Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Sáng nay, 8/3, Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Diễn đàn trực tuyến "Thúc đẩy thương mại nông sản, thủy sản và sản phẩm thủy sản giữa Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Tây)".
Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với 3 điểm cầu chính tại Bộ NNPTNT, Văn phòng Bộ NNPTNT phía Nam và tỉnh Quảng Ninh, kết hợp trực tuyến qua nền tảng trên website của Báo Nông nghiệp Việt Nam.
Diễn đàn được tổ chức nhằm trao đổi về tình hình xuất nhập khẩu nông sản, thủy sản, thực phẩm; nhu cầu giao thương giữa Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Tây), đồng thời tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xuất khẩu nông sản, thủy sản, thực phẩm thủy sản sang thị trường Trung Quốc thời gian tới.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, tỉnh Quảng Ninh là cửa ngõ giao thương quan trọng và sôi động nhất giữa Việt Nam với ASEAN với vị trí địa kinh tế, nằm trong khu vực phát triển năng động của cả nước và toàn thế giới. Đồng thời là điểm đầu khu vực hợp tác "Hai hành lang, một vành đai", là cầu nối trung chuyển, giao lưu hàng hóa, khoa học công nghệ, đầu tư giữa Đông Bắc Á - Đông Nam Á.
Đặc biệt, Diễn đàn còn có sự tham dự của đại diện Tổng Lãnh sự quán nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại TP.HCM và đại diện một số đơn vị chức năng của TP. Đông Hưng tại điểm cầu Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Quảng Ninh là địa phương có hạ tầng giao thông cơ bản hoàn chỉnh, tạo thuận lợi cho cả 5 phương thức vận tải: Đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, đường biển, hàng không hiện đại - thuận lợi - hiệu quả và an toàn, đảm bảo kết nối nhanh hơn với khu vực và quốc tế.
Những năm qua, Quảng Ninh ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng của mình trong việc thúc đẩy, kết nối giao thương xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và các nước thứ 3 với thị trường Trung Quốc, trong đó có một lượng lớn hàng hóa nông, lâm, thủy sản.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định: Tới đây, Quảng Ninh sẽ nỗ lực hết mình hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản qua các cửa khẩu trên địa bàn.
Tại Diễn đàn, lãnh đạo sở, ban, ngành, các hiệp hội, doanh nghiệp của Việt Nam và Trung Quốc đã cùng thảo luận về tình hình xuất nhập khẩu nông lâm thuỷ sản, đồng thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xuất nhập khẩu.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam đánh giá, vừa qua, các sản phẩm nông sản ít nhiều gặp rủi ro trong xuất khẩu, nhất là các sản phẩm chế biến sâu đã được đăng kí trực tiếp với hải quan Trung Quốc, nhưng lại không đăng kí qua cơ quan chức năng Việt Nam.
“Do đó, khi hải quan Trung Quốc yêu cầu Bộ NNPTNT thẩm tra lại các hồ sơ này, Bộ NNPTNT không nắm được các doanh nghiệp đó ở đâu. Đây chính là một nguyên nhân khiến tiến độ hồ sơ bị chậm lại”, ông Nam đặt vấn đề và gợi ý: Các doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu nông sản chế biến sâu sang Trung Quốc cần cùng lúc gửi 2 hồ sơ tới các cơ quan chức năng của Bộ NNPTNT và phía Trung Quốc.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam nhận định, tuy chưa thể giải quyết hết được những thắc mắc của các đơn vị và doanh nghiệp nhưng Diễn đàn đã cung cấp nhiều thông tin về kỹ thuật, kiểm dịch, an toàn thực phẩm, phát triển thị trường tới các doanh nghiệp 2 nước.
Cùng với đó, Quảng Ninh cần chỉ đạo TP.Móng Cái phối hợp với các đơn vị ở Quảng Tây (Trung Quốc) tổ chức diễn đàn xúc tiến thương mại ở TP.Đông Hưng sớm nhất, từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp 2 nước có thể thương thảo trực tiếp với nhau, xây dựng các chuỗi cung ứng, xuất khẩu nông sản giữa 2 nước.
Ông Nam cũng đề nghị các hiệp hội ngành hàng có nhu cầu xuất khẩu nông sản qua cửa khẩu Móng Cái cần tập hợp các vướng mắc và gửi về Cục Chất lượng, Chế biến và Thị trường nông sản để Bộ NNPTNT làm việc với các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Tây trong thời gian tới. Các cơ quan chức năng 2 nước cũng cần phối hợp, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc về thủ tục hồ sơ cho doanh nghiệp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.