Thủ tướng chỉ đạo thực hiện chính sách dân tộc

Lê San Thứ tư, ngày 09/07/2014 09:31 AM (GMT+7)
Ngày 8.7 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã làm việc với Uỷ ban Dân tộc (UBDT) và Hội đồng Dân tộc về chính sách dân tộc.
Bình luận 0

Điều chỉnh các chính sách không phù hợp

Theo báo cáo của Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Giàng Seo Phử: Giai đoạn 2006 - 2014 có 130 chính sách được triển khai thực hiện ở vùng dân tộc, miền núi (DTMN); trong đó UBDT quản lý 9 chính sách, các bộ ngành quản lý 121 chính sách. Ngoài ra, các địa phương đã chủ động thể chế hoá quan điểm của Đảng, Nhà nước bằng việc ban hành những chính sách riêng phù hợp với địa bàn.

Quan điểm
img
Bà Nguyễn Thị Kim Thoa  • Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính (Bộ Tư pháp)
 Ở vùng DTMN, trong điều kiện khó khăn nhà nước còn phải hỗ trợ thì khó có thể huy động nguồn lực từ nhân dân để triển khai xây dựng nông thôn mới. Để đạt mục tiêu nông thôn mới ở vùng dân tộc, miền núi thì cần thiết có cơ chế, chính sách đặc thù riêng.  

 

Thông qua hệ thống chính sách đầu tư, hỗ trợ toàn diện trên các lĩnh vực mà diện mạo nông thôn vùng DTMN đã thay đổi rõ nét, nhất là hạ tầng kinh tế-xã hội. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm 3-4%/năm. Cùng có chung đánh giá như vậy, tuy nhiên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước cho biết: Qua giám sát, Hội đồng Dân tộc nhận thấy, tỷ lệ hộ nghèo vẫn cao, giảm nghèo chưa bền vững cho vùng DTMN là vấn đề cần tập trung giải quyết. Nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ để giảm nghèo chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

UBDT đã cùng các bộ, ngành rà soát các chính sách dân tộc, và thấy: Việc bố trí nguồn vốn chưa đáp ứng theo kế hoạch, chưa đồng bộ. Kinh phí thực hiện các chính sách chưa lồng ghép được.

Giảm bớt đầu mối quản lý

Đối với chính sách dân tộc giai đoạn 2016 – 2020, Bộ trưởng Giàng Seo Phử đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng các đề án, chính sách theo hướng đa mục tiêu dài hạn, đa ngành, đa lĩnh vực và giảm đầu mối quản lý, đầu tư có trọng điểm, đảm bảo tập trung nguồn lực thực hiện chính sách. Cần có tính quy chuẩn cụ thể về ưu tiên và tính đặc thù trong từng chính sách đối với từng vùng, miền.

Đại diện các bộ, ngành cũng cho rằng, để thực hiện chính sách dân tộc thời gian tới thực sự hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ cần giao UBDT làm đầu mối để quản lý, giám sát các chính sách.

Bộ trưởng Giàng Seo Phử cũng đề nghị, trong năm 2014-2015, Thủ tướng Chính phủ cho phép UBDT thành lập Học viện Dân tộc theo cơ chế đặc thù; đồng thời xây dựng đề án chuyển UBDT thành bộ đa ngành, đa lĩnh vực (Bộ Dân tộc). Đặc biệt, để thực hiện hiệu quả công tác dân tộc, chính sách dân tộc thì Thủ tướng chỉ đạo sớm triển khai xây dựng Luật Dân tộc.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Kết quả thực hiện chính sách dân tộc quyết định tới sự ổn định và phát triển ổn định của đất nước. Thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ của liên bộ. Trong thời gian tới đề nghị xác định những công việc cụ thể mà các bộ, ngành phải làm. Trong đó tập trung vào giải quyết đời sống, đào tạo nguồn nhân lực. Từng bộ, ngành phải sâu sát với nhiệm vụ của ngành mình, phối hợp với UBDT để có những chính sách cụ thể, khả thi. Tiếp tục rà soát, bổ sung các chính sách. Tăng cường giám sát, kiểm tra và đề xuất hoàn thiện cơ chế chính sách. Chính phủ sẽ cố gắng bố trí tối đa nguồn vốn trước năm 2016.

Ông Chu Phạm Ngọc Hiển - Thứ trưởng Bộ TNMT: 

Chính phủ và các bộ, ngành cần tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm việc bàn giao đất của các nông, lâm trường về cho địa phương quản lý, ưu tiên giao đất cho các hộ đồng bào DTTS có nhu cầu. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần đầu tư kinh phí để các bộ ngành liên quan, kiểm tra, khảo sát nguồn nước (sinh hoạt, sản xuất) ở vùng dân tộc, miền núi để xây dựng các chương trình, dự án phù hợp. 

Ông Trần Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Nội vụ: 

Chính sách cử tuyển đối với con em đồng bào DTTS triển khai thực hiện vẫn còn nhiều bất cập, các em về không xin được việc làm ngay, không được sử dụng hợp lý. Thời gian tới nên giao cho các bộ tiến hành đánh giá cử tuyển, trên cơ sở đó xây dựng nghị định mới thay thế Nghị định 134 về cử tuyển để sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực DTTS.
Nguyễn Lê (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem