nếu không muốn nói là lỏng lẻo, trong đó trách nhiệm trước hết thuộc về những lãnh đạo đứng đầu cơ quan.
Thiếu tướng Cương dẫn lại câu các nhà lãnh đạo từng nói "lãnh đạo mà không kiểm tra, giám sát thì coi như không lãnh đạo" và cho rằng, vụ "chuyến bay giải cứu" là một sơ hở khủng khiếp. Vì thế, hình thành những đường dây, "nhóm lợi ích" để móc ngoặc, mua chuộc, kiếm chác trên những khó khăn của người dân, đặc biệt là những người Việt Nam ở nước ngoài.
Ông phân tích, một trong những nguyên nhân của tha hóa, tham nhũng phổ biến là do quyền lực không được giám sát chặt chẽ. "Khi quyền lực không được giám sát chặt chẽ thì sớm muộn cũng tha hóa, không có ngoại lệ, đó là quy luật", ông Cương nói.
Đã từng đến và tìm hiểu ở những quốc gia được coi là có hệ thống công quyền trong sạch nhất thế giới như Singapore, Thụy Điển, Phần Lan, New Zeland… tướng Cương đưa ra nhận định các nước này đều có điểm chung là quyền lực của quan chức, công chức được giám sát rất chặt chẽ.
Nhìn lại thực tế trong vụ "chuyến bay giải cứu" và những vụ án khác đã xảy ra, ông Cương cho rằng do giám sát quyền lực chưa chặt nên quan chức, công chức thường lợi dụng làm sai, biến công quyền thành tư quyền để mưu lợi cho cá nhân, gia đình, hội nhóm. Đó là những biểu hiện của tha hóa quyền lực.
Dẫn chứng thêm trong vụ "chuyến bay giải cứu", bị can Phạm Trung Kiên, cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, là người trình văn bản để trình Thứ trưởng xem xét, ký duyệt. Lợi dụng chức vụ của mình, bị can Kiên đã nhận hối lộ hơn 180 lần với tổng số tiền hơn 42,6 tỷ đồng chỉ trong thời gian vài tháng.
"Thư ký là chỉ giúp việc, tập hợp giấy tờ và trình thôi, lãnh đạo mà để cho thư ký khuynh đảo như vậy thì cũng phải chịu trách nhiệm", ông Cương nêu quan điểm.
Đối với vụ án "chuyến bay giải cứu", theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, cần cộng thêm tình tiết tăng nặng cho các bị can trong quá trình tố tụng. Lý do bởi trong thời điểm khó khăn "ngàn cân treo sợi tóc", người dân ở phương xa phải cầu cứu tìm về Tổ quốc mà những người này lại tranh thủ trục lợi trên nỗi đau của đồng bào.
Ông nhìn nhận các văn bản pháp luật hiện hành còn quy định chung chung, nên cần bổ sung để làm rõ quyền hạn, trách nhiệm của lãnh đạo, thủ trưởng cơ quan, đơn vị.
Theo tướng Cương, trong một Bộ mà có nhiều cán bộ cấp dưới bị vi phạm, kỷ luật thì Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm. Một tỉnh mà nhiều Giám đốc Sở, Phó Chủ tịch tỉnh bị kỷ luật thì Chủ tịch, Bí thư Tỉnh uỷ phải chịu trách nhiệm.
"Giải pháp khắc phục, phòng ngừa phải từ gốc, nghĩa là hệ thống luật pháp và việc giám sát phải chặt chẽ, bởi nếu còn chung chung, tôi e ngại sau vụ chuyến bay giải cứu lại tiếp tục có thêm vài vụ khác", ông Cương nói.
Mặt khác, theo tướng Cương, cần xem xét hệ thống giám sát quyền lực ở Việt Nam bằng cách tăng cường quyền hạn, trách nhiệm cho những cơ quan như Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các tổ chức chính trị - xã hội.
"Quan điểm của tôi là phải có một cuộc tổng rà soát lại hệ thống luật pháp và xác định trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Khi chưa làm được điều này thì khó giải quyết tình trạng cán bộ lợi dụng trách nhiệm, quyền hạn để tham nhũng, tiêu cực", ông Cương góp ý.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.